Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện

Việc ngày càng nhiều trường công lập chú trọng tới giáo dục toàn diện qua các hoạt động & CLB ngoại khoá là một tín hiệu tốt của nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, để chiếm được cảm tình của phụ huynh và học sinh, lãnh đạo nhà trường và các giáo viên còn rất nhiều việc phải làm, thay vì chỉ tổ chức theo thói quen để lấy thành tích.

* * * * *

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 1

“5 6 7 8, we go, Ams!

A to M to S, we go, Ams!

Cuz we’re Amsers, we’re winners, we take it to the top

A - M - S, go fire, we’re number one!”

Giai điệu ấy luôn ngân vang trong tâm trí Phạm Thu Trang (22 tuổi, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) mỗi khi nhớ về Cheer Ams - câu lạc bộ (CLB) cheerleading (thể dục cổ động) của trường, nơi em từng là chủ nhiệm. Trang cùng đồng đội thường hát vang bài cổ động truyền thống ấy trước khi biểu diễn, để “truyền lửa” cho khán giả và vận động viên.

Những show diễn và cuộc thi cả trong lẫn ngoài trường với Cheer Ams là một phần không thể thiếu trong những năm tháng cấp ba của Trang. Cheerleading là một bộ môn khó, đòi hỏi người tập phải thực hiện nhiều kỹ năng như nhảy, hô, nhào lộn, nâng tháp…, mà vẫn giữ được nhịp độ và sự đồng đều cho toàn đội. Không chỉ vậy, người tập cheer rất dễ bị chấn thương, đặc biệt là vị trí flyer (chuyên thực hiện những động tác bay nhảy, nhào lộn trên không trung) như Trang. Nhưng những vết bầm, vết xước, những cơn đau đến trào nước mắt đã giúp em trưởng thành, để rồi trở thành chủ nhiệm Cheer Ams khoá 2016-2017.

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 2

Phạm Thu Trang (ngoài cùng bên phải), chủ nhiệm CLB Cheer Ams khoá 2016-2017 cùng những thành viên khác của đội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Buổi diễn đáng nhớ nhất của em là tại chung kết giải Bóng rổ học sinh Hà Nội năm học 2016 - 2017. Lần đầu diễn trước nhiều người lạ, rất hồi hộp, nhưng cả đội vẫn hoàn thành xuất sắc. Sau đó là những tiếng hò reo và tràng pháo tay ‘nổ’ giòn giã như pháo hoa từ các khán đài. Không biết bao giờ, em mới được trải qua cảm giác đó một lần nữa…”

Trang nhớ cả lần đầu đội diễn show có “cát-xê”, em cùng các bạn đã mua một chiếc bánh kem ngoại cỡ để liên hoan. Nhưng bánh chỉ có một, mà người thì những ba chục. Thế là ngay lúc mở hộp, người cầm thìa, người cầm dĩa, người cầm muôi xới cơm, lao tới “xâu xé” chiếc bánh. 3 phút sau, chỉ còn lại chiếc hộp rỗng và những khuôn mặt dính đầy kem. Chưa kịp “xơi” miếng bánh nào, nhưng lòng cô chủ nhiệm nhí vẫn ngập tràn xúc động.

“Thứ quý giá nhất Cheer Ams mang lại cho em là những người ‘chiến hữu’ vô cùng thân thiết, luôn sát cánh cùng nhau đến tận bây giờ.”

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 3

CLB Cheer Ams khoá 2016-2017 do Thu Trang chủ nhiệm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trùng tên với cựu chủ nhiệm Cheer Ams, nhưng Hoàng Thu Trang (20 tuổi, cựu học sinh THPT Kim Liên) là chủ nhiệm của CLB Bóng rổ nữ THPT Kim Liên từ năm 2017-2019. Nữ Kim Liên là một trong những thế lực mạnh nhất làng bóng rổ nữ học sinh Thủ đô. 5 năm qua, đội đã 2 lần giành chức vô địch và 1 lần về nhì tại giải Bóng rổ học sinh phổ thông Hà Nội. Chính Trang đã cùng đội nữ Kim Liên lên ngôi mùa 2017-2018, sau khi đánh bại “kỳ phùng địch thủ” lâu năm là đội nữ THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng.

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 4

Hoàng Thu Trang (đứng đầu hàng) cùng đội bóng rổ nữ THPT Kim Liên tại giải Bóng rổ học sinh phổ thông Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Năm đó, em đã thay đổi toàn bộ lối chơi truyền thống của đội. Một số cựu thành viên không ủng hộ, nhưng em vẫn quyết làm đến cùng. Và chức vô địch đã giúp em chứng minh tất cả.”

Nhưng bao nhiêu nụ cười, là bấy nhiêu nước mắt. Giải đấu năm sau, Trang cùng người đồng đội là cặp “song sát” của đội nữ Kim Liên bị chấn thương ngay trận ra quân. Trên đường tới bệnh viện, hai cô gái chỉ biết ôm nhau khóc, khóc rất nhiều, vị mặn của nước mắt hoà lẫn với vị mặn của những giọt mồ hôi chưa kịp khô. Bởi đó là lần cuối các em chơi bóng tại giải đấu danh giá nhất của học sinh thủ đô...

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 5

Khoảnh khắc đội bóng rổ nữ Kim Liên vô địch giải Bóng rổ học sinh phổ thông Hà Nội năm học 2017-2018. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hiện giờ, dù đã vào Sài Gòn hơn 2 năm, nhưng Trang vẫn luôn quan tâm tới “đứa con cưng” của mình. Năm 2020, Kim Liên vô địch, Trang và các em gọi điện cho nhau, gào thét trong sung sướng. Một năm sau, Kim Liên dừng bước ngay vòng đầu tiên, các chị em lại nức nở khóc cùng nhau qua màn hình điện thoại…

“Đội bóng rổ nữ Kim Liên là gia đình thứ hai của em,” Trang xúc động.

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 6

Trường THPT Hà Nội – Amsterdam có tổng cộng hơn 40 CLB, trải đều trên các lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, khoa học, xã hội.... Bên cạnh đó, các trường THPT Chu Văn An (21 CLB), THPT Việt Đức (17 CLB) và THPT Kim Liên (16 CLB) cũng là những cái tên tiêu biểu).

THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Kim Liên cùng một số cái tên khác như THPT Việt Đức, THPT Chu Văn An... là những trường công lập đi đầu trong việc giáo dục toàn diện thông qua hệ thống CLB ngoại khoá.

Hệ thống CLB đó đã giúp nhiều học sinh trường công phát triển toàn diện về thể chất, nghệ thuật, kỹ năng mềm và trải nghiệm thực tế không kém gì học sinh trường tư. Quan trọng nhất, CLB là nơi ươm mầm những mối quan hệ sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống các em sau này.

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 7

Một tác phẩm kịch do CLB Kịch trường THPT Chu Văn An – Dramaclub Chu Văn An thực hiện trong Ô Sáng - chương trình gây quỹ từ thiện thường niên của CLB. (Ảnh: Dramaclub Chu Văn An)

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 8

Các cheeleaders của CLB Cheer Ams biểu diễn tại vòng chung khảo cuộc thi Ams’ Got Talent năm học 2020-2021 do trường THPT Hà Nội – Amsterdam tổ chức. (Ảnh: CLB Cheer Ams)

Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định đây là “bộ mặt chung” của trường công tại Hà Nội nói riêng, và tại Việt Nam nói chung. Bởi có nhiều quan điểm cho rằng, công tác giáo dục toàn diện tại nhiều trường công vẫn chưa được đầu tư kỹ lưỡng.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, việc ngày càng nhiều trường công chú trọng tới giáo dục toàn diện là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá tại một số trường chưa diễn ra thường xuyên. Các hoạt động thường diễn ra kết hợp với các ngày kỷ niệm, ngày lễ như 20/10, 20/11, 8/3... Bên cạnh đó, hình thức tổ chức cũng không có nhiều sự đổi mới, sáng tạo qua các năm.

Chị Hiền, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học công lập ở quận Đống Đa chia sẻ, con chị chỉ được đi dã ngoại từ 1-2 lần trong năm học. Trường có tổ chức thi văn nghệ và thi vẽ cho các con tham gia, nhưng chỉ vào dịp 20/11 hoặc 26/3. Chị đã nhiều lần đề nghị giáo viên chủ nhiệm tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá cho các bé hơn. Giáo viên muốn, nhưng không thể tự ý làm nếu chưa có chỉ đạo của ban giám hiệu.

“Con muốn được đi dã ngoại nhiều hơn, hoặc vào một câu lạc bộ âm nhạc, vì con rất thích hát ạ,” bé Lâm Hằng (10 tuổi, con gái chị Hiền) nói, “con cũng thích làm thí nghiệm khoa học nữa. Con muốn được thể hiện bản thân mình nhiều hơn. Ngồi học nhiều vừa chán, vừa áp lực ạ.”

Em Nguyễn Đức Minh, cựu học sinh trường THCS Nghĩa Tân quận Cầu Giấy khoá 2015-2019 cho biết, nhà trường thường mời chuyên gia thuyết giảng cho học sinh về nhiều chủ đề khác nhau như an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, công nghệ thông tin… Theo Minh, đó đều là những hoạt động rất bổ ích và thiết thực cho sự phát triển toàn diện của học sinh.

“Nhưng chúng em sẽ hứng thú hơn nhiều nếu được thực hành để ghi nhớ những điều đó, thay vì chỉ ngồi tại sân trường nghe chuyên gia nói. Em cũng rất mong nhà trường sẽ có thêm nhiều CLB mới trong tương lai.”

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 9

Để tránh việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá một cách hình thức, không hiệu quả, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh khẳng định, tư duy của đội ngũ giáo viên và ban giám hiệu các trường là yếu tố quan trọng nhất. Cụ thể, mọi sự kiện, hoạt động đều phải hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, chứ không phải làm chỉ để lấy thành tích với lãnh đạo và phụ huynh.

“Các hoạt động đưa ra cần dựa trên nhu cầu có thật của học sinh, thiết kế có phương pháp để tạo động lực cho học sinh tham gia tự nguyện, có tính trải nghiệm và tương tác cao chứ không phải chỉ để… chụp ảnh và làm báo cáo.”

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 10

Các thành viên của CLB Văn hoá Nhật Bản (trường THPT Việt Đức) tập Kendo - một môn võ thuật đánh kiếm hiện đại của Nhật Bản. (Ảnh: Trang facebook CLB Văn hoá Nhật Bản - trường THPT Việt Đức)

Từ năm học 2019-2020, hai môn Hoạt động trải nghiệm cho học sinh TH và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT sẽ trở thành những môn học bắt buộc, theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018. TS. Nguyễn Thuỵ Anh nhận xét, đây chính là cơ hội để nhà trường và giáo viên thay đổi nội dung các buổi sinh hoạt, hoạt động tham quan thực địa sao cho phong phú, thiết thực. Học sinh sẽ được thực hành, chia sẻ những tâm tư và thể nghiệm những cảm xúc tích cực trong quá trình trải nghiệm.

Còn theo bà Phạm Thu Thuỷ, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, tổ chức hoạt động ngoại khoá và trải nghiệm thực tế chưa phải là thế mạnh của giáo viên trường công. Do đó, họ cần được đào tạo và tập huấn rất nhiều về mảng này. Bởi nếu lãnh đạo có nhiều ý tưởng hay, mà “cánh tay phải” của họ là giáo viên không đủ trình độ thực hiện, thì vẫn sẽ thất bại.

Ngày 19/12/2020, trường THCS Thái Thịnh đã tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến giữa học sinh và các bác sĩ quân y Việt Nam đang tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc tại Bệnh viện dã chiến Nam Sudan, và nhận được nhiều lời khen từ các vị phụ huynh.

“Với trường THCS Thái Thịnh, chúng tôi còn mời chuyên gia, hay những thầy cô tại các trường tư nổi tiếng như Vinschool về chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động ngoại khoá với giáo viên.”

Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ công việc từ phía ban giám hiệu sẽ giảm rất nhiều áp lực cho giáo viên chủ nhiệm, bà Thuỷ nói thêm. Bởi số lượng học sinh quá đông đúc, giáo viên chủ nhiệm trường công sẽ rất vất vả trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động ngoại khoá cho học sinh.

Ngoài ra, nhà trường còn phải nắm bắt được “khẩu vị” của học sinh để hoạt động ngoại khoá phát huy hiệu quả, bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức bổ sung. Trong trường hợp của trường Việt Đức, thầy cô hiểu rằng nhiều bạn học sinh có tính cách năng nổ, hoạt bát, có nhu cầu thể hiện bản thân và muốn tự tay tổ chức các hoạt động, sự kiện cho cộng đồng của mình. Do đó, những CLB như Nhạc kịch Glory, Bóng rổ, Sân khấu điện ảnh, Tình nguyện, Lãnh đạo trẻ, Viet Duc STEM, Văn hoá Nhật Bản,... đã ra đời, góp phần đưa Việt Đức trở thành một trong những trường công nổi bật nhất về giáo dục toàn diện tại Hà Nội.

“Tâm lý của phụ huynh hiện nay đã rất khác rồi. Họ muốn con phải được tham gia hoạt động ngoại khoá thường xuyên, chứ không chỉ học để thi lấy điểm cao,” bà Quỳnh khẳng định.

Trường công: Muốn học sinh toàn diện, thầy cô phải toàn diện ảnh 11

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.