Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng thành tựu kinh tế năm 2018 rất ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua, và xu thế này được giữ qua quý I-2019 khi đạt con số 6,79%.
Tuy nhiên theo ông Cường, phần tăng thu ngân sách lại nhờ vào tiền thu vào sử dụng đất và đây không phải kết quả của thu bền vững. Trong khi thu từ khu vực sản xuất của các doanh nghiệp, kể cả ba khối doanh nghiệp đều không đạt, thấp nhất là khối doanh nghiệp FDI. Lĩnh vực FDI tăng trưởng rất mạnh nhưng phần đóng góp cho ngân sách chỉ đạt 83,6%.
“Nếu nhìn tổng thể con số thu ngân sách có thể là kết quả tốt nhưng về bản chất của việc thu thì quả thất chưa tốt. Điều đó phản ánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao và việc quản lý thu cần phải xem xét”, ông Cường nói.
Bày tỏ tâm đắc với định hướng của Chính phủ khi đặt ra vấn đề phải thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, bởi trước nay chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là trụ cột của tăng trưởng nhưng kinh tế tư nhân chung chung là chưa đủ, mà phải dựa vào các tập đoàn lớn, khi đấy mới tạo ra được các chuỗi giá trị và thực sự mang lại đóng góp cho tăng trưởng. Còn nếu chỉ phát triển kinh tế tư nhân thông thường, gia công cho các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài thì phần “giá trị mới” rất thấp, không tạo ra được tăng trưởng.
Để thực hiện định hướng này, đại biểu Cường lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, cần xem lại việc hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân xuất phát từ đâu, dựa vào cái gì. Thực tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước hiện nay phần lớn dựa vào khai thác các yếu tố lợi thế như tài nguyên, bất động sản, thương mại… mà đây là con đường các nước phát triển đã thực hiện từ thế kỷ 15, 16.
Điều quan trọng là các tập đoàn kinh tế tư nhân phải dựa vào khu vực sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị trong quá trình sản phẩm toàn cầu. Ví dụ, chúng ta có lĩnh vực rất lợi thế như dệt may, nhưng hiện ngành dệt may chủ yếu rơi vào tay các nhà kinh tế nước ngoài mà chúng ta chỉ là người gia công. Đây là điều cần xem lại.
Thứ hai, cần quan tâm đến việc chọn lục trong việc thu hút đầu tư nước ngoài để tránh cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp trong nước ra đời nhiều nhưng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn dừng hoạt động cũng rất cao. 16.000 doanh nghiệp FDI có báo cáo, thì có 52% doanh nghiệp báo cáo lỗ, mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, cho thấy có “lỗ hổng” trong quản lý, thu hút FDI.
Thống kê cũng chỉ ra, hiệu quả đầu tư của nhóm doanh nghiệp FDI một số nước thấp hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp trong nước.
Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần có định hướng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phải dựa vào ưu tiên các lĩnh vực doanh nghiệp trong nước chưa thể hình thành, phát triển được chứ không nên thu hút tràn lan, tạo nên sự cạnh tranh không có lợi giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.