Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*)

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*)

Một sáng trời thu, chút se lạnh len vào căn phòng tầng hai nằm trên phố Yết Kiêu, nơi bà Nghiêm Thúy Băng gắn bó từ ngày Thủ đô giải phóng. Không khí trong lành của mùa thu giúp bà như bừng lại những thương yêu lắng đọng về người bạn đời - nhạc sĩ Văn Cao.

________________

“Các cô gái Hà Nội đều thích mùa thu cả”, bà Thúy Băng nói. “Hà Nội mùa hè thì nắng gay gắt quá, còn cái độ vào thu, đất trời trở nên dịu dàng và đẹp lắm...”. Cũng chính vì yêu thích bài hát về mùa thu mà trong lòng cô tiểu thư Hà thành Nghiêm Thúy Băng (sinh năm 1930) của Nhà in Rạng Đông đã lưu giữ khôn nguôi hình ảnh của chàng nhạc sĩ tài hoa dù chưa một lần gặp mặt. Để rồi sau đó, cả hai đã nên duyên, thành vợ thành chồng. Chàng nhạc sĩ đó chính là cố nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, chiến sĩ biệt động ái quốc Văn Cao (1923-1995).

“Trước đây mẹ tôi sinh hoạt trong đội “thiếu nữ tiền phong” cùng với bà Đặng Bích Hà, vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng đầu tiên của Việt Nam dạy các bà hát những bài cách mạng. Các bà còn hát cả những ca khúc của bố tôi như: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Suối mơ”, “Buồn tàn thu”... những giai điệu lời ca khiến mẹ tôi cảm thấy vô cùng xúc động, nên đem lòng cảm mến chàng nhạc sĩ Văn Cao”, họa sĩ Nguyễn Nghiêm Thành, con trai thứ của vợ chồng nhạc sĩ Thúy Băng - Văn Cao kể lại.

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 1

Và rồi họ đã sống dưới một mái nhà tới 47 mùa thu, kể từ cuối năm 1946 cho đến mùa hạ năm 1995, khi nhạc sĩ Văn Cao rời cõi tạm.

Nói đến những món ngon Hà Nội, bà Nghiêm Thúy Băng kể, ngày trước bà thích món thịt bò sốt vang, ưng cả món chả cá, bánh rán, bánh giò, bánh tôm, bún thang. Bà còn nhớ cả những hàng quán san sát nép bên nhau ở phố Gầm Cầu. “Còn ông ấy thì chỉ thích nhất đồ ăn chay”, bà kể cả nhà cũng thường đặt cỗ chay về.

Họa sĩ Nghiêm Thành, người con trai duy nhất bám trụ lại tại Hà Nội cùng nhạc sĩ Văn Cao những ngày bà Băng cùng các con đi sơ tán cho hay, bố ông nấu rất giỏi. Và món bà Băng nhớ nhất là món nem: “Ông cứ gói chục cái nem rồi gọi bạn bè đến. Tôi không có nhiều bạn, ông ấy thì có nhiều. Tôi thích ngồi kế bên nghe ông Văn Cao cùng Nguyễn Tuân và Bùi Xuân Phái bàn luận về chuyện đời”. (Nhà văn Nguyễn Tuân 1910 - 1987, họa sĩ Bùi Xuân Phái 1920 -1988)

Những lần gặp gỡ bè bạn ấy khi thì diễn ra ở nhà ông bà, khi thì ở quán cà phê Lâm số 60 Nguyễn Hữu Huân, một trong những quán cà phê cổ nhất Hà Nội, nơi giao lưu của giới trí thức và nghệ thuật bấy giờ, và cũng có khi nhạc sĩ Văn Cao lại đưa bà ghé hồ Tây thăm nhà bằng hữu.

***

Mùa sen tháng Sáu, nước Tây Hồ như bừng tỉnh bởi mùi hương thanh mát. Những ngày còn khỏe, ông bà vẫn thường đi thăm bạn ở hồ Tây, đi thuyền vào đầm sen rồi xem ướp trà. Bà kể, người ta chèo thuyền ra đầm, bỏ trà vào trong bông sen rồi buộc túm các cánh hoa, hoặc lấy lá sen bọc bên ngoài bông sen và buộc lại. Qua đêm, trà sẽ thấm đẫm hương sen, rồi sáng sớm hôm sau hái về dùng.

Bà Băng thích uống trà, thích ngắm hoa sen, thích những gì an yên và bình lặng. Tất cả những gì yêu nhất bà đều được trải qua cùng với chồng mình. Khi nhắc đến Hồ Tây - nơi hẹn chốn cũ, ánh mắt bà trở nên long lanh như mặt hồ dưới ánh nắng hè.

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 2

Nhìn bức hình bà chụp thuở tứ tuần vẫn đầy nét thanh xuân đài các của người con gái Hà Nội, chúng tôi hỏi đùa rằng có phải bà Băng có nhiều người theo đuổi lắm không. Bà chỉ lắc đầu cười mỉm, bảo rằng bà đã kết hôn và đi cùng ông từ rất sớm. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, cô tiểu thư “đi theo cụ Hồ”, cùng chồng lên Việt Bắc, gia nhập vào đời sống kháng chiến chống Pháp. Suốt 8 năm gian khổ, bà cất đi những tà áo dài, những bộ quần áo đẹp, và khoác lên mình bộ quần áo cánh nâu nhuộm lá chàm ở Việt Bắc. Tình yêu dành cho đất nước, dành cho chồng con đã giúp bà có nghị lực để gan góc, vượt qua tất cả mọi gian khó. Bà tin vào định mệnh, tin đó là sứ mệnh mà cuộc đời dành trao.

Nhưng dù có gặp khó khăn cơ cực đến cỡ nào, người phụ nữ Hà Nội vẫn không đánh mất đi nét thanh lịch Tràng An. Điều này đến tận bây giờ, ở tuổi 95, vẫn còn lưu lại trên gương mặt, ánh mắt bà. Bà bảo, hai vợ chồng bà chẳng ai đóng “vai dữ” trong việc nuôi dạy con: “Hai chúng tôi không ai to tiếng hết. Ông ấy từ khi lấy tôi đến giờ là toàn nói nhỏ, không nói to, không quát mắng con, hiền.”

Giữa những ngày dằng dặc.

Chỉ còn khuôn mặt em

Sáng trong và bình lặng...”

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 3

Những vần thơ đầy ắp tình cảm ấy nhạc sĩ Văn Cao đã viết riêng cho bà Thúy Băng. Ông còn viết nhạc, vẽ chân dung bà. Hình ảnh bà thời trẻ khoác bộ áo dài hồng với mái tóc đen nhánh, gương mặt an yên là bức ảnh được công chúng biết đến nhiều nhất. Một phiên bản đen trắng (ảnh chụp ép plastic) của bức tranh này giờ cũng đang được đặt ngay đầu giường trong buồng ngủ của bà. Bà Thúy Băng có ba bức chân dung Văn Cao vẽ bà mà gia đình đang khóa kỹ trong hòm, vì sợ “người ta thích quá mà đòi mua mất”.

Ông Nghiêm Thành nói: “Cũng sẽ đến một ngày gia đình công khai những bức tranh thôi, nhưng giờ chưa phải lúc. Phải khi nào kỹ thuật lưu giữ và bảo quản tranh đạt đến mức độ hoàn thiện, bao gồm hệ thống máy hút ẩm hay chiếu sáng tại nơi trưng bày, đảm bảo chất lượng tranh, thì gia đình mới có thể tính đến chuyện ấy được.”

***

Sau ngày Thủ đô Giải phóng, bà trở về sống cùng ông và các con tại căn hộ ở tầng hai phố Yết Kiêu, và gắn bó với ngôi nhà ấy suốt 70 năm nay. Hai vợ chồng có với nhau 5 người con, 12 người cháu và 10 người chắt. Cũng có người theo âm nhạc, người theo hội họa, bà Thúy Băng và chồng luôn để con cháu tự do lựa chọn và sống theo đam mê của mình.

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 4

Ở cùng và chăm sóc bà hiện nay là vợ chồng họa sĩ Nghiêm Thành - Ngọc Mai và cậu cháu trai Đào Phan. “Khi em ra đời thì ông bà cũng già rồi. Ông mất khi em mới 5 tuổi, còn bà thì ở bên em từ thơ ấu đến giờ”, Phan kể. “Ký ức về ông thì em có nhưng không nhiều. Mà hình ảnh khắc sâu nhất là những khi bà dắt tay ông ra sân ngắm cảnh. Nhìn hai ông bà đứng cạnh nhau tình cảm lắm ạ”, cậu cười.

Hà Nội giờ đã muôn phần thay đổi, kể cả phố cổ cũng dần mang nét hiện đại, không còn giữ được cái kiểu nguyên sơ như ban đầu. Nếp sống, chợ búa cũng chẳng như trước. Nhưng bà Băng và căn nhà ấy dường như vẫn giữ nguyên dáng vẻ của một thời đã xa.

***

Từ người lạ thành người thân, rồi thành người nhà, thành người bầu bạn, bà Thúy Băng đã nấu ăn cho Văn Cao, người đến trong đời bà gần 50 năm và những thương yêu vẫn lắng đọng mãi thêm 30 năm sau khi nhạc sĩ rời cõi tạm.

Bà nhớ những lúc mình nấu cơm khi ông đói, chăm khi ông ốm đau, ngồi kề bên khi ông vẽ: “Ông ấy hay vẽ tranh, tôi ngồi bên cạnh, ông ấy thiếu màu gì thì tôi lấy cho màu đấy. Ông nhà tôi thích vẽ tranh chân dung lắm, ông ấy vẽ cho cả cà phê Lâm nữa”. Bất kể ngày hay đêm, cứ có cảm hứng là ông lại ngồi sáng tác. “Ông không thích ồn ào, người sáng tác họ không có thích xô bồ đâu, lắm lúc chỉ muốn ở một mình. Mà tôi cũng vậy”.

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 5

Bà cũng là một người sáng tác, bà cũng làm thơ. Mùa đông năm 2002, bảy năm sau ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, bài thơ “Tìm anh trong giấc mơ” ra đời, kể về nỗi lòng nhung nhớ của người vợ:

Mùa đông dài và lạnh

Lòng em buồn vô tận

Anh ra đi lâu rồi

Không ngoái lại tìm em…”

***

Bà nhìn vào khoảng xanh xa xăm bên ngoài cửa sổ: “Cách đây hai năm, tôi vẫn còn niềm yêu thích với mọi thứ xung quanh đấy chứ, từ những điều nhỏ nhặt, những cuộc chuyện trò, những phút lặng yên. Nhưng kể từ khi bị gãy chân, phải nhờ con cháu cõng mới có thể di chuyển, chân tôi đến giờ vẫn đau, và tôi cảm thấy mọi niềm vui bỗng trở nên rất nhạt nhòa...”.

Bà hướng ánh mắt nhìn lên kệ sách, nơi lưu giữ những hình ảnh xưa, những tờ bằng khen, những bức tượng tạc, áng văn thiên hạ viết cho ông. Rồi tới cây đàn piano cũ, nơi nhạc sĩ Văn Cao và con gái lần đầu đàn lên những nốt của bài “Mùa xuân đầu tiên” cho bà nghe, chính vào Tết năm 1976, mùa xuân đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất.

Hình như, bà lại nhớ người bạn muôn năm cũ của mình.

Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (*) ảnh 6

Bao nhiêu điều đã từng hiện hữu rồi tan biến theo dòng chảy thời gian. Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Trên đài, tiếng hát của Amee vang lên thật khẽ:

Đợi anh mà xuân hạ thu đông cũng tàn

Lại thêm mùa xuân, mùa xuân nữa đã sang

Ước muốn được gặp nhau chẳng biết đến bao giờ

Để em cứ mãi một mình trong bao giấc mơ…”.

_________________

* “Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân” là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được lên sóng từ ngày 7/1/2021 với tiêu chí “mang âm nhạc chữa lành tâm hồn”, cũng là tên bài hát của nữ ca sĩ trẻ Amee (2000).

Ảnh: Kondou

TIN LIÊN QUAN
Cận cảnh vị trí nơi trước đây từng tồn tại 02 bức tường ngăn cách lối đi riêng giữa hộ gia đình ông Cường và bà Loan.
Người dân “gặp khó” khi thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền?
(Ngày Nay) - Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của UBND phường Kim Mã, đó là phục hồi nguyên trạng bức tường ngăn cách giữa hai hộ đã bị hàng xóm phá sập trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Nguyễn Phi Cường đã bị hàng xóm ngăn cản, chửi bới, thậm chí đe doạ tính mạng. Chính quyền địa phương dù đã nắm được sự việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để…
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Ảnh: 123rf
Tỉ lệ phụ nữ Hàn Quốc chọn sống độc thân ngày càng cao
(Ngày Nay) - Ở bất cứ đâu, việc tìm kiếm một nửa để đồng hành suốt cuộc đời đều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, giới trẻ Hàn Quốc lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi những tiêu chuẩn về một người bạn đời lý tưởng ngày càng cao, trong khi cơ hội để gặp gỡ và tìm hiểu nhau lại khá hạn chế.