70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc

Với đại tá Dương Niết, một trong 214 chiến sĩ đầu tiên tiếp quản Thủ đô thuộc Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn 102, Đại đoàn 308), ngày 10/10/1954 của 70 năm trước là dấu ấn hào hùng không thể nào quên.

____________________

Ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng, theo trí nhớ của đại tá Dương Niết, cảm xúc hạnh phúc, tự do trào dâng đúng như câu hát của nhạc sĩ Phan Nhân: “Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô…”, ai nấy đều hân hoan bước sang một chương mới của cuộc đời.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 1

Bước sang tuổi 91, dù mắt đã mờ chân đã chậm nhưng bất cứ ai gõ cửa hỏi về kỉ niệm Giải phóng Thủ đô, đại tá Dương Niết vẫn say mê trò chuyện suốt nhiều giờ đồng hồ. Đại tá Dương Niết từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông tham gia tiếp quản sân bay Biên Hoà), rồi tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979… Nhưng một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đời ông chính là những ngày cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn Bình Ca trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tháng 10/1954.

Đại tá Dương Niết hiện là nhân chứng sống duy nhất còn lại của nhóm 214 người tiếp quản Thủ đô đợt đầu thuộc Tiểu đoàn Bình Ca năm ấy. Những ngày này, cảm xúc của ông về ngày Giải phóng Thủ đô lại trỗi dậy mãnh liệt. Có nhiều chuyện quá khứ mà ông đã nhớ nhớ quên quên nhưng nhiệm vụ được giao làm tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt trong ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước thì ông luôn khắc cốt ghi tâm. Sở Cảnh sát Bắc Việt nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội nằm trên phố Trần Hưng Đạo.

Ông Niết nhớ lại, đầu tháng 10/1954, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng (nay là Ðan Phượng, Hà Nội) và được lệnh vào Thủ đô, tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Bên cạnh đó là không để địch cưỡng bức dân chúng di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 2

Đại tá Dương Niết

“Pháp đồng ý cho ta cử một lực lượng vào lòng thành phố nhưng phải là cảnh vệ, không được đưa bộ đội chủ lực, nhất là bộ đội từ Điện Biên về. 214 chiến sĩ tinh nhuệ thuộc Tiểu đoàn Bình Ca được lựa chọn về tiếp quản Thủ đô phải đóng thành cảnh vệ. Chúng còn yêu cầu quân ta không mang súng trường và trung liên vào, vì ta bắn tỉa giỏi, nói đến bắn tỉa là quân địch sợ hãi. Yêu cầu thứ ba là ta không được đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên trên áo, hai tiếng “Điện Biên” khiến tinh thần của chúng hoang mang, lo sợ sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu”, đại tá Dương Niết kể.

Ngày 7/10/1954, đại tá Dương Niết vinh dự đứng trong quân số 214 cán bộ, chiến sĩ được đơn vị lựa chọn vào thành phố đợt đầu. Từ Phùng, rồi hành quân về Phù Lỗ, tại đây, cả đoàn được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô. Đêm ấy hành quân về làng Vân, phía Bắc cầu Đuống, các chiến sĩ được bà con đón tiếp rất nồng hậu. “Chiều 7/10, lúc anh nuôi chuẩn bị nấu cơm thì các bà, các chị mang gà, gạo, rau để đưa cho bộ đội ăn. Anh nuôi có giải thích là bộ đội không được nhận nhưng các bà, các chị vẫn cứ nấu cơm và mời bộ đội chúng tôi. Bữa cơm xúc động ấy tôi vẫn còn ghi nhớ mãi và không bao giờ quên”, đại tá Niết xúc động nhớ lại.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 3
70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 4
Ông Dương Niết trong một lần gặp cố đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng 8/10/1954, các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca trong vai cảnh vệ đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống để chờ quân Pháp ra đón (vì theo kết quả đàm phán với ta tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp sẽ đón bộ đội Việt Nam tại cầu Đuống). Đại tá Niết nhớ rất rõ: “Hôm đó trời lất phất mưa, lấy lý do đó, một viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt, mục đích là để người dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra, khi đoàn về đến Gia Lâm, người dân trông thấy đã ùa ra đường hoan hô rất đông. Viên sĩ quan Pháp tỏ ra khó chịu, cho rằng gây mất trật tự khu phố và cho xe chạy nhanh hơn”.

“Ban liên lạc đình chiến của ta đóng ở Nhà thương Đồn Thuỷ. Xe vào đến Hà Nội thì về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, đoàn chia làm 35 tổ, mỗi tổ có khoảng 3-5 người, di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng để tiếp quản. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…” Ông Niết nhớ rõ, riêng nhà máy điện và nhà máy nước cắt cử quân đông hơn, khoảng 10 chiến sĩ.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 5
Ảnh tư liệu về các chiến sĩ cách mạng tiến về Thủ đô được đại tá Dương Niết giữ gìn cẩn thận

Đại tá Dương Niết lúc đó là tổ trưởng tổ 5 người, được lệnh vào tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Nhiệm vụ của đơn vị khá nặng nề: Hạn chế thấp nhất mưu đồ của Pháp là phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự. Sở Cảnh sát Bắc Việt lúc đó còn khoảng gần 30 tên lính Pháp ở đây, lúc nào cũng phải đề phòng và cảnh giác cao độ.

Chiều 8/10, một số đơn vị của ta đã áp sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Tiếp đó, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu, lần lượt tiếp quản ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ… Ông Niết kể: “Tối 8/10, giữa căn cứ của địch, chúng tôi vẫn ngồi quây quần ca hát, nói cười, một là động viên cả tổ làm nhiệm vụ, không được buồn ngủ, hai là nâng cao cảnh giác, đề phòng địch có âm mưu xấu”.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 6

Từng khoảnh khắc hồi hộp chuẩn bị đón ngày Giải phóng hoàn toàn Thủ đô như thước phim quay chậm in hằn trong tâm trí đại tá Dương Niết. Theo ông Niết, ngày 9/10, sau khi bóng lính Pháp cuối cùng ra khỏi Hà Nội, Thủ đô yên bình lạ thường.

Tối 9/10, dường như cả Hà Nội không ngủ, nhân dân sôi nổi, cắt khẩu hiệu, làm cổng chào để sáng hôm sau đón đại quân chiến thắng trở về. Cổng chào mọc lên khắp nơi, không chỉ có những con phố lớn có bộ đội đi qua mà phố nhỏ cũng dựng cổng chào. “Đêm đó quân ta chưa vào. Đèn bật sáng khắp Thủ đô, tôi vẫn phải ở Sở Cảnh sát Bắc Việt làm nhiệm vụ nhưng không khí sôi sục khắp nơi. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu…”, đại tá Niết hào hứng kể.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 7
Đại tá Dương Duy Niết được nhận Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên

Theo đại tá Dương Niết, mới 5 giờ sáng 10/10/1954, cả Hà Nội đã tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn.

Đúng 15 giờ chiều 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau nhiều năm xa cách Thủ đô, nay các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca, Đại đoàn 308 lại được trở về, hòa cùng với nhân dân nô nức đón mừng ngày chiến thắng, dưới bầu trời tự do, rực rỡ cờ hoa.

Ông Niết thành thật, không khí bên ngoài như nào, phải mãi sau này, ông mới được xem qua truyền hình, đài báo… vì lúc đó đang làm nhiệm vụ canh giữ Sở Cảnh sát Bắc Việt. Nhưng không khí xung quanh vô cùng rộn ràng, hân hoan khiến trong lòng ông cũng như có nhạc vang lên. “Sáng 10/10, quân ta vào, Hà Nội bừng lên, sôi sục”, ông nói.

70 năm vẹn nguyên niềm hạnh phúc ảnh 8

Nhớ lại những giây phút hào hùng của dân tộc, đại tá Dương Niết xúc động bày tỏ: “Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Khát vọng tự do của dân tộc, của người dân đã hoàn toàn trở thành hiện thực. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn. 70 năm trôi qua, cứ đến ngày này, nhất là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ để họ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”.

TIN LIÊN QUAN
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.
Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), sáng 20/12, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.
Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng
(Ngày Nay) - Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào bức tranh thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo nên sức bật vươn xa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.