Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa

Với tư cách là người góp phần tham gia xây dựng “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, tôi (cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ngày Nay ) có nhiều dịp được trực tiếp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời được tham dự nhiều cuộc họp do ông chủ trì về nội dung liên quan.

Điều khiến tôi ngạc nhiên và kính phục, là tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học vượt trội của Tổng Bí thư được thể hiện trong quá trình chỉ đạo xây dựng một văn kiện chuyên đề của Đảng về vấn đề Quốc phòng, Quân sự – một lĩnh vực mà bấy lâu nay nhiều người vẫn nghĩ Ông là người “ngoại đạo”.

Với Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/04/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam (có thể ví như “Nghị quyết 15 của thời kỳ xây dựng đất nước”), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đóng vai trò của người đứng đầu mà còn là một nhà chiến lược, kiến tạo nên những phương châm cơ bản và then chốt trong đường lối bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thời đại mới.

________________________

BÀI 1:

CUỘC GẶP ĐẦU TIÊN VỚI BÍ THƯ QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG

Tôi đã từng được phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt 10 năm trước đó, từ khi còn là Tổng cục trưởng Tổng cục II và Ông giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội. Hồi đó, theo quy chế, hằng tuần tôi đến báo cáo công việc với Ông. Suốt 10 năm, tôi chỉ báo cáo Ông ở công sở, chưa một lần đến nhà, mỗi lần gặp không nói chuyện gì khác ngoài công việc. Sau đó, tôi biết không chỉ với tôi, mà với mọi người cũng đều như thế. Khi Ông sắp hết nhiệm kỳ Quốc hội, tôi có đến chào Ông, nói với anh Đông – trợ lý của Ông, về ý định “tặng Cụ một món quà làm kỷ niệm”. Lập tức anh Đông xua tay: “Ai chứ Cụ này mà anh tặng quà thì Cụ sẽ không nhận đâu. Mà Cụ sẽ khó chịu lắm đấy!”. Từ đó, tôi biết Ông không nhận quà tặng của ai và cũng không “quà cáp” ai bao giờ.

Từ khi tôi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho tới khi nghỉ hưu, mỗi lần có việc và xin gặp, Ông đều tiếp tôi. Tôi nghĩ chắc cũng vì lý do là tôi chưa bao giờ xin Ông cái gì, cũng không nhờ vả gì, thứ nữa, tôi gặp không chỉ để gặp, mà gặp là phải có việc. Lần này, sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tôi đăng ký xin được gặp với Tổng Bí thư. Ông đồng ý ngay. Đó là cuộc gặp riêng đầu tiên với tôi khi Ông đảm nhiệm chức Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân ủy. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 22 tháng Mười một năm 2012.

Trong buổi hôm đó, tôi báo cáo với Tổng Bí thư về một số vấn đề về việc ý định xây dựng chiến lược và đối ngoại của Quân đội, trong đó những vướng mắc mà mình gặp phải trong quá trình công tác và nhu cầu cấp thiết của việc cần phải có một văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược Quốc phòng, Quân sự. Tôi trình bày với Tổng Bí thư:

“Theo suy nghĩ của em, chiến lược này chỉ là một văn kiện thôi. Nhưng nếu chúng ta xây dựng đúng và trúng thì nó sẽ là một thành tựu ‘phi vật thể’ vô cùng quan trọng để hiện thực hóa và tăng cường sức mạnh thực chất cho Quân đội”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ảnh 1

Tôi xin phép đặt một câu hỏi và được Ông đồng ý. Tôi nói:

“Thưa Thủ trưởng, nếu mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc đồng thời với bảo vệ hòa bình thì việc ra một Chiến lược Quốc phòng, Quân sự Việt Nam để định hướng hoạt động cho toàn bộ hệ thống chính trị, cho toàn dân và đồng thời chỉ đạo, chỉ huy mọi mặt công tác Quân đội, so với việc mua hàng tỷ đô la vũ khí thì việc nào cấp bách hơn?”. Rồi tôi đưa tài liệu để Ông tham khảo.

Lúc bấy giờ, dư luận Việt Nam đang nô nức sau sự kiện chúng ta trang bị khí tài hiện đại cho Không quân, Hải quân có nhiệm vụ tác chiến bảo vệ biển đảo và vùng trời. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hoá vũ khí, khí tài quân sự, nâng cao sức chiến đấu cho Quân đội ta. Nhưng đối với người nghiên cứu chiến lược thì bên cạnh cảm xúc vui mừng và tự hào, cũng chưa hết những băn khoăn, trăn trở sâu xa hơn về rất nhiều việc cần phải làm để sức mạnh tổng hợp Quốc phòng, Quân sự của đất nước được củng cố vững chắc trong dài hạn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ảnh 2

Cũng một dịp khác, tôi trình bày băn khoăn với Tổng Bí thư về mâu thuẫn giữa bảo mật quân sự với yêu cầu phải minh bạch, công khai trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như, nghiên cứu phát triển vũ khí mới thì phải bảo mật, nhưng anh em làm vũ khí luôn cháy bỏng ước mơ được lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho phép trình diễn những vũ khí mới nhất của Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư ngay lúc đó và sau này cũng nhắc lại trong một số cuộc họp của Quân ủy rằng chúng ta nên chủ động từng bước công khai một số thành tựu Quốc phòng, Quân sự để củng cố niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế, đồng thời tạo sức mạnh răn đe đối với những thế lực xấu, thù địch. Quan điểm chỉ đạo như vậy đã thực sự “cởi trói” cho rất nhiều hoạt động thực tiễn, trong đó có việc cho phép lần đầu tiên mang sản phẩm vũ khí Việt Nam đi trưng bày tại nước ngoài vào năm 2018 (Triển lãm IndoDefense tại Indonesia) và tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tại Hà Nội vào năm 2022 vừa qua.

Nhưng cũng có nhiều lúc, khi tôi đặt câu hỏi thì Ông không trả lời ngay mà chỉ tủm tỉm cười: “Tôi là người ngoại đạo, phải xem cái đã. Sau đó mới trả lời được. Nhưng nghe chú nói thì tôi thấy có một số vấn đề như thế này…”.

Câu hỏi đầu tiên mà đồng chí Tổng Bí thư nêu ra lại chính là vấn đề mà chúng tôi luôn đau đáu trong quá trình nghiên cứu: “Hiện nay ta đã có đường lối Quân sự, chiến lược Quốc phòng, Quân sự chưa? Có cần thiết xây dựng hai văn kiện đó không? Nó có vai trò như thế nào trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc?”.

Và suốt buổi hôm đó, ông không bàn về Chiến lược Quốc phòng mà lấy tư cách của một nhà triết học, một nhà lý luận để giảng cho tôi những điều cốt yếu về thế nào là việc đúc rút những bài học thực tiễn thành lý luận trong Quốc phòng, Quân sự. Từ lĩnh vực Quốc phòng, Quân sự thuần túy chuyển sang lĩnh vực chính trị như thế nào…

Hết buổi làm việc, tôi để lại tài liệu và xin gặp lại Ông sau vài tuần.

(Còn nữa)

Trích bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã mất ngày 14/9/2023.

Bài đã đăng trong sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – NXB Chính trị quốc gia Sự thật - Xuất bản tháng 6/2023.

TIN LIÊN QUAN
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.