Cấm thuốc lá điện tử, bóng cười từ hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười... Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thuốc lá điện tử, bóng cười đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Bóng cười - quả bóng bơm khí N2O đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Bóng cười - quả bóng bơm khí N2O đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Chính thức cấm thuốc lá điện tử, bóng cười

Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15, với nội dung cấm toàn diện việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và bóng cười từ ngày 1/1/2025.

Theo Nghị quyết này, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Trong lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung:

Triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị quyết 99/2023/QH15; Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế; Chấn chỉnh, xử lý các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và cơ quan liên quan cũng được yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Kinh doanh bóng cười có thể bị xử lý hình sự

Kể từ ngày 1/1/2025, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vi phạm các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và bóng cười đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cụ thể:

Xử phạt hành chính: Bộ Y tế đã đề xuất các hình thức xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Bắt buộc tham gia chương trình cai nghiện thuốc lá điện tử nếu vi phạm.

Đối với công chức, viên chức, hành vi vi phạm sẽ được thông báo đến cơ quan quản lý để xử lý nghiêm.

Xử lý hình sự: Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, hành vi liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa Nhà nước cấm có thể bị xử lý như sau:

Mức phạt tiền và phạt tù cơ bản: Phạt tiền từ 100.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với giá trị hàng hóa vi phạm từ 100.000.000 đến dưới 300.000.000 đồng, hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đến dưới 200.000.000 đồng.

Trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn:

Phạt tiền từ 1.000.000.000 đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 đến 10 năm đối với hành vi có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, hoặc giá trị hàng hóa từ 300.000.000 đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng: Phạt tù từ 8 đến 15 năm nếu giá trị hàng hóa vi phạm từ 500.000.000 đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên.

Việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện ngập và tác hại lâu dài. Lệnh cấm không chỉ hạn chế việc sử dụng mà còn giúp giảm thiểu các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội. Quyết định này được đông đảo nhân dân hoan nghênh, là bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bóng cười vốn được biết đến như một "trò vui" thu hút nhiều người tìm đến để trải nghiệm cảm giác hưng phấn và sảng khoái. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng bóng cười lại là điều không thể xem nhẹ.

Bóng cười được sử dụng phổ biến tại các quán bar, vũ trường, quán cà phê, thậm chí là tại các quán vỉa hè. Loại sản phẩm này thường được bán trong các buổi tụ tập đông người, đặc biệt là với giới trẻ. Tuy nhiên, những tác hại nguy hiểm của bóng cười đã được các chuyên gia y tế cảnh báo từ lâu.

Được biết, việc lạm dụng bóng cười có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe như: Bệnh nhân nhẹ có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời.
TIN LIÊN QUAN
Các điều tra viên thuộc Cơ quan chống tham nhũng nhà nước Hàn Quốc tiến vào tư dinh Tổng thống bị luận tội để thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol, tại Seoul, ngày 3/1/2025. Ảnh: YONHAP.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.