Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường

“Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hằng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui”, ông Nguyễn Ngọc Thiện kể lại.

_______________________

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học khóa 8 (1963-1967), Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước và nay là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng qua lời bạn cùng học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nếp sinh hoạt rất bình dị, gần gũi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 1

Nhớ về những năm tháng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn văn nghệ, từng là bạn đồng môn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tưởng: “Không chỉ các bạn trong lớp yêu quý mà đi đến đâu anh Trọng cũng chiếm được cảm tình của mọi người vì anh ấy hiền lành, thân thiện, hòa đồng. Tôi còn nhớ rõ, năm thứ tư đại học, chúng tôi có đợt đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, tôi và anh Trọng cùng một số người được phân về Đội Thanh niên xung phong N57 ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hằng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui nên các anh chị em thanh niên xung phong, ai cũng mến”.

Sau một thời gian ra trường, các thành viên trong lớp đã lập gia đình rồi lên chức ông, chức bà, kẻ mất, người còn, mỗi người một hoàn cảnh, số phận nhưng lớp Văn khóa 8 vẫn thường tổ chức họp lớp đầu Xuân. Ông Thiện cho biết, nếu không bận bịu công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều tham dự, lần nào bận họp, đến muộn, ông cũng gọi điện báo trước để mọi người không phải chờ đợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 2

Lần giở những tư liệu lưu giữ kỷ niệm của lớp Văn khóa 8, ông Thiện cho chúng tôi xem một bức ảnh được ông bọc cẩn thận trong một chiếc phong bì. Ông cho biết, bức ảnh chụp vào dịp cả lớp họp mặt đầu Xuân Canh Dần 2010.

Trong bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị với chiếc áo sơ mi xanh, áo khoác màu xám nhạt. “Lúc chụp ảnh, chúng tôi tha thiết mời anh Trọng lên ngồi ở hàng ghế trên vì khi đó anh ấy đã là người đứng đầu của cơ quan có tiếng nói cao nhất nước, nhưng anh Trọng nhất quyết phải đứng ở hàng sau cùng bạn bè và nói để hàng ghế đó cho những người cao tuổi hơn, là cán sự của lớp ngồi”, ông Thiện nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 3

Không chỉ được quý mến tính tình, đức độ mà bạn bè còn rất nể phục cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng ở tài học tập.

Khoa Ngữ văn khóa 8 rất đông, gần 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau: người là học sinh trung học phổ thông qua kỳ thi tuyển vào trường, người đỗ vào ngành Cao đẳng Thư viện rồi được gửi vào lớp học chương trình văn học và cả lưu học sinh Ngữ văn, Nghệ thuật ở Đông Âu về nước, vì thế tuy cùng một lớp nhưng tuổi chênh nhau cả con giáp. Ông Trọng khi đó thuộc thế hệ học sinh phổ thông nhưng được giữ trọng trách là Bí thư Chi đoàn lớp.

Lớp của ông rất “đặc biệt”, đặc biệt như chính những gì ông đã viết trong cuốn sách về lớp có tựa đề Từ mái trường này xuất bản năm 2003 do hai người bạn của ông là Nguyễn Ngọc Thiện và Vũ Duy Thông chủ biên. Mở đầu bài viết của mình Tổng Bí thư đã khẳng định: “Tôi có thể nói ngay rằng lớp tôi là một lớp đặc biệt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 4

Đặc biệt bởi lớp ông tập hợp rất nhiều nhân tài, ra trường, gần như ai cũng thành danh trong nhiều lĩnh vực. Và đặc biệt bởi trong một khóa học mà lớp ông đã thuyên chuyển chỗ ở, chỗ học đến vài lần. Trong đó, lần phải sơ tán lên Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên đầu hè 1965 là những ngày tháng đã lắng sâu thành kỷ niệm trong mỗi sinh viên Khoa Ngữ văn năm ấy.

Nếu như sinh viên bây giờ được học tập trong những mái trường kiên cố, thiết bị hiện đại thì các sinh viên khi đó phải leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán làm nơi học tập, đồ ăn chỉ có cơm độn ngô, khoai, sắn. Nhưng những năm tháng học tập đầy gian truân với muỗi, vắt, gai cào, vực thẳm ấy cũng không làm nản ý chí, nghị lực của chàng sinh viên Khoa Ngữ văn Nguyễn Phú Trọng: “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào”.

Nguyễn Phú Trọng đã làm như chính những gì ông đã nói. Cuối khóa học, ông là sinh viên duy nhất thuộc thế hệ học sinh phổ thông đạt tốt nghiệp thủ khoa, luận văn của ông khi đó được các thầy đánh giá loại xuất sắc. Hai người còn lại đạt thủ khoa cùng với ông là Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, nguyên giảng viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ông Nguyễn Thái Ninh, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đều là lưu học sinh từ Đông Âu trở về.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 5

Có nhiều thành tích trong học tập và công tác đoàn nên ngay từ khi còn học đại học, cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng sớm được đề nghị bồi dưỡng để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, bạn đồng môn, lớp trưởng của lớp Ngữ văn khóa 8 và cũng là người trực tiếp đi thẩm tra lý lịch để kết nạp ông Nguyễn Phú Trọng vào Đảng, cho biết: “Anh Trọng từ khi còn theo học đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi mà anh Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể. Bình thường, anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo”.

Ông Khoa cho biết, khi lớp đi sơ tán ở Thái Nguyên, Bí thư Chi đoàn Nguyễn Phú Trọng rất biết cách gắn kết các thành viên trong lớp, thương yêu, đoàn kết để cùng đương đầu với những khó khăn, vất vả. “Lớp tôi có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nên làm được điều này là rất khó. Vừa học, chúng tôi vừa giúp đỡ đồng bào công việc đồng áng. Cuối tháng, mỗi sinh viên đều phải đóng góp củi cho nhà bếp... mà nhiệm vụ nào anh Trọng cũng hoàn thành rất tốt”.

“Chi ủy khi đó đang có chủ trương phát triển đảng ở thế hệ trẻ, thấy những tính cách, tố chất ấy ở anh Trọng, chúng tôi mừng lắm nên đã quyết định sẽ theo dõi và bồi dưỡng đồng chí Trọng để đưa đồng chí đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng chính là Chi ủy viên được giao nhiệm vụ đi xác minh lý lịch để kết nạp sinh viên Nguyễn Phú Trọng vào Đảng. Ông Khoa nhớ lại: “Gia đình anh Trọng thuần nông và mến khách lắm. Cái đêm về thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi đi đò qua sông rồi đến nhà anh Trọng. Khi đó mới 4 giờ sáng mà ông Nguyễn Phú Nội, cụ thân sinh của anh Trọng, chưa rõ chúng tôi về làm gì, chỉ biết là bạn học của con, đã dậy tất bật lấy rơm nấu nước cho chúng tôi uống”.

Và cuối khóa học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã vinh dự là một trong hai đoàn viên của lớp chính thức được kết nạp Đảng khi tuổi mới đôi mươi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một con người bình dị, khiêm nhường ảnh 6

(Bài đăng trong sách "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế" - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - 2019)

Ảnh: Tư liệu theo sách

Ảnh minh họa: TTXVN
10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Sử dụng ứng dụng VssID cho khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Phụ huynh có thể tra cứu thời hạn thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký tài khoản VssID cho con
(Ngày Nay) - Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Trường hợp trẻ đủ 6 tuổi (72 tháng) mà chưa đến kỳ nhập học lớp 1 thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. Đối với học sinh lớp 12, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học.
Ảnh minh hoạ.
Sự bí ẩn của thứ gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Trung Quốc
(Ngày Nay) - Bột ngọt, hay còn gọi là mì chính, vốn là "món hàng ngoại” được nhập từ Nhật Bản, nhưng giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Trung Hoa, sánh ngang với món gà Kung Pao. Tuy nhiên, sự phổ biến của nó không phải là điều được định sẵn.