“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt album đầu tay mang tên “Vũ trụ cò bay” theo hơi hướng folktronica (kết hợp dân ca và điện tử), Phương Mỹ Chi đã thành công kỷ niệm một thập kỷ gắn bó với nghề. Bất chấp mọi so sánh với đàn chị đi trước, cô bé hát nhạc dân ca ngày nào đã chứng minh được khả năng của bản thân bằng chuỗi sản phẩm âm nhạc đầy chất lượng, đưa bản thân lên một vị trí cao hơn trên bản đồ nhạc Việt.
“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt

Những cánh cò bay

Tháng 3/2023, Phương Mỹ Chi là ca sĩ đại diện Việt Nam duy nhất được mời đến sự kiện ra mắt dự án “Chúng tôi có thể” (We are Able) giai đoạn 2 của UNESCO tại Tòa nhà Liên hợp quốc Green One, Hà Nội. Nắm được tinh thần của dự án là Thúc đẩy bình đẳng giới và Giáo dục cho các trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số, nữ ca sĩ đã mang đến ca khúc “Giấc Mơ Cánh Cò” với lời chia sẻ chân thành:

“Các em là cánh cò nhỏ bé, mỏng manh, chưa có tiếng nói, cho nên chúng ta, người đã có đủ tri thức, trách nhiệm và quan điểm cần phải lên tiếng, bảo vệ và chắp cánh cho các em có thể chinh phục ước mơ tương lai, có được sự đối đãi bình đẳng trong cuộc sống lẫn môi trường giáo dục. Khi nhận lời tham gia trình diễn tại sự kiện của UNESCO, Chi mong mình góp phần nhỏ trong dự án của tổ chức lan toả hơn về thông điệp của dự án, và sẽ có thêm nhiều bạn nhỏ được tiếp xúc với giáo dục và có thể bảo vệ mình khỏi những định kiến.”

“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 1
“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 2

Tháng 9 cùng năm, Phương Mỹ Chi đã cho ra đời album đầu tay đánh dấu tròn một thập kỷ ca hát của mình mang tên “Vũ trụ cò bay”. Từ hình tượng thân cò đơn lẻ, Phương Mỹ Chi vẽ nên cả một thế giới rộng lớn hơn cho những cánh cò, mỗi bài hát được ví như một “tiểu vương quốc” trong “đảo cò”, lấy cảm hứng từ nền văn học Việt Nam qua các thời kỳ.

Trong album này, phải kể đến ca khúc “Vũ trụ có anh” (ft. nữ rapper Pháo, Á quân cuộc thi King of Rap 2020), một nhạc phẩm kết hợp các yếu tố từ phương Đông như cổ tích Tấm Cám, ca trù, ngũ cung đến phương Tây như disco, yếu tố Disney, âm nhạc được lấy cảm hứng từ các bộ phim hoạt hình cổ tích hiện đại. MV “Vũ trụ có anh” được tung ra trước khi album “Vũ trụ cò bay” chính thức lên kệ. Ngay lập tức, hình ảnh “cô Tấm” của Phương Mỹ Chi đã được đưa lên bàn cân để so sánh với những cái tên nổi tiếng khác đã thành công trong việc khai thác chất liệu truyền thống vào âm nhạc hiện đại.

Liệu đây có phải một hình thức “bắt chước”, “ăn theo” sự thành công của người khác? Họ đặt câu hỏi.

“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 3
“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 4

Một cách đầy sắc sảo và bản lĩnh, Phương Mỹ Chi đã trả lời:

“Đối với Phương Mỹ Chi, dân ca là một phần của dân tộc. Thế hệ nào cũng nên tiếp nối, kế thừa những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Không thể nào dùng từ ‘ăn theo’, hay ‘bắt chước’ trong trường hợp này, bởi vốn dĩ đây là một giá trị phi vật thể. Chi mong tất cả mọi người có thể ủng hộ và khuyến khích cho Phương Mỹ Chi cũng như tất cả các bạn trẻ đang làm nghệ thuật. Đừng làm chùn bước các bạn bằng những sự áp đặt nặng nề.”

Màn đối đáp của Chi đã làm cả báo giới lẫn khán giả, tất cả những người theo dõi buổi họp báo của nữ ca sĩ bất ngờ. Mỹ Chi không chỉ đã cất tiếng nói cho chính mình, mà còn đại diện phát ngôn cho cả một thế hệ những người trẻ yêu mến và mang trong mình ước mong được lan tỏa nét đẹp ngàn năm của đất nước. Cô không những bảo vệ được những nỗ lực của bản thân, mà còn góp sức mở ra một con đường rộng hơn cho thế hệ người trẻ làm nghệ thuật.

“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 5

Dù vậy, khi trò chuyện với Ngày Nay, nữ ca sĩ trẻ vẫn vô cùng khiêm tốn: “Chi đã bền bỉ hoạt động trong địa hạt nghệ thuật được 10 năm. Một phần vì đam mê âm nhạc của bản thân, khao khát được đóng góp những giá trị nhân văn tốt đẹp cho nền nhạc Việt. Một phần vì Chi là một người yêu văn hóa truyền thống, bao gồm dân ca và văn học Việt. Trong khả năng mình, Chi có thể truyền tải nét đẹp văn học Việt đến người trẻ, đây là vùng đất vô cùng màu mỡ để bất cứ ai cũng có thể khai thác. Và Chi đã tự hỏi: Nếu có thể, tại sao mình lại không làm?”

“Đại diện cho thế hệ” vốn không phải việc Chi muốn hướng đến, Mỹ Chi bộc bạch: “Mình không có chủ đích trở thành một hình mẫu người khác noi theo, cũng không nghĩ bản thân giỏi đến mức được tôn vinh. Ai cũng có khuyết điểm, bản thân Mỹ Chi cũng chưa hoàn hảo. Điều quan trọng nhất mà Phương Mỹ Chi mong muốn luôn là chạm được đến trái tim người hâm mộ mà thôi.”

Album “Vũ trụ cò bay” sau đó cũng đã đạt được thành quả ấn tượng, khi không những đạt thành tích cao trong nước, album còn chính thức góp mặt vào bảng xếp hạng âm nhạc của ba quốc gia là Úc, Phần Lan và Campuchia. Showcase kỷ niệm 10 năm của Chi cũng được 3.000 người hâm mộ đến chung vui bất chấp cơn mưa tầm tã.

“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 6
“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 7
“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 8

Âm nhạc dân gian là nền móng vững chãi

Giới thiệu một chút về album “Vũ trụ cò bay”, kết tinh của một thập kỷ làm nghề của nữ ca sĩ thể hiện qua mười nhạc khúc, mở ra một không gian văn học và thời ấu thơ như trải ra trước mắt.

Mỗi ca khúc được viết lời, dàn dựng hòa âm và thể hiện theo đúng tinh thần của những tác phẩm văn học Việt Nam, bao gồm: "Vũ trụ Cò bay"; "Gối Gấm" (mượn chất liệu từ nhiều ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương: “Tự Tình II”, “Lấy chồng chung”, “Canh khuya”); "Đẩy xe bò" (tác phẩm văn học “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân); "Vũ trụ có anh" ft. Pháo (mượn chất liệu từ truyện cổ tích “Tấm Cám”); "Bóng phù hoa" (“Chuyện người con gái Nam Xương”, trích “Truyền kỳ mạn lục” của danh sĩ Nguyễn Dữ); "Chiếc lược ngà" ft. NSƯT Kim Tử Long (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng); "Hai đứa trẻ" ft. Suboi (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Thạch Lam); "Chiếc thuyền ngoài sa" ft. Trung Quân Idol (truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu); "Người con gái nằm nghe biển hát" (bài thơ “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn); và "Những ngôi sao xa xôi" (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lê Minh Khuê).

Khán giả có thể nghe thấy giai điệu hò khoan dựa trên nền nhạc điện tử thấp thoáng phía sau trong “Gối gấm”, hay một chiếu đờn ca tài tử giữ nhịp bằng tiếng gõ song lang trong “Bóng phù hoa”. Vẫn với phương ngữ Nam Bộ đặc trưng, giọng hát Phương Mỹ Chi dẫn dắt chúng ta đi qua những cuộc đời rất khác nhau.

“Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi cất cánh trên bản đồ nhạc Việt ảnh 9

Album này cũng là lần đầu Phương Mỹ Chi thử sức với vai trò người viết lời (lyricst), tiền đề để cô trở thành một singer-songwriter (những nhạc sĩ viết, sáng tác và biểu diễn chất liệu nhạc của riêng họ, bao gồm ca từ và giai điệu). Sau khi thành công ghi dấu ấn trong lòng khán giả với giọng hát nội lực chuyên dòng dân ca Nam Bộ, Phương Mỹ Chi đã dấn thân bứt phá ra khỏi vùng an toàn của bản thân: “Sáng tác giúp mình đưa được ‘cái tôi’ vào âm nhạc. Thông qua quá trình này, Chi sẽ hiểu được hơn bản thân muốn gì, màu sắc âm nhạc của mình ra sao”. Bản thân Chi cũng biết mình còn một chặng đường rất dài cần đi qua và phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Khi được hỏi về ca khúc mang màu sắc của bản thân nhất, Chi đã trả lời đó là “Chiếc lược ngà” hát cùng nghệ sĩ cải lương gạo cội Kim Tử Long: “Đông đảo khán giả biết đến Chi từ dân ca, những sản phẩm âm nhạc mang âm sắc Nam Bộ. Và bài này gần gũi với hình ảnh Phương Mỹ Chi trong mười năm qua nhất.”

Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng nói với Mỹ Chi: “Tụi con đừng quan trọng chuyện tiền bạc. Chú thương tâm huyết của tụi con dành cho cải lương, cho văn hóa dân tộc nên giúp được gì, chú sẽ hết lòng”. Đối với một nghệ sĩ trẻ đang phấn đấu như Chi, lời động viên và công nhận của thế hệ đi trước chính là một động lực hết sức lớn lao. Khán giả cũng rất đón nhận ca khúc: “Mình cũng đã đọc được những dòng bình luận rằng họ đã khóc sau khi nghe ‘Chiếc lược ngà’,” Chi kể lại đầy cảm kích.

***

Ai theo dõi Chi cũng biết cô gái này không tính đường xa, Mỹ Chi cũng thừa nhận: “Mình vẫn chưa có một định hướng âm nhạc cụ thể trong tương lai đâu, vẫn còn quá sớm. Dù vậy, có một điều chắc chắn là Phương Mỹ Chi trong 10, 20, 30 năm tới vẫn sẽ tiếp tục kiên trì đóng góp những giá trị tốt đẹp cho âm nhạc, thông qua những sản phẩm chỉn chu, chất lượng”.

Như một lời hứa sẽ không quên đi điều cốt lõi ban đầu, cô khẳng định: “Phương Mỹ Chi chắc chắn sẽ không từ bỏ dân ca trong khi cố gắng làm mới mẻ cách thể hiện của chính mình. Trong những năm tiếp theo, mong khán giả vẫn sẽ luôn đón nhận, yêu thương và đồng hành.” Với Phương Mỹ Chi, âm nhạc dân gian chính là nền móng vững chãi nhất. Cô gái ấy đi ra từ dân ca, và sẽ mang dân ca đi theo suốt cuộc đời ca hát của mình./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).