Dự thảo có gì mới?
Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có).
Nội dung này không có gì thay đổi so với quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên (mầm non) hiện hành.
Điểm mới thứ nhất, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Hiện tại, quy định thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Điểm mới thứ hai, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, nghỉ phép hằng năm và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Hiện tại, quy định thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 08 tuần bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, trong đó thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học do hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở giáo dục đại học quyết định.
Đáng chú ý, căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn;
Căn cứ điều kiện của trường trung cấp, trường cao đẳng, hiệu trưởng nhà trường quyết định thời gian nghỉ hè của nhà giáo.
Nhìn chung, Dự thảo này đã bổ sung quy định về thời gian nghỉ hè hàng năm của nhà giáo.
Đồng thời, Dự thảo cũng thống nhất cách quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp là 08 tuần (hiện nay, đối với giáo viên mầm non là 08 tuần còn đối với giáo viên phổ thông là 02 tháng).
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục 2019 dự kiến có hiệu lực từ 01/7/2020.
Nếu phải làm việc hè, giáo viên được hưởng chế độ thế nào?
Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định về làm thêm giờ như sau:
Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Như vậy, trong trường hợp lãnh đạo đơn vị trường học yêu cầu giáo viên làm thêm giờ vào thời gian hè thì phải được thầy cô (người lao động) đồng ý.
Theo Bộ luật Lao động (về lí), nếu giáo viên làm thêm nhiều ngày liên tục trong tháng hè thì hiệu trưởng phải bố trí để thầy cô được nghỉ bù cho số ngày hè đã không được nghỉ.
Tuy nhiên, đây là điều khó có thể xảy ra, vì hết thời gian hè giáo viên sẽ nhận nhiệm vụ giảng dạy mới nên hiệu trưởng khó bố trí để thầy cô được nghỉ bù.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 97 của Luật này, khi làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương (trong đó có thời gian nghỉ hè), giáo viên sẽ được trả thêm một khoản tiền bằng 300% tiền lương của ngày nghỉ đó.
Nếu trường nào bắt giáo viên phải làm việc vào các ngày nghỉ hè mà không trả thêm tiền nào là trái với quy định của pháp luật hiện hành.