Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu

Nhắc tới Ladakh, nơi được mệnh danh là thiên đường trần thế của Ấn Độ là nhắc đến giấc mơ của bao nhiêu người yêu du lịch. Nơi đây, một sa mạc núi lạnh có cảnh quan tuyệt đẹp với băng tuyết quanh năm bao phủ trên các đỉnh núi. Nơi đây, cũng là ngôi nhà giao thoa giữa những truyền thống, văn hóa không chỉ của người Ấn Độ mà còn các tộc người khác nhau. Nhưng nhiêu năm gần đây, trong sự biến động không ngừng của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid 19, Ladakh lại hiện diện với một hình ảnh khác, là thiên đường của những sáng kiến mới chống biến đổi khí hậu. Và đặc biệt hơn, những sáng kiến kinh ngạc này đều có được sự góp công từ kỹ sư ưu tú của Ladakh: Sonam Wangchuk.

_____________

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1

Ladakh từng là thiên đường du lịch của hàng triệu du khách trên thế giới, khi mà ánh nắng mặt trời xuất hiện vào tháng 5 hoặc tháng 6, thì cũng là lúc những chiếc máy bay bắt đầu cất cánh thường xuyên đến vùng đất này. Ladakh nổi tiếng với việc đứng dưới ánh mặt trời chói chang nhưng vẫn cảm nhận được không khí lạnh xung quanh. Cảnh quang hoang sơ khép mình dưới dãy núi Himalaya hùng vĩ cũng là một trong những điều mê hoặc khách tứ phương.

Tuy nhiên, đối với người dân Ladakh, cuộc sống nơi đây không phải lúc nào cũng là thiên đường, đặc biệt là vào những giai đoạn chuyển giao giữa các mùa, và đặc biệt là trong bối cảnh mà nhiều nơi trên thế giới đang oằn mình với sự biến đổi đột ngột của khí hậu.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 2

Vùng sa mạc rộng lớn phía Bắc Ấn Độ không chỉ là nơi nhạy cảm trên khía cạnh chính trị mà còn đặt mình trong thế khó của những biến đổi không ngừng của thiên nhiên. Theo thời gian, tác động của biến đổi khí hậu khiến cho cuộc sống ở nơi này trở nên khắc nghiệt hơn. Vốn dĩ, nơi đây không có lượng mưa dồi dào, nguồn nước tưới tiêu chủ yếu là nước sông băng từ tuyết tan.

Nhiều năm đổ lại đây, số lượng sông băng càng trở nên hiếm hoi và tan chảy sớm khiến những tháng quan trọng của mùa vụ thường thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Ngoài ra, ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu cũng khiến những nguồn thu nhập khác bị hạn chế.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 3
Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 4

Có ai đó từng nói, thời thế sinh anh hùng. Nếu nhìn sâu hơn vào những công trình đến từ Ladakh trong nhiều năm qua, câu nhận định này không quá khiên cưỡng. Có lẽ, vì đắm mình trong cuộc sống của nơi khắc nghiệt như Ladakh đủ lâu để những người con của vùng đất này hiểu mình cần phải làm gì để giúp đỡ cộng đồng.

Liên tiếp trong nhiều năm, mảnh đất này đã làm chấn động những nhà giáo dục, nhà bảo vệ môi trường hay nhà sáng chế bởi nhiều công trình ưu tú. Ưu tú là vì nó đáp lại những thách thức của biến đổi khí hậu một cách thông minh và linh hoạt khi ứng dụng những hiểu biết về môi trường cùng nguồn nguyên vật liệu sạch và đơn giản. Nổi bật trong đó chính là bảo tháp băng giữ nước và lều sưởi năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới. Hai sáng kiến này chính là đứa con của Sonam Wangchuk, người kỹ sư được biết đến với việc truyền cảm hứng để xây dựng nhân vật chính Rancho của bộ phim lừng danh Ba chàng ngốc.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 5

Sinh ra và lớn lên ở Ladakh, Sonam Wangchuk đã chứng kiến quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa của quê hương mình. Từ một nơi giàu có về nguồn tài nguyên đến cảnh sắc thiên nhiên, Ladakh đang đối diện với những câu chuyện không còn xa lạ trong quá trình toàn cầu hóa. Đó là câu chuyện bản sắc dân tộc, là câu chuyện của du lịch thương mại và xây dựng đô thị, đặc biệt nguy cấp hàng đầu chính là biến đổi khí hậu.

Ông là một trong những thanh niên hiếm hoi chọn trở về quê hương. Sonam luôn mang trong mình niềm hy vọng về nỗ lực cải cách giáo dục, điều ông cho là căn bản nhất để có thể giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đứng trước những thách thức khi thế giới đang đổi thay mỗi ngày. Ông cùng đồng sự khác lập nên một ngôi trường bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển bền vững tên SECMOL. Đây còn được biết đến là đứa con tinh thần của những người yêu sáng chế và tái tạo năng lượng trên toàn thế giới.

Nhưng nói về con người chỉ là một phần của câu chuyện. Sonam Wangchuk được yêu mến bởi những nỗ lực và kiến tạo không ngừng. Sự thay đổi khôn lường của thời tiết đã đặt ra thử thách cho ông, các cộng sự cùng học trò của mình để đưa ra được những sáng kiến mới, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, kinh phí hợp lý và vừa giải quyết được những câu hỏi nhức nhối của biến đổi khí hậu. Sau nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng, với tinh thần thử nghiệm và không ngừng thử nghiệm như chính nhân vật Rancho trong Ba chàng ngốc, ông đã cho ra đời những sáng kiến khiến thế giới phải kinh ngạc.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 6

Năm 2014, cách đây 7 năm, ông đã tạo ra ngọn tháp băng giữa sa mạc cao nhất thế giới ở Ấn Độ nhằm giải quyết nhu cầu về nước cho hoạt động sản xuất của người dân. Số lượng sông băng ít và có nguy cơ tan chảy sớm, dẫn đến việc thiếu nước cho nhiều mùa vụ của người Ladakh. Hậu quả dài hơi cho cộng đồng là việc thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu. Sonam bắt đầu đặt câu hỏi về việc làm sao để giữ nước từ tuyết tan trong mùa đông, và sau đó đến mùa xuân thì nước tích trữ sẽ có đủ để phục vụ mùa màng, không để tình trạng thiếu hụt nước xảy ra.

Và ý tưởng về tháp băng bắt nguồn từ đây. Để xây dựng lên tháp băng, ông nghiên cứu sâu về áp suất của nước từ phía thượng nguồn đổ về hạ lưu để thiết kế đường ống dẫn nước. Nước sẽ chảy về từ những nơi có độ cao khoảng hơn 60m trở lên, sau đó áp suất sẽ hỗ trợ để hình thành một đài phun nước, và từ đó nhiệt độ không khí lạnh xung quanh sẽ hỗ trợ để kết tinh các giọt nước thành băng, chuyển động tạo thành một dạng tháp băng hình nón có diện tích nhỏ khi tiếp xúc với ánh mặt trời để hạn chế quá trình tan chảy. Các tháp băng có thể có những kích thước đa dạng khác nhau.

Công trình thử nghiệm đầu tiên cao hơn 6m và chứa được 150.000 lít nước. Điểm khác biệt của những tháp băng này là nó có thể được tạo nên ở gần khu dân cư và đòi hỏi ít sức người hơn sông băng nhân tạo trước đó. Tháp băng tận dụng chính những gì thiên nhiên đem tới vùng đất này, đó chính là không khí lạnh xung quanh. Hơn thế, điểm mạnh của tháp băng là nó vẫn có thể thành hình ngay trong cả nhiệt độ thấp hoặc ấm. Ông cũng nhận được những giải thưởng danh giá cho dự án này, trong đó có giải thưởng Rolex Award từ doanh nghiệp năm 2016.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại với việc xây các tháp băng, nhưng những định hướng từ ban đầu trong việc phục hồi sinh kế của cộng đồng, ông cũng đang tham khảo thêm việc xây những tháp băng như những mô hình du lịch cộng đồng hay điểm đến học tập cho nhiều đối tượng khác.

Ý tưởng này sẽ được triển khai ở những nơi có dạng khí hậu tương tự như Peru để thử nghiệm về độ ứng dụng. Những “bảo tháp băng” nguyên mẫu với câu trúc hai tầng hình nói còn được đặt tên theo các di tích truyền thống thiêng liêng như các dãy núi được tìm thấy dọc khắp Châu Á.

Hình dạng bảo tháp cũng gợi nhắc đến một biểu tượng quen thuộc của vùng đất tâm linh là Stupa, được coi là tháp chôn cất tro cốt của những vị thiền sư dọc khắp chân núi Himalaya. Đây là một công trình được coi là lời chào ra mắt ấn tượng của Sonam Wangchuk đến những cộng đồng lớn hơn mặc dù trước đây ông đã nổi tiếng với những dự án giáo dục của mình.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 7

Xuất thân là dân kỹ sư, ông hiểu hơn bao giờ hết những hiểu biết của mình sẽ vô nghĩa nếu không thể ứng dụng vào cuộc sống và giải quyết những vấn đề về môi trường, xã hội. Ông giới thiệu với cộng đồng hệ thống lều sưởi từ năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới, được hoàn thiện từ nhiều thử nghiệm trước đó. Khác biệt rõ ràng hơn là lần này ông cho phép bản thân ông và công trình được đặt trong một bối cảnh khó khăn hơn.

Ông bố trí những cái lều nằm trên vùng cao hơn của thung lũng Galwan, nơi chịu tác động của cái lạnh kinh khủng hơn nhiều vùng khác ở sa mạc. Lều này có khả năng cách nhiệt, duy trì ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới âm 14 độ C nhưng vẫn duy trì được nhiệt độ bên trong vừa phải. Thiết kế bề mặt dựa vào sức nóng của mặt trời để làm ấm và duy trì nhiệt độ trung bình dao động khoảng 12 đến 14 giờ. Nếu như cách đây nhiều năm, ông đã tận dụng không khí lạnh của vùng đất này như một món quà vô giá từ thiên nhiên thì giờ đây, công trình này một lần nữa nhận được sự nâng đỡ của sức mạnh tự nhiên từ năng lượng mặt trời.

Ông chia sẻ về lý do thiết kế lều năng lượng mặt trời: ”Quân đội phải đóng quân với một số lượng lớn các binh sĩ một cách đột ngột ở những nơi không có chỗ ở phù hợp trong mùa đông, đồng nghĩa là họ mang theo những vật dụng không phù hợp với môi trường địa phương. Ví dụ như các binh sĩ đã mang theo một lượng lớn dầu hỏa để đốt giữ ấm cho bản thân. Điều này vừa gây tốn kém nhiên liệu cho nhà nước, vừa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường địa phương, mặt khác còn tạo ra sự không thoải mái cho binh lính vì sưởi bằng dầu hỏa rất dễ gây hỏa hoạn. Chính điều này đã khiến tôi nghĩ về việc điều chỉnh bản thử trước đó phù hợp hơn để sử dụng trong quân đội.”

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 8

Để phù hợp với tính chất di chuyển nhiều của các binh sĩ, lều cũng có khả năng lắp ráp và mang đi lại nhiều nơi. Về mặt kích cỡ, những chiếc lều này có thể lắp ráp tùy theo nhu cầu cần thiết của quân đội, nhưng một mẫu lều thông thường được phục vụ cho khoảng 10 sĩ quan.

Câu chuyện về sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo được những bài học truyền thống mà địa phương thấm nhuần bao nhiêu năm qua cũng được áp dụng khi mà ông cùng các cộng sự chỉ tận dụng các vật liệu sạch và thân thiện với môi trường ngay tại địa phương. Trên phương diện toàn cầu, những căn lều này có thể là một sáng kiến dành cho nhiều cộng đồng khác trên thế giới, những nơi đang cùng chia sẻ câu chuyện chung về biến đổi khí hậu và chịu đựng những cái lạnh khắc nghiệt. Ngoài ra, nó hoàn toàn có thể là những sản phẩm du lịch thú vị mà mỗi du khách đến với Ladakh đều có thể trải nghiệm khi họ có thể giăng lều cắm trại.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 9

Giờ đây, Ladakh không còn chỉ được mệnh danh là thiên đường trần thế bởi cảnh quan của nó, mà còn được coi là nơi mà mỗi người có thể học hỏi về những sáng kiến mang tính toàn cầu, thích hợp ứng dụng cho nhiều vùng đất cùng bối cảnh trên thế giới.

Trước khi đại dịch Covid 19 hoành hành, ngôi trường của Sonam Wangchuk cũng là nơi mà nhiều người tìm đến để học hỏi những sáng kiến của ông. Sau này, ông còn mở rộng hơn môi trường học tập và sáng tạo cho những sinh viên Ấn Độ bằng cách thành lập một ngôi trường đại học thay thế. Các dự án từ sinh viên sẽ được ứng dụng trực tiếp vào phục vụ cộng đồng.

Với Sonam Wangchuk, những sáng kiến của ông đều là thành quả của cả cộng đồng, và làm cho cộng đồng. Ông nhận được sự ủng hộ lớn từ chính quyền, từ những nhà tài trợ và đặc biệt là những người dân Ladakh, họ tin vào nỗ lực của người đàn ông này trong việc thay đổi giáo dục và giúp đỡ cộng đồng. Hầu hết những đứa trẻ học tại trường cũng là những người con từ những gia đình nghèo khó ở Ladakh, nhận được hỗ trợ từ các quỹ để theo đuổi việc tạo ra những công trình, dự án về biến đổi khí hậu tại trường.

Bảo tháp băng cũng như lều sưởi năng lượng mặt trời là hai trong rất nhiều công trình nổi bật mà Sonam Wangchuk đã xây dựng ở Ladakh. Trước đó, ông cũng từng khiến thế giới nể phục khi cho xây dựng một hội trường lớn ngay tại ngôi trường của mình, hội trường này đã dành được giải thưởng Terra quốc tế cho tòa nhà tốt nhất vào năm 2016 tại đại hội về kiến trúc đất ở Lyon, Pháp. Đây là công trình được xây dựng bằng những kỹ thuật truyền thống đơn giản, nguyên liệu thân thiện với môi trường, chi phí tiếp cận thấp nhưng tận dụng được lợi thế của đất, năng lượng mặt trời cũng như những nguyên liệu khác.

Với tất cả công trình của mình, ông đều giữ một tiêu chí đơn giản: hãy giữ mọi thứ đơn giản nhất có thể. Ông đã góp phần đưa Ladakh, giờ đây không chỉ là thiên đường của cảnh sắc thiên nhiên mà còn là mẫu hình ưu tú để học hỏi về việc tận dụng thiên nhiên, con người, tận dụng tất cả những gì mình có trong tay để đối mặt với những thách thức của cuộc sống.

Thiên đường của những sáng kiến chống biến đổi khí hậu ảnh 10

Bài: Alex Nguyễn

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?