Năm nào cũng thế cứ vào độ giáp Tết từ 20- 30 tháng chạp hàng năm lại đến phiên chợ đồ cổ, đồ cũ hay đồ giả cổ họp nhộn nhịp ở ngã năm Hàng Cân – Hàng Lược – Hàn Đồng – Hàng Mã.
Không có bảng hiệu, không có nội quy, không có cổng,... gọi là chợ nhưng ở đây chỉ có khoảng chục gian hàng, mỗi gian trải bạt ngay dưới lòng đường chừng một vài m2. Từ bao lâu nay, phiên chợ này được “mở ra” một cách âm thầm, nhưng vẫn thu hút được nhiều người yêu thích cổ vật, ưa hoài niệm. Món đồ ở chợ đa dạng, từ các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, lư hương… đến các vật dụng bình dị trong cuộc sống hàng ngày như bát, đũa, dao, nĩa... Có người đến để tìm mua những món đồ mà từ lâu cất công tìm kiếm, có người đến để xem cho vui.
Đồ cổ không phải ai cũng chơi được. Nhiều người nói đến được với nhau còn vì cái “duyên”. Đó không chỉ là một thú chơi sang, sang không chỉ vì giá trị, mà sang trong cả cốt cách, đó cũng chính là một trong những điều làm nên nét đặc sắc của chợ phiên này.
Không giống những cái chợ khác, khách đến chợ là phải mua bán, ở chợ đồ cổ ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ chủ hàng buông một tiếng phàn nàn. Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu lai lịch xuất xứ món đồ bán tại chợ cũng được chủ hàng nhiệt tình giải thích
Có một điều đặc biệt ở chợ đồ cũ, đồ cổ này đó là người xem thì nhiều, người mua thì ít, nhưng người bán thì cũng không cần phải bán được hết đồ, dù không bán được họ vẫn vui vẻ và sang năm lại tiếp tục mang hàng ra bày để mọi người tới xem, lấy đó làm vui....
Thường thì, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm. Nhiều người bán không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ.Đa phần người bán, người mua đều là những người “sành” hoặc có ít nhiều hiểu biết về đồ cổ, họ gặp nhau để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với đồ cổ, bàn luận về những giá trị xưa cũ.
Với nhiều người, đi chợ đâu chỉ để ngắm, để nghe, bàn luận về những thứ đã từng “vang bóng” mà còn để tìm lại phép lịch sự, nhẹ nhàng trong giao tiếp của người Hà Nội xưa, cái thứ chỉ còn vương vấn lại rất ít, mà có lẽ chỉ có ở phiên chợ ngắn ngủi này.
Những ngày này khi năm hết Tết đến, đến phiên chợ đồ cổ duy nhất trong năm trên đất Hà Thành bạn sẽ tận mắt chứng kiến những món đồ "độc, lạ" ít thấy trong ngày thường và hơn cả bạn sẽ được thưởng thức nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội trong phiên chợ độc đáp này.
Dưới đây là một số hình ảnh tại phiên chợ đồ cổ duy nhất vừa mở cửa từ ngày 20 tháng chạp vừa qua:
Những món đồ ở đây rất đa dạng, từ các loại đồ thờ, linh vật bằng đồng hay gốm, sứ cho đến các vật dụng bình dị trong cuộc sống hàng ngày.
Thông thường những linh vật này chỉ được thấy ở các đền thờ, miếu hay cổng làng cổ. Nhưng trong phiên chợ này những linh vật này cũng xuất hiện...
Ngay từ sáng sớm người phụ nữ này đã vội vã bày hàng ra bán...
Có đủ mọi thứ cho khách mua tìm chọn...
Hai chiếc ấm trà bằng đồng trông khá bắt mắt tại phiên chợ đồ cổ năm nay.
Bình gốm, lọ hoa sành và cả những bức tượng cũng được bày bán ở đây.
Và cả những chiếc điện thoại cổ...
Bát tiền cổ này được chủ cửa hàng phát giá 2 triệu đồng.
Với chiếc nhỏ hơn này chỉ với 1 triệu đồng.
Còn với chiếc bình lớn đầy chặt tiền cổ này, người chủ cửa hàng phát giá 7 triệu đồng. "Những thứ này bày ở phòng khách rất đẹp và ấn tượng cho gia chủ. Chính vì thế những món đồ này cũng rất hợp để làm quà biếu nhân dịp năm mới" - người chủ cửa hàng nói.
Phiên chợ đồ cổ cũng bày bán hàng trăm chiếc đèn dầu cổ với nhiều kiểu dáng. Giá một chiếc đèn thường giao động từ một đến vài triệu đồng/chiếc.
Không chỉ là các vật dụng cổ hay những linh vật xưa, tại phiên chợ đồ cổ năm nay còn bày bán khá nhiều các loại sách cũ.
Nếu sống ở Hà Nội mà chưa từng đến phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm, mở cửa đón khách từ ngày 20 tháng Chạp, có thể bạn đã bỏ qua một cơ hội lớn trong đời.
Theo Dân Trí