Những người biểu tình tiếp tục kêu gọi các cải cách sâu rộng nhằm sang trang đất nước sau gần 2 thập kỷ chờ đợi. Là một trong những quốc gia giàu dầu mỏ nhất thế giới, song Iraq cũng lại là một trong những nước tham nhũng nhất, trong khi tình hình kinh tế, xã hội thường xuyên bất ổn.
Nội các Iraq đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Abdul Mahdi,tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa thông qua đơn từ chức này tại phiên họp diễn ra hôm qua (30/11). Phát biểu sau cuộc họp Nội các, Thủ tướng Mahdi cho biết, chính phủ hiện nay, bao gồm cả ông, sẽ tiếp tục tạm quyền sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội cho đến khi một chính phủ mới có thể được lựa chọn. Chính phủ tạm thời sẽ không thể thông qua các luật mới hay đưa ra các quyết định quan trọng. Tổng thống Barham Salih sau đó sẽ cần chỉ định một Thủ tướng mới để Quốc hội thông qua.
Trong một thông cáo cùng ngày, Thủ tướng Mahdi nhấn mạnh nguyên tắc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong cơ chế dân chủ, lưu ý rằng chính phủ đã rất nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của người biểu tình bằng cách đưa ra các gói cải cách:
"Chúng tôi đã đưa ra những quyết định dũng cảm và táo bạo vào thời điểm đó để ngăn chặn việc sử dụng đạn thật, nhưng đáng tiếc, khi đụng độ xảy ra, nhiều biến cố đã xảy ra. Chính phủ sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình và sẵn sàng từ chức nhằm giải quyết vấn đề”, ông Mahdi nói.
Kể từ ngày 1/10 vừa qua, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cách đây gần hai năm. Các cuộc biểu tình đã làm ngưng trệ nhiều dịch vụ công. Cảng Basrah phải đóng cửa, ngừng tiếp nhận các tàu nước ngoài.
Tuy nhiên, theo những người biểu tình, việc từ chức của ông Mahdi chỉ là bước đi đầu tiên và họ sẽ tiếp tục chiến dịch của mình cho đến khi có việc làm, nước sạch và điện lưới. Đối với người dân Iraq, vấn đề không chỉ nằm ở Thủ tướng Mahdi, mà là toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Họ muốn một chính quyền không bè cánh giáo phái và sắc tộc. Và hơn hết, là một sự thay đổi thực sự sau gần 2 thập kỷ chờ đợi
Sau khi Mỹ và phương Tây can thiệp lật đổ chế độ cũ, những nước này đã hứa sẽ đem lại cho người dân Iraq một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đến nay đã gần 17 năm trôi qua, tình hình Iraq không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ năm thế giới và ngoài dầu mỏ còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như khí đốt, phốt phát, lưu huỳnh, song Iraq lại thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội. Cuộc sống của người dân thì hết sức khó khăn. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên lên tới hơn 40% và hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Trong khi đó, nạn tham nhũng lại tràn lan, cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội như vậy, có lẽ sự ra đi của Thủ tướng Mahdi là điều cần thiết, song điều quan trọng hơn cả mà người dân Iraq chờ đợi là sự chuyển gia hòa bình và hiệu quả.