Cứu được rau không?

Cứu được rau không?

“Thấy bảo trên phố người ta kêu gọi đi cứu rau từ Hải Dương chuyển lên. Thế sao chúng tôi không được cứu?” – một nông dân cầm túm su hào hỏi ngược lại chúng tôi. Trên khắp các cánh đồng ở huyện Mê Linh, nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội 15km, nông sản đang rẻ đến mức người ta không buồn thu hoạch.

____________

Một nghìn một cân rau

Người phụ nữ trong chiếc áo xanh bộ đội bạc màu, dáng khắc khổ đứng cạnh xe rau mời khách. Chẳng ai ghé. Đã xế trưa, chợ ngã ba Cổ Ngựa (huyện Mê Linh – Hà Nội) thưa thớt người mua. Su hào, cà chua, dưa cải, súp lơ, cần tây, hành tây, hành lá… đã được bọc sẵn vào những túi nylon 10kg, bày tràn ra lòng đường, vêu vao.

- Tôi cũng là nông dân thôi, đi thu hoạch thuê cho nhà hàng xóm, người ta trả công luôn bằng rau củ - người phụ nữ chia sẻ khi biết chúng tôi là nhà báo – Chủ ruộng cũng làm gì có tiền đâu. Tôi mời mua 7 túi su hào này năm chục nghìn, mà người ta chỉ trả có bốn chục. Bốn chục nghìn bảy yến su hào thì làm sao màn bán được?

- Thế rau cần tây thì bao nhiêu một cân ạ?

- Biết bán bao nhiêu bây giờ? Chả có ai mua cả. Tôi bán một nghìn một cân cũng không được ấy.

Cứu được rau không? ảnh 1
Một nghìn đồng/ cân cần tây, nhưng vẫn không ai mua

Rồi như để chứng minh, bà gọi với sang một người đàn ông đang lựa rau củ cạnh đó: “Này anh mua cần tây không? Mua hết chỗ này đi, tôi bán một nghìn một cân thôi”. Người đàn ông liếc sang, rồi lắc đầu. Người phụ nữ bán rau nhìn tôi cười méo mó, bà đã đúng, rẻ như cho cũng không bán được.

Hai vợ chồng anh Ngô Hào (thôn Đìa, xã Nam Hồng, Mê Linh, Hà Nội) uể oải chỉ xe bắp cải còn đầy tận ngọn:

- Chúng tôi trước có phải đi bán đâu, các bếp ăn trường học họ bao tiêu tận nơi. Bây giờ trường học nghỉ, phải tự tay đi bán. Mà được bao nhiêu tiền? Cả một xe rau chưa nổi trăm nghìn bạc.

Cứu được rau không? ảnh 2
Cả một xe rau bắp cải chưa bán nổi 100 nghìn đồng

Nhà anh chị Hào có 2 mẫu ruộng chuyên trồng rau. Mới mùa này năm ngoái, du khách nước ngoài đến thăm quan địa đạo Nam Hồng, thấy vườn cà chua của anh chị chín đỏ thích mắt quá xin vào hái giúp. Năm nay thì cà chua chín để rụng ra đấy chứ thu hoạch bán nghìn rưởi một cân thì lỗ công.

Chỉ tay sang một người phụ nữ vừa chán nản dắt cả một xe đầy hành lá ra khỏi chợ, chị Hào chép miệng: “Đấy chị kia bán hành bên thôn Bạch Trữ, là ổ dịch Covid. Cho nên hành Bạch Trữ để thối ra có ai mua đâu”.

Giá rau củ ở chợ ngã ba Cổ Ngựa – cách trung tâm Hà Nội 15km – sáng nay thế này:

- Su hào 7 nghìn đồng/ 10kg

- Cà chua 15 nghìn/ 10kg

- Hành tây 35 nghìn/ 10kg

- Bắp cải 15 nghìn/ 10kg

- Rau ăn lá (cải, cần tây) 1 nghìn/ kg

- Súp lơ 40 nghìn/ 10 cây

Cứu được rau không? ảnh 3
Chợ rau ê hề, giá cực rẻ, nhưng người mua thưa thớt

Cuối cùng thì thứ đắt nhất ở chợ rau là mía. Chúng tôi mua 1 túi mía nhỏ, khoảng 1 cây mía róc ra cắt khúc, giá 10 nghìn đồng, đắt hơn 10 cân su hào.

Cay đắng hơn mất mùa

Trên các cánh đồng của thôn Yên Nhân (Mê Linh, Hà Nội), người nông dân đang hối hả thu hoạch rau củ. Dù giá bán không bù nổi cho công thu hoạch, thì cũng phải dẹp đi lấy chỗ cho vụ mới. Su hào để trên ruộng lâu đã to quá, bị già và xơ. Cà chua thì chín rụng đầy gốc. Súp lơ nở bung những hoa là hoa. Nghề nông là như vậy, không phải cứ những hình ảnh đồng ruộng xác xơ khô cằn hoặc lũ lụt mênh mang mới là thất bát. Rau củ đầy đồng, chín nẫu mà không bán nổi, sự thất bát ấy có khi còn cay đắng hơn mất mùa.

Cứu được rau không? ảnh 4
Cứu được rau không? ảnh 5
Nông dân Mê Linh bỏ mặc cà chua chín rụng trên ruộng vì giá bán không đủ bù công thu hoạch.

Anh Cảnh Trí Thi, 43 tuổi, có vợ và 2 con đang đi học. Vợ chồng anh Thi có 10 sào rau. Với giá rau củ hiện nay, thì cứ mỗi sao thu lại được 1 triệu, lỗ 2 triệu tiền vật tư nông nghiệp, chưa tính công. Mới tháng 9 tháng 10 âm lịch năm ngoái, giá su hào lên tới 120 nghìn/ túi/ 10 củ. Bây giờ cũng 1 túi 10 củ, giá chỉ 7 – 8 nghìn đồng. Chất lên xe rau cả tạ, mới có bảy chục nghìn. Anh Thi nghiến răng nhổ từng cu sủ hào, giũ sạch đất rồi cho vào túi. “Phải để cả lá cho củ nó tươi” – anh nói – người nông dân dù thế nào vẫn thiết tha với nông sản tay mình làm ra.

Cứu được rau không? ảnh 6
Xe su hào 1 tạ giá 70 nghìn đồng của anh Thi

“Giá cứ thấp thế này, người ta còn bỏ ruộng không làm ấy” – anh Trịnh Văn Hải thở dài. Nhà anh có 2 sào chuyên trồng cây giống. Mỗi lạng hạt giống giá 1 triệu đồng, gieo được 20 nghìn cây. Lúc được giá, bán 100 cây su hào giống được 15 nghìn đồng, còn bây giờ anh Hải chỉ bán được 5 nghìn đồng cho 100 cây giống. Giá ấy, tức là làm không công, may thì thu lại được tiền hạt giống.

Cứu được rau không? ảnh 7
100 cây su hào giống chỉ bán được giá 5 nghìn đồng

Nhưng thà hòa vốn lỗ công như anh Hải còn đỡ, chứ những hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, hạt giống phân bón thuốc trừ sâu… thì còn gánh nợ chồng nợ. Thôn Yên Nhân có khoảng 7 hộ buôn bán vật tư nông nghiệp. Theo truyền thống, những người nông dân sẽ mua nợ, sau thu hoạch bán được nông sản thì trả. Nhưng hộ kinh doanh thì không nợ tiền công ty được, mà phải ứng tiền của họ ra. Bởi thế những lúc giá nông sản thấp thê thảm như thế này, người nặng nợ nhất là các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp. Giá phân bón không ngừng tăng, sâu bọ ngày càng nhờn thuốc, còn giá nông sản thì trồi sụt thất thường, việc đầu tư vào canh nông là một canh bạc bấp bênh ngay cả với những người không trực tiếp sản xuất.

Cứu được rau không? ảnh 8
Không bán được, nông dân mang nông sản biếu… chủ nợ

Bà Ngân – chủ DN Hải Ngân nằm ngay đầu thôn Yên Nhân cho biết, hiện chẳng có hộ nông dân nào trả được tiền vật tư cho bà, tổng số nợ lên tới hơn 500 triệu. Mà khoản ấy thì bà đã phải trả cho các công ty từ lâu. Chỉ vào 2 túi su hào to tướng nằm cạnh những bao phân bón ở cửa, bà Ngân thở dài: “Đấy, nông dân họ trả bằng nông sản đấy”.

Lời giải ở phía người nông dân?

Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) được huyện Mê Linh giao trọng trách tìm đầu ra cho nông sản trên toàn địa bàn huyện. Thực tế, hiện xã Tráng Việt được xem là một trong những vựa nông sản lớn nhất ở Hà Nội. Trung bình mỗi ngày bà con nông dân ở đây cung ứng cho thị trường khoảng 200 - 300 tấn rau củ quả các loại.

Cứu được rau không? ảnh 9
Những cánh đồng rau màu ở Mê Linh hồi hộp bước vào vụ mới

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc HTX Đông Cao cho biết tính riêng trong ngày 24/2, hơn 4 tấn nông sản gồm cà chua, củ cải, su hào, hành lá... đã được mang đến điểm tập kết tại quận Đống Đa để tiêu thụ. Hiện tại, trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn khoảng 300 tấn rau củ quả đang cần được hỗ trợ tiêu thụ gấp. Sản phẩm chủ yếu là củ cải, cà chua, su hào, cải bẹ Đông Dư, hành lá…

"Hiện nay đang có khoảng 200-300 tấn củ cải đang bị tồn đọng không thể tiêu thụ, khoảng 50 tấn cà chua đang cần tiêu thụ gấp và một số ít các rau màu khác", ông Đua cho biết.

Cũng theo ông Đàm Văn Đua, việc nông sản ế thời gian gần đây tại địa phương chỉ là hiện tượng. Thực tế, cả năm qua bà con Đông Cao đã canh tác 5-6 vụ rau và hầu hết các vụ đều cho thu hoạch tốt, tiêu thụ khá dễ dàng. Dịch Covid ảnh hưởng mạnh đến đầu ra, từ các trường có bếp ăn bán trú ngừng hoạt động, cho đến việc vận chuyển rau củ vào tiêu thụ ở các tỉnh Trung và Nam bộ khó khăn.

Hiện tại, củ cải của Mê Linh đang được nhiều cơ quan đơn vị hỗ trợ thu mua theo hình thức “giải cứu”, nhưng thực tế giá bán vẫn không đủ bù công.

Theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh cho 13 xã, định hướng đến năm 2030, bao gồm các xã: Vạn Yên, Tiến Thịnh, Chu Phan, Thạch Đà, Hoàng Kim, Văn Khê, Tráng Việt, Tam Đồng, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Thanh Lâm và Kim Hoa. Theo đó, trên địa bàn huyện sẽ xây dựng tổng số 135 vùng, trong đó có 43 vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao với diện tích hơn 2.0586ha; 92 vùng sản xuất tập trung với diện tích hơn 3.222ha.

Có một thực tế khác, đó là để nông sản vào được các siêu thị, thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn rau an toàn. Điều này là điểm yếu của nhiều địa phương, mà Mê Linh là một ví dụ. Cụ thể, với diện tích gần 200ha chuyên canh trồng rau của huyện Tráng Việt, mới chỉ có 10ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vậy khi gặp cảnh được mùa rớt giá, hoặc sự e ngại về vệ sinh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các kênh tiêu thụ truyền thống như chợ đầu mối, chợ cóc… sụt giảm nguồn cung mạnh, thì nông sản cũng rất khó vào được phân khúc cao cấp hơn như siêu thị, chuỗi cửa hàng chuyên doanh nông sản sạch.

Cứu được rau không? ảnh 10
Vùng nông sản chuyên canh chất lượng cao vẫn là định hướng của huyện Mê Linh

Hàng trăm tấn nông sản đột nhiên sụt giảm nguồn tiêu thụ, không thể lưu kho quá lâu, tất yếu dẫn đến mất giá cực mạnh. Và câu chuyện “giải cứu nông sản” chỉ mang đến một sự an ủi về tinh thần tương thân tương ái, chứ không thể là một giải pháp mang tính căn cơ.

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.