Hà Nội ngày mới của lịch sử

Hà Nội ngày mới của lịch sử

Hà Nội, vùng đất kinh thành có lịch sử 1.000 năm, nằm trong nhóm khoảng 30 thành phố Thủ đô lâu đời, có nền văn hoá phong phú với sự ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Pháp, có nền kiến trúc đô thị hơn trăm tuổi, có nền ẩm thực tinh hoa và tao nhã. Sau 70 năm giải phóng, thành phố ngày nay là nơi phát triển mạnh mẽ những mô hình kinh tế mới, cũng là nơi hoà quyện các giá trị hiện đại và truyền thống, mang lại niềm tự hào cho những người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, cho người dân đất Việt và rất nhiều người nước ngoài có dịp ghé thăm, làm việc và phải lòng cuộc sống nơi đây.

______________

Câu chuyện về Hà Nội có lẽ bắt đầu từ năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long với khát vọng về một vận nước bền lâu, một quốc gia thịnh vượng. Cột mốc đáng lưu ý là năm 1831, khi vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, lập Hà Nội (vùng đất “phía trong sông”) trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam. Trải qua những biến cố lịch sử thời Pháp thuộc, thành phố Hà Nội được thành lập năm 1888 với ranh giới phía Bắc là hồ Trúc Bạch, phía Nam là khu nhượng địa Đồn Thuỷ (Bảo tàng Lịch sử - Phạm Ngũ Lão ngày nay), phía Tây là thành Hà Nội và Văn Miếu.

Hà Nội lúc đó có diện tích 945ha với dân số khoảng 100.000 người. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội trải qua 4 lần thay đổi địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008. Quy mô Hà Nội ngày càng lớn mạnh phát triển, diện tích 3.359,82 km² theo thống kê năm 2020; đến tháng 12/2022, dân số trung bình ước tính của Hà Nội là khoảng 8,4 triệu người.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 1

Hà Nội, trải qua rất nhiều thay đổi theo dòng lịch sử, vẫn là nơi giao thương trên bến dưới thuyền, ngày nay vẫn là nơi các doanh nghiệp logistics hoạt động vô cùng tích cực. Các phố nghề với tên bắt đầu bằng chữ Hàng, là nơi trước đây tập trung bán các sản phẩm được đặt tên cho phố, và đến ngày nay vẫn là nơi tập trung các cụm cửa hàng, cửa hiệu trong một ngành, “buôn có bạn, bán có phường”. Phố cổ là nơi phần lớn hoạt động của những người dân diễn ra hàng ngày, cũng là nơi các dân chơi phố cổ ăn uống khó tính chọn hàng này chứ không phải hàng bên cạnh.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 2
Ảnh: Nguyễn Viết

Khu phố cổ Hà Nội hình thành từ thời Lý Trần - dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ tụ tập, tạo thành khu phố buôn bán đông đúc bậc nhất kinh thành; đến thời Lê, dần có một số Hoa Kiều buôn bán, hình thành nên các khu phố Tàu; đến thời Pháp thuộc, người Ấn người Pháp đến đây buôn bán, cho đến nay vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất, tuyến phố đi bộ đầu tiên cũng được mở ở đây.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 3

Martin Rama, một chuyên gia nước ngoài đã sống và làm việc tại Hà Nội nhiều năm đã say mê viết về cuộc sống quyến rũ trên vỉa hè của phố cổ Hà Nội. Nơi có những hàng ăn cực kỳ tươi ngon có phần tinh tế hơn cả những nhà hàng sang trọng dù biết vệ sinh hàng quán không phải trong điều kiện hoàn hảo. Đây cũng là nơi đô thị phát triển giống Barcelona – một trong các thành phố sống động nhất trái đất, nơi chú trọng bản chất thành phố là nơi sống vui, thay vì giống Singapore, vốn đi theo hướng giao thông hiệu quả, vỉa hè sạch bóng và lạng lùng. Ông cảm thán: “Còn có thể ở đâu khác ngoài Hà Nội, người ta mới thấy một ông già lịch lãm với chòm râu kiểu truyền thống đang tỉ mỉ chăm sóc con chó xù mới tắm của mình bằng cái máy sấy tóc màu hồng?”.

Trong số những người sinh ra ở Hà Nội, hình ảnh người con gái phố cổ biểu tượng cho sự chỉn chu, chăm lo thu vén bữa cơm, cuộc sống trong gia đình nhưng lại thanh lịch, trang nhã ngoài đường phố, có giọng nói đặc trưng mà các vùng miền đều thấy nhẹ nhàng, dịu dàng mà tròn vành, rõ tiếng, nhất là khi Hà Nội ngày càng có nhiều cộng đồng dân cư từ khắp các miền đất nước về đây sinh sống, học tập, làm việc.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 4

Hà Nội cũng rất nghệ sĩ. Tiếng dương cầm xưa được nghe trong căn nhà Hà Nội đổ bị đánh bom trong những năm 1972, dương cầm giờ chắc được nghe nhiều hơn trong các căn chung cư. Người dân chơi đàn măng-đô-lin để đón “lớp lớp đoàn quân tiến về”, những người lính của Tiểu đoàn 308, Trung đoàn Thủ đô tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954; đây cũng là một nhạc cụ ở sâu trong ký ức hồi bé, khi bố tôi lôi ra chơi bên cạnh guitar mỗi khi khu tập thể mất điện.

Ẩm thực Hà Nội rất tuyệt. Nói đến Hà Nội không thể không nhắc đến phở Hà Nội, từ tiếng Việt đã được sử dụng nguyên văn trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Lúc này tôi nhớ đến hàng phở Thìn đầu tiên mở ở Bờ Hồ những năm 1952-1953, cao điểm có 6 cửa hàng ở Đinh Tiên Hoàng, Lê Văn Hưu, Hàng Tre, Hàn Thuyên, Cầu Giấy, Lê Trực. Thời gian qua đi, giờ chỉ còn lại 3 cửa hàng nhưng hương vị qua bao nhiêu năm không thay đổi, và cũng không bao giờ quá đông.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 5

Tôi có anh bạn đồng nghiệp người Tây Ban Nha. Mỗi lần anh ấy đến Việt Nam công tác, tôi lại đón anh ấy ở Khách sạn Metropole và rủ anh đến ăn ở một hàng phở khác nhau. Sau nhiều lần ăn phở, anh ấy không khen hàng phở nào cả nhưng lại khen tôi yêu Hà Nội. Và sau này qua kênh khác, tôi biết thêm là anh ấy phàn nàn với vợ là lúc nào tôi cũng đón anh ấy đúng giờ quá (không phù hợp văn hoá của họ là giờ giấc cao su!).

Trong 70 năm gần đây, Hà Nội chuyển mình qua nhiều giai đoạn kiến thiết phát triển. Khởi đầu là những năm sau giải phóng thủ đô, giai đoạn 1955-1965 được đánh giá đã có những thành công nhất định trong việc tạo ra một bộ mặt kiến trúc đặc trưng với nhiều công trình đáng chú ý. Hội trường Ba Đình (cũ), trụ sở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Học viện Thuỷ lợi Điện lực (nay là Đại học Thuỷ lợi)… được thiết kế bởi một số kiến trúc sư tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ trước năm 1945 và các kiến trúc sư được đào tạo trong nước hoặc trở về từ các nước XHCN. Đây là giai đoạn Hà Nội rất khó khăn, khả năng tiếp cận kỹ thuật và vật liệu xây dựng hiện đại còn hạn chế, vẫn còn chiến tranh, nguồn lực tài chính eo hẹp, nhưng các kiến trúc sư đã nỗ lực tìm tòi bản sắc riêng cho giai đoạn này.

Hà Nội ngày mới của lịch sử ảnh 6

Hà Nội cũng là nơi có nhiều khu tập thể nhất cả nước. Được xây dựng trong khoảng thời gian đầu thập niên 1960 đến đầu thập niên 1990, khoảng hơn 1.500 khu tập thể được tổ chức theo hình mẫu của một số nước trên thế giới với kiến trúc phản ánh xu hướng của các nước XHCN thời kỳ đó. Quy hoạch không gian các khu tập thể lúc này tương đối tốt về không gian cây xanh, sinh hoạt công cộng, mật độ xây dựng thấp, nhất là đảm bảo khoảng cách giữa các dãy nhà đủ lớn (có phần tốt hơn một số khu chung cư được xây dựng trong thời gian gần đây), thuận lợi cho việc thông gió và chiếu sáng. Trong giai đoạn này, mô hình xây dựng các nhà tập thể đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của Hà Nội trong thời kỳ lịch sử nhất định.

Hà Nội là nơi có nhiều hình thái kiến trúc khác nhau, Beau Arts, Xô viết, các công trình ảnh hưởng thời phong kiến, thời gian gần đây là các công trình hiện đại. Đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong hai lần đến Hà Nội nhân dịp APEC 2017 và gặp Chủ tịch Cộng hoà DCND Triều Tiên năm 2019 đã đăng video và ảnh chụp trên trang Facebook và Instagram hình ảnh cây cầu Nhật Tân biểu tượng 5 cửa ô Hà Nội được thắp sáng rực rỡ.

Hà Nội nổi tiếng với mùa thu, nổi tiếng với những giá trị xuyên thời gian về văn hoá, ẩm thực, con người, chợ hoa Tết, cụ đồ viết câu đối, mâm cúng gia tiên, luộc bánh chưng ngày Tết, thả cá chép… Hà Nội ngày nay cũng là nơi diễn ra các hoạt động mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ đô cũng có kế hoạch lồng ghép chuyển đổi kép (số và xanh) nhằm đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội song song với việc đẩy mạnh phát triển bền vững.

Hơn bao giờ hết, Hà Nội luôn đầy ắp những chi tiết tiêu biểu, ẩn dụ cho đất nước Việt Nam hoà hợp giữa hiện đại và truyền thống. Nhiều người đã nghe và xem câu chuyện cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và cố nhà phê bình ẩm thực Anthony Bourdain ăn bún chả Hà Nội, nhưng chắc ít người để ý việc họ cùng đến thăm một khu chợ ở Hà Nội ở đó, Tổng thống Obama đã nói: khu chợ truyền thống này gợi lại tuổi thơ và rất giống nơi ông (Obama) sinh ra và lớn lên.

Và Hà Nội luôn đáng yêu, đáng trân trọng mỗi sớm mai thức dậy, trong từng ngày mới của lịch sử!

Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân là chủ thể “Cuộc cách mạng lúa gạo” ở Đồng bằng sông Cửu Long
(Ngày Nay) - Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và xác định người dân phải là chủ thể trong triển khai Đề án.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thông tin tại cuộc thi Trường học không ma túy dành cho sinh viên các trường đại học, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Độ tuổi sử dụng ma túy ở Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa
(Ngày Nay) - Thông tin ngày 15/10 từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), trong 10 tháng đầu năm 2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện "ngáo đá", gây ra phạm pháp hình sự, trong đó có 4 vụ giết người. Đáng lo ngại, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa.
Tiết mục múa “Duyên đá” do Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang biểu diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024
(Ngày Nay) - Sau 15 ngày tranh tài sôi nổi tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 (đợt 2) đã chính thức khép lại vào tối 15/10, ghi nhận những thành công đáng kể trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Buổi lễ bế mạc có sự tham dự của đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và đông đảo nghệ sĩ, khán giả.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Marburg.
Chủ động giám sát, phát hiện và kiểm soát bệnh do virus Marburg
(Ngày Nay) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 10/10, tại Rwanda (một quốc gia ở Đông Phi) đã có 58 ca mắc bệnh do virus Marburg, trong đó có 13 trường hợp tử vong, đáng nói có đến 70% số ca mắc là nhân viên y tế. Bệnh do virus Marburg gây ra được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm với khả năng lây truyền cũng như tỷ lệ tử vong cao có thể lên tới 88%.
Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
(Ngày Nay) - Sáng 15/10, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh, nguy hiểm tính mạng do uống loại nước được truyền bá có khả năng chữa bách bệnh.
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
(Ngày Nay) - Thông thường, các bảo tàng, các khu di tích đều có bán vé vào cửa để du khách tham quan. Thế nhưng tại An Giang, hiện có 8 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo được mở cửa miễn phí cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất này.