Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận

Hiện nay, ngày càng nhiều phụ huynh muốn con học trường tư ngay từ bậc tiểu học, bởi đánh giá cao sự đầu tư cho những chương trình giáo dục tiên tiến, kỹ năng mềm và các hoạt động ngoại khoá tại những trường này. Nhưng tiếp cận với giáo dục toàn diện tại trường tư chưa bao giờ là điều dễ dàng với đa số phụ huynh tại Việt Nam...

____________________

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 1

Sáng Chủ nhật đẹp trời, anh Ngọc Tú (39 tuổi) rủ con trai mình là Minh Khang (12 tuổi) ra ngồi cafe cùng với đồng nghiệp. Như thường lệ, sau chừng 15 phút, Khang lại đeo airpod và chăm chú vào màn hình điện thoại. Mải chuyện trò, anh Tú không để ý rằng thay vì xem những video về siêu anh hùng Marvel, con trai lại đang say sưa tìm hiểu cách hệ mặt trời vận hành.

“Con sắp cùng nhóm thuyết trình về hệ mặt trời trong tiết STEM tuần sau,” Khang đáp lại ánh mắt ngạc nhiên của bố.

Khang đang là học sinh lớp 8 trường liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội. STEM là môn học yêu thích nhất của Khang, bởi em sẽ được thực hành những thí nghiệm vật lý, chế tạo mô hình hay học làm mộc - đúng với sở thích của một cậu bé ưa tìm tòi, khám phá. Vốn rụt rè, nhưng Khang ngày càng tự tin và bạo dạn hơn qua những lần làm việc nhóm cùng các bạn, đặc biệt là khi mô hình nhà chống lũ của em và 5 bạn khác được thầy giáo tuyên dương trước cả lớp.

“Con cảm giác như mình đã trở thành một kỹ sư thực thụ!”, Khang hồn nhiên.

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 2

Khang rất “thèm” đến trường, vì khi học online, em sẽ chỉ được tìm hiểu và thuyết trình theo các đề tài cô giáo cho sẵn. Khang nhớ cảm giác được điều khiển những robot do chính mình lắp ráp, hay lúc chế tạo và phóng tên lửa nước làm từ vỏ chai Pepsi. Khi biết một khu trải nghiệm STEM rộng 6.000m2 vừa được khai trương ngay trong khuôn viên trường, em lại càng nóng lòng muốn đi học hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Trang - Hiệu trưởng trường liên cấp TH&THCS Ngôi sao Hà Nội, STEM luôn nằm trong những bộ môn được học sinh yêu thích nhất, qua khảo sát nội bộ hằng năm của trường.

Cũng được học và trải nghiệm STEM như Minh Khang, nhưng nấu ăn mới là môn học khiến Anh Thương (14 tuổi, học sinh trường Phổ thông liên cấp Edison) mê tít. Phần vì Thương đam mê nấu nướng từ nhỏ, phần vì môn học này giúp em thoả mãn sự “sành ăn” của mình.

Được các thầy cô nhận xét là khéo léo, tỉ mỉ, Thương thành thạo nấu ăn rất nhanh. Có một danh sách dài những món tủ như salad rau xanh, trứng ốp-la, bánh mì sandwich…, em được phân làm “bếp phó”, bên cạnh bếp trưởng là cô giáo để hỗ trợ các bạn. Thương tự tin, “trình” nấu ăn của mình hiện đã gần bằng mẹ.

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 3

Tiết học đáng nhớ nhất của vị bếp trưởng “nhí” là hôm cô giáo dạy cách pha trà sữa trân châu đường đen. Cuối buổi học, một bạn nam đã mang sản phẩm của mình tặng cho Thương, trong sự cổ vũ reo hò của cả lớp và cô giáo. Không rõ tay nghề của bạn nam kia ra sao, nhưng với Thương, đó là cốc trà sữa ngọt nhất em từng uống.

“Tập thể lớp em đã gắn kết với nhau hơn rất nhiều qua những tiết học như vậy. Em chỉ mong được đi học càng sớm càng tốt, vì em nhớ trường, nhớ các bạn lắm ạ.”

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 4
Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 5

Chị Hà Thu (46 tuổi), một phụ huynh có con học trường Tiểu học Quốc tế Alaska cho biết, chị không muốn con dành quá nhiều thời gian “cày cuốc” để lấy điểm cao. Chị quan niệm, những kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm, quản lý thời gian…, là những thứ sẽ tạo ra sự khác biệt trong môi trường làm việc.

“Mình không muốn con chỉ là chú ‘mọt sách’, thuộc làu kiến thức sách vở nhưng ra đời thì ngơ ngác, lúng túng. Vì vậy, mình luôn khuyến khích con tham gia những chương trình trải nghiệm hàng tháng của trường, để ứng dụng những điều đã học và biến chúng thành kiến thức của chính mình.”

Anh Việt Trung (50 tuổi, phụ huynh trường Marie Curie Hà Nội) bổ sung, các chương trình giáo dục mới và hoạt động ngoại khoá sẽ giúp phát hiện khả năng tiềm ẩn của trẻ. Một số trẻ tuy không giỏi những môn cơ bản, nhưng lại có năng khiếu về nghệ thuật, thể thao hoặc ngoại ngữ. Với những học sinh này, học ngày học đêm để lấy điểm cao thực sự không cần thiết, mà tập trung phát triển thế mạnh của mình mới là điều các em cần.

Tuy nhiên, dù rất muốn con mình được hưởng chất lượng giáo dục toàn diện của trường tư, đa số phụ huynh vẫn chọn trường công thay vì tư. Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD&ĐT), số học sinh học trường tư hiện nay rất khiêm tốn so với trường công.

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 6

Cụ thể, tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 25.937 trường công với 16.549.628 học sinh, và 652 trường tư với 417.343 học sinh (chỉ xét các khối tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT)). Như vậy, số học sinh trường tư chỉ bằng khoảng 2,52% số học sinh trường công.

Rào cản về tài chính là lý do hàng đầu khiến mong muốn của nhiều vị phụ huynh vẫn chỉ là mong muốn. Ví dụ, học phí một năm của trường Phổ thông liên cấp Edison dao động từ 74,4-117,6 triệu đồng với khối TH, 86,4-129,6 triệu đồng với khối THCS và 98,4-141,6 triệu đồng với khối THPT. Học phí trường Ngôi sao Hà Nội là 70-80 triệu đồng/năm với khối TH và 53-61 triệu đồng với khối THCS (đã tính thêm phí của các chương trình bổ trợ nâng cao, chương trình chuyên và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo). Trường THPT Nguyễn Siêu có mức học phí thấp nhất là 45 triệu đồng/năm, và cao nhất là 160 triệu đồng/năm. Trường Tiểu học Quốc tế Alaska thu học phí từ 120-130 triệu đồng/năm.

Đó đều là những con số khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Theo thống kê từ World Bank, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2.785 USD, tức khoảng 63 triệu đồng/năm - mức trung bình thấp so với mặt bằng thế giới.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói rằng, theo thông lệ của World Bank thì các nước thu nhập trung bình cao phải có mức GDP bình quân đầu người đạt từ 3.466 - 10.725 USD/người.

“Mình cho cả 3 đứa trong nhà học trường công, không phải vì không thích trường tư,” chị Hồng Vân (36 tuổi, phụ huynh có con học trường THCS Trần Quốc Toản) chia sẻ, “tổng thu nhập một tháng của cả hai vợ chồng là khoảng 40 triệu. Gia đình mình thật sự không đủ điều kiện để cho con học các trường tư với học phí 7-8 triệu đồng/tháng, 10 triệu đồng lại càng không”.

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 7

Một số phụ huynh cho rằng, nếu công tác giáo dục toàn diện được triển khai hiệu quả và thường xuyên tới học sinh, thì việc các trường tư thu học phí cao là điều hiển nhiên. Hơn nữa, khoản 4 Điều 8 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/10/2021) do Chính phủ ban hành đã quy định, “các cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động quyết định mức thu học phí, và có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.”

Do đó, học phí cao tại trường tư tuy là rào cản, nhưng không phải một vấn đề cần thay đổi. Điều các vị phụ huynh thực sự quan tâm, đó là chất lượng giáo dục mà những trường tư mang lại có thật sự tương xứng với mức học phí họ đưa ra hay không.

“Tôi cho con học trường tư, cũng không phải vì quá dư dả,” anh Việt Trung nói, “mà vì thấy dịch vụ họ cung cấp xứng đáng với số tiền mình bỏ ra, và con mình rất thích những hoạt động do trường tổ chức”.

Giáo dục toàn diện tại trường tư: hay, nhưng khó tiếp cận ảnh 8

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?