Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa

Những mái nhà nhuốm màu thời gian, những di tích thâm trầm, cổ kính lọt thỏm giữa phố phường sầm uất. Phố cũ liền phố mới, những biệt thự cổ trầm mặc nằm kề những tòa nhà hiện đại cao chót vót. Chưa bao giờ, văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức và thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay…

*****

Trong dòng chảy đô thị, Hà Nội đang đặt ra bài toán bảo tồn và phát huy những kiến trúc nhà ở truyền thống, dung hoà giữa yếu tố văn hoá lịch sử và tinh thần đương đại.

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa ảnh 1

Phía cuối con ngõ nhỏ ở làng cổ Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội ẩn khuất một ngôi nhà cổ, ước chừng cũng đã trên trăm năm, nép mình bên những căn nhà ống cao tầng sừng sững. Bất cứ người dân nào đi qua cũng phải dừng chân nán lại, ngắm nghía bức tranh mộc mạc, thân thuộc của ngôi nhà.

Căn nhà cổ ấy của gia đình ông Nguyễn Văn Bình. Trông từ xa, ngôi nhà vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng của nhà cũ. Càng bước vào trong, càng nhận ra nếp nhà kẻ truyền bên trong với thiết kế cánh dại tre thoáng mát trước hiên nhà – nét đặc trưng của những ngôi nhà cũ trong làng Ngái, vùng đất xứ Đoài.

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa ảnh 2

Làng cổ Hương Ngải, trước đây còn được biết đến với tên gọi làng Ngái, nổi tiếng với nghề làm nhà kẻ truyền - một kiến trúc nhà ở truyền thống đặc trưng tại vùng đất Xứ Đoài nói riêng và vùng nông thôn miền Bắc nói chung, nổi bật với lối thiết kế cánh dại tre trước hiên. Thế nhưng, thời kỳ khắp nơi đồng loạt phát triển nông thôn mới, những ngôi nhà kẻ truyền lâu đời, mang dấu ấn của thời gian, của lịch sử cũng đang dần mất đi, nhường chỗ lại cho những thiết kế khang trang hơn, hiện đại hơn.

“Nhiều khi tôi hay nói vui rằng các cụ nhà tôi để lại cho con cháu một ‘thung lũng bình yên’ giữa dòng chảy đô thị hoá. Căn nhà cổ của gia đình giống như ‘một điểm trũng xưa cũ’ bao quanh bởi những ngôi nhà tầng hiện đại”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ. Ông Bình không ngần ngại dẫn khách đi một vòng quanh nhà, chỉ cặn kẽ từng mái liếp, cánh dại, chỗ nào cũng được ông giữ gìn cẩn thận. Nhà gỗ nhưng mọi đồ đạc đều được lau chùi tinh tươm. Giữa những ngày nắng chớm hè đầu tháng Tư, ngôi nhà khiến ai bước vào cũng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu sau những đoạn đường bê tông, cốt thép.

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa ảnh 3

Và đó cũng là gia tài vô giá của làng Hương Ngải, của xứ Đoài nói chung khi mà khắp các quận huyện ngoại thành, các thôn xóm, nhà cao tầng, biệt thự… đan xen.

Làng cổ ở Thủ đô hiện nay đang biến đổi sâu sắc, cả về cấu trúc không gian lẫn kiến trúc nhà ở, cùng với nguy cơ biến mất các giá trị văn hóa, do những tác động nội tại từ điều kiện kinh tế, xã hội và quá trình đô thị hóa khốc liệt.

TS.KTS Vũ Hoài Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong xã hội hiện đại, dường như con người ta chỉ mải miết theo đuổi những cái mới, tìm đến những không gian hiện đại, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống bây giờ, mà bỏ lại những kiến trúc nhà ở truyền thống được ông cha truyền lại qua bao đời nay. Ngay tại làng cổ Hương Ngải – vùng đất nức tiếng với nghề làm nhà kẻ truyền, giờ đây cũng hiện lên với khung cảnh những căn nhà cao tầng, hiện đại “mọc lên” san sát. Lọt thỏm giữa vùng nông thôn đô thị hóa, ngôi nhà gỗ kẻ truyền bỗng dưng thành một điểm nhấn, một điểm dừng chân tuyệt vời cho những người con xa nhà, làm việc xa quê.

Người dân Hương Ngải kể chuyện, những năm gần đây, nhiều người trong vùng cũng như khách vãng lai thường tìm về làng Ngái bày tỏ mong muốn phục dựng lại những ngôi nhà theo kiến trúc cổ: Nhà kẻ truyền với cánh dại tre. Nhưng đó cũng chỉ là những ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc cổ. Còn những ngôi nhà thực sự có niên đại trăm năm như chốn bình yên của ông Bình thì tiền bạc khó có thể phục dựng được.

“Theo thời gian, dù đã từng phải cải tạo, sửa chữa, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại những nét từ thời xưa, cố gắng “tân cổ giao duyên” làm sao để giữ được hiện trạng như bây giờ, bởi để trùng tu căn nhà như nguyên trạng ban đầu là điều bất khả thi”, ông Bình chia sẻ. “Ngay như cánh dại tre trước hiên, sương gió mưa nắng, nó không thể bền mãi được, tôi cũng đã từng phải nhờ người làm lại. May mắn thay trong làng còn một nghệ nhân lớn tuổi vẫn giữ nghề làm cánh dại tre”.

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa ảnh 4

Là địa phương nổi danh với nghề làm nhà kẻ truyền, làm cánh dại từ thời xa xưa, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, làng Hương Ngải chỉ còn ông Phí Mạnh Hồng và người cháu ruột giữ nghề làm cánh dại tre cho những ngôi nhà gỗ kẻ truyền.

“Xưa tôi theo nghề mộc, bởi làm nhà kẻ truyền bằng gỗ là nghề truyền thống ở làng Hương Ngải tôi, không đâu có tiếng như ở đây cả”, ông Phí Mạnh Hồng, nghệ nhân làm cánh dại tre ở làng Hương Ngải, chia sẻ. “Nhà kẻ truyền theo kiến trúc cổ thì dù muốn hay không cũng phải có cánh dại trước hiên, mà cánh dại thì phải làm từ tre, thế mới đúng như nét nhà cổ truyền từ xưa. Nhưng dần không ai làm cánh dại tre nữa nên tôi mới tiếc, mới cố mà giữ cái nghề đó”.

Theo người dân trong vùng, từ “cánh dại”, “cánh” được hiểu là cánh cửa, còn “dại” là từ bị đọc chệch đi theo tiếng địa phương, ban đầu nó mang nghĩa “dãi dầu”. Qua đó, cánh dại được hiểu như là cánh cửa dãi dầu che mưa chắn nắng, là chiếc áo “giữ ấm” cho ngôi nhà kẻ truyền thời xưa. Tuy nhiên, nó cũng có thể hiểu đơn thuần là bức chắn, tấm bình phong trước hiên nhà, ngăn cách khoảng sân và không gian sinh hoạt của gia đình.

Cánh dại tre chủ yếu được làm từ những thân tre già, thế nhưng, giờ đây để tìm được những khóm tre, bụi tre lâu năm ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội là điều không hề dễ dàng. Những khó khăn trong việc tìm nguồn vật liệu sản xuất chính là trở ngại đầu tiên mà những người lưu giữ nghề làm cánh dại tre như ông Hồng gặp phải.

Văn hóa Hà Nội như dòng chảy ngầm bền bỉ - Bài 1: Bóng nhà gỗ kẻ truyền giữa 'cơn lốc' bê tông hóa ảnh 5

Thời gian để làm được một cánh dại tre hoàn chỉnh thường mất khoảng một tuần với rất nhiều công đoạn, như chọn tre, chẻ nan, phơi khô, đục ống, gióng khung. Chính bởi vậy, người thợ phải thật khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ, nhẫn nại. “Làm cánh dại gỗ thì dễ, còn cánh dại tre thì rất dễ bị vênh nên phải thật bền bỉ, thuần tuý mà làm. Những người nóng tính chắc chắn không làm được”, ông Hồng cho biết.

Theo ông Hồng, dù công việc đòi hỏi sự cần mẫn như vậy, nhưng hiệu quả kinh tế thu về không hề cao, đây có lẽ là nguyên do chính mà đến nay ông và người cháu ruột của mình chưa tìm được “truyền nhân” theo nghề làm cánh dại tre ở làng Ngái. Với nghệ nhân 87 tuổi này, ông cố gắng “bám” nghề làm cánh dại tre không phải để mưu sinh, mà chỉ một lòng muốn lưu giữ văn hoá truyền thống, lưu giữ một phần của kiến trúc nhà kẻ truyền nức tiếng của làng mình.

Có lẽ cánh dại bây giờ đã thật sự nên “khôn”:

Cánh dại nay đã nên khôn

Người đi có nhớ xóm thôn quê mình?

Câu dao vọng từ mái đình

Nếp xưa lề cũ đậm tình chân phương…

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?