Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa

Những mái nhà nhuốm màu thời gian, những di tích thâm trầm, cổ kính lọt thỏm giữa phố phường sầm uất. Phố cũ liền phố mới, những biệt thự cổ trầm mặc nằm kề những tòa nhà hiện đại cao chót vót. Chưa bao giờ, văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức và thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay…

*****

Làn sóng đô thị hóa đã lột bỏ nhiều lớp trầm tích văn hóa của Hà Nội, khi nhiều làng ven đô đã thành phường phố. Là một người con “nặng lòng” với Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Ngày Nay về sự biến chuyển trong văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 1

Hà Nội ngày càng mở rộng thêm nhiều vành đai, dung nạp thêm nhiều luồng văn hóa của các vùng miền xung quanh. Liệu sự mở rộng địa hạt, cùng với những luồng di dân sẽ tạo ra sự giao thoa như thế nào giữa văn hóa của Hà Nội và các vùng mới?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Đúng là văn hóa lõi của Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng phần nào của những luồng gió mới hay sự biến đổi của xã hội nhưng khó có thể bị thay đổi hoàn toàn.

Xu hướng đô thị hóa có thể làm thay đổi diện mạo của một khu vực khi được sáp nhập vào Hà Nội, hoặc lên quận. Dù đã là phố, phường nhưng bản chất vẫn là làng, xã. Tại nơi đây vẫn lưu dấu những phong tục, nề nếp riêng của cộng đồng dân cư gốc. Nói một cách chính xác, thì không thể đô thị hóa hay “Hà Nội hóa” hoàn toàn những vùng mới sáp nhập.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 2

Hà Nội có rất nhiều vùng ven đô, khi có chính sách quy hoạch làng, xã lên phố, quận thì chỉ tên gọi thay đổi, còn những đặc trưng văn hóa vẫn được bảo lưu. Nhưng từ khi đất ruộng biến thành nhà cao tầng, chung cư thì đã có sự giao thoa văn hóa giữa những người tứ xử đổ về với cộng đồng dân gốc tại đó.

Những lớp người di cư tới sẽ sống theo “văn hóa chung cư”, trong khi những người dân địa phương vẫn sẽ sống theo những lề lối xưa và chỉ phần nào chịu sự biến đổi của văn hóa nội đô. Sự giao thoa này không đem đến xung đột, mà cả hai sẽ nhắm đến một cái đích chung, đó là tiếp thu, dung nạp văn hóa đô thị.

Người ta có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về người Hà Nội. Vậy theo ông, hình ảnh “hoa nhài” có còn phù hợp với người Hà Nội hiện đại hay không?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hình ảnh “hoa nhài” dẫu sao cũng chỉ là cách người xưa ví von, chứ không thực sự đại diện cho bản sắc của người dân thành phố này.

Văn hóa dù mang tính hằng số nhưng vẫn biến động mỗi ngày. Sự biến đổi này chịu tác động bởi thời cuộc. Dẫu vậy, trong mỗi tâm thức của người Việt đều có một “mã gen” văn hóa di truyền suốt nhiều đời. “Mã gen” này được thể hiện ở nếp sống gia đình, được quy định trong hương ước của làng và luật pháp của xã hội, đặc biệt là vẫn được truyền lại cho tới nay. Vì thế, nói rằng văn hóa ngày nay khác ngày xưa không hẳn đúng. Vẫn có một “dòng chảy ngầm”, dẫu không mạnh mẽ, nhưng bền bỉ tồn tại trong tâm thức người Việt. Những thói quen ứng xử, ăn uống, lễ nghi của người Việt bao đời vẫn vậy, và chỉ thay đổi một chút cho phù hợp với thời cuộc.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 3

Ngày trước, già trẻ đều mặc màu xám tối, ngày nay quần áo đa dạng màu sắc, mẫu mã hơn. Ngày xưa người Hà Nội mùa đông mặc áo mớ bảy, mỗi lớp áo là một màu khác nhau.

Hay như chuyện ăn uống, đời sống hiện đại cũng kéo theo sự biến mất của nhiều món ăn Hà Nội. Có thể nhiều người biết bánh cuốn Thanh Trì, mà quên làng Yên Hòa cũng nổi tiếng với món ăn này. Hay bún ốc Hà Nội thì có hai nơi nổi tiếng là bún ốc nguội Khương Thượng và bún ốc nóng Pháp Vân, nhưng nay cũng không còn.

Chúng ta vẫn thường bàn luận về khái niệm “người Hà Nội”, ông cùng với nhiều nhà văn khác đã cung cấp cho công chúng những mảnh ghép tạo nên khái niệm này. Nhưng liệu “người Hà Nội” là một khái niệm tĩnh hay nó đã có những sự biến chuyển, xoay vần theo thời cuộc?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Có một điều cốt lõi bất biến của người Hà Nội đó là giá trị đạo đức phổ quát như “đi chào về hỏi”, ăn cơm thì mời ông bà cha mẹ, ra đường chào người lớn tuổi. Dù vậy, nó chỉ biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Văn hóa Hà Nội vốn hội tụ, kết tinh, lan tỏa. Một người từ vùng miền khác tới sống tại Hà Nội, vẫn phải có sự “nhập gia tùy tục” hay còn gọi là “Hà Nội hóa”. Nhiều người mang theo những lề thói, quan niệm của vùng miền mình và áp dụng nó trong cuộc sống tại đây. Nhưng chúng ta không thể duy trì thói quen sinh hoạt của vùng nông thôn, sông nước, núi rừng, biển đảo vào nếp sống của một đô thị như Hà Nội.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 4

Dẫu vậy, một Hà Nội “tao nhân, mặc khách” là có thực và không chỉ các nhà nghiên cứu Việt Nam công nhận, mà nó còn được ghi chép trong nhiều sách vở của phương Tây. Có cuốn sách xuất bản từ thế kỷ 18 mô tả cách giao tiếp của người Hà Nội thời kỳ đó. Ví dụ, một người Hà Nội khi hỏi han bạn mình về tình hình sức khỏe, thay vì hỏi: “Bác khỏe hay yếu”, thì chỉ hỏi rằng: “Dạo này bác ăn được mấy bát cơm?”. Đó là một lối ứng xử rất tế vi, nhã nhặn của người Hà Nội mà ngày nay không còn nhiều.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 5

Được biết, ông đang viết sách khảo cứu các làng ven đô. Việc trực tiếp quan sát ảnh hưởng làn sóng đô thị hóa lên các làng quê Hà Nội đã cho ông những trải nghiệm gì?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Phải nói rằng các ngôi làng như Phú Đô, Xuân La, Xuân Đỉnh, Yên Thái ngày nay khi chuyển đổi lên phố rất thảm thương bởi thiếu sự chuẩn bị về mặt hạ tầng. Những hàng rào cúc tần nhường chỗ cho tường bê tông, những con ngõ nhỏ giờ bị các nhà tầng che kín khoảng trời, không có vỉa hè, hệ thống chiếu sáng - thoát nước chắp vá khiến các ngôi làng trở nên nhem nhuốc, ô nhiễm… Chính sự thiếu quy hoạch đồng bộ khiến các vùng ngoại ô đẹp đẽ trở nên tan hoang, nhiều người sinh ra từ làng giống tôi khi trở về cũng chi biết tiếc nuối.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 6

Tại sao người ta lại gọi là Ba Vì thay vì Tam Vì, tại sao cộng đồng người Dao tại đây được gọi là Mán sơn đầu, hay vì sao người Mường ném củ ráy trộn đất trong lễ cưới? Nếu muốn hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Hà Nội, chúng ta cần phải có tình yêu với văn hóa.

Là thành phố ngàn tuổi, Hà Nội đã chứng kiến nhiều cuộc biến động dân cư theo thời cuộc, kéo theo đó là sự biến đổi về đặc trưng của từng lớp người đến và đi. Vậy theo ông, những cuộc biến động này đã có ảnh hưởng thế nào tới bản sắc của người Hà Nội?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Văn hóa bao giờ cũng có một sự thay đổi trên bề mặt, còn căn tính của một quốc gia, một dân tộc, hay một địa phương thì không suy chuyển dựa trên nền tảng đạo đức. Xã hội Hà Nội từ năm 1945 tới nay luôn có sự biến động với nhiều làn sóng nhập cư và di cư. Nhưng dù nhanh hay chậm, thì những lớp người mới đến cũng sẽ tự mình thay đổi, dỡ bỏ những quan niệm “thâm căn cố đế” của quê hương để khoác lên mình những “lớp lang” văn hóa Hà Nội.

Nói rộng hơn về xu hướng hội nhập, có thể nói Hà Nội và Việt Nam vốn đã mở cửa và hội nhập ngay từ thế kỷ 17, 18. Vào thời kỳ Pháp thuộc, tầng lớp tri thức đã đi du học nước ngoài và đem về nhiều làn gió văn hóa mới. Cùng với sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật mới như kịch nói, tiểu thuyết điện ảnh, thì những hình thức diễn xướng cũ như chèo, tuồng vẫn tồn tại. Nhưng trong thời đại này, muốn những loại hình nghệ thuật truyền thống được duy trì thì cần phải giáo dục cho lớp trẻ kiến thức và tình yêu dành cho cội nguồn văn hóa dân tộc ngay từ những năm đầu đời.

Hẳn ông còn nhớ, cách đây chưa lâu học sinh Hà Nội từng được dạy về nếp sống thanh lịch văn minh. Theo ông, những chương trình giảng dạy này đã tác động thế nào tới văn hóa của người trẻ Hà Nội?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Kể cả ở hiện tại, học sinh cũng được giảng dạy bộ môn “Giáo dục công dân”. Dù vậy, muốn dạy cho lớp trẻ về những ứng xử văn hóa, văn minh thì cần phải giáo dục theo mô hình “kiềng ba chân”. Trong đó nhà trường dạy kiến thức, gia đình dạy văn hóa, xã hội dạy pháp luật. Muốn thay đổi nhận thức một người thì cần hai thứ: luật pháp và ý thức. Muốn một đứa trẻ có ý thức thì phải có sự uốn nắn trong gia đình, còn khi ra ngoài xã hội, luật pháp sẽ giúp đứa trẻ hiểu rõ vì sao phải tuân thủ luật giao thông, vì sao không được vứt rác bừa bãi, vì sao thấy của rơi phải trả lại người mất.

Việc giảng dạy nếp sống văn mình trên nhà trường là ý tưởng tốt, nhưng khó tạo ra hiệu quả, bởi học sinh còn có quá nhiều kiến thức phải dung nạp trên lớp.

Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 7
Văn hóa Hà Nội như một dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 4: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa ảnh 8
TIN LIÊN QUAN
Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
(Ngày Nay) - Ngày 30/10, theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), kết thúc đợt tập huấn tại Thái Lan với 2 trận giao hữu chất lượng, Huấn luyện viên trưởng Diego Raul Giustozzi đã đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024.
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
(Ngày Nay) - Chùa Tà Ngáo theo hệ phái Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại sóc Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng cho lối kiến trúc chùa tháp của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Nam Bộ. Với hơn 200 năm tuổi, chùa Tà Ngáo còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer của tỉnh An Giang.
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
(Ngày Nay) - Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh (PUMCH) ở Trung Quốc đã phát triển một hệ thống nhiệt học hồng ngoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI-IRT) để sàng lọc ung thư vú, cho phép người dùng dễ dàng kiểm tra nguy cơ ung thư thông qua một ứng dụng bằng cách kết nối các camera hồng ngoại với điện thoại thông minh của họ.
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
(Ngày Nay) -  Chiều 29/10, bà Võ Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, nhà trường đang huy động toàn bộ nhân lực thực hiện dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau khi lũ từ thượng nguồn đổ về làm toàn bộ ngôi trường ngập trong biển nước, hơn 2.600 học sinh phải nghỉ học. Dự kiến ngày 30/10, sau khi nước lũ rút, trường sẽ đón học sinh trở lại học.
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 29/10/2024, Vietjet và Emirates đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng kết nối giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Dubai, UAE, cũng như các điểm đến toàn cầu, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - UAE. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy du lịch và thương mại giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế và giao thương.