Xuân về tản mạn & ước ao ngoài khung cửa

Xuân về tản mạn & ước ao ngoài khung cửa

Bước ra ngoài khung cửa ngôi nhà thân thuộc là một thế giới rộng lớn hơn. Nhưng với nhiều người con xa xứ, mỗi dịp Xuân về là lúc ta lại nghĩ suy, ước ao những điều bình dị...

__________________

1. Tôi rời Hà Nội đến Jakarta – Thủ đô của Indonesia - vào lúc đất nước đông dân nhất Đông Nam Á đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh COVID-19, với số ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Lúc ấy, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, lọ xịt khử khuẩn, bộ xét nghiệm nhanh...là những thứ không thể thiếu bên mình. Mỗi sáng mở báo online đọc, một điều ao ước là các con số tử vong, nhiễm bệnh biến mất. Một thời gian sau, chính quyền tuyên bố thành phố vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và số ca mắc mới giảm mạnh; các giường bệnh có lúc xuống mức “0” bệnh nhân COVID-19. Cuộc sống dần trở lại bình thường với hình ảnh, âm thanh đặc sắc của thành phố hơn 10 triệu dân: tắc đường và những người dân nghèo cần mẫn dẹp đường, đổi lại một chút tiền lẻ cảm ơn được những người lái xe tự nguyện đưa; tiếng kinh cầu cùng các tín đồ thành kính xếp hàng vào Thánh đường; những khu mall (trung tâm mua sắm) sôi động, rộng mênh mông và ngập tràn hàng hóa... Đi qua “vực thẳm” mới thấy sự sống hồi sinh đáng quý nhường nào.

Xuân về tản mạn & ước ao ngoài khung cửa ảnh 1

Cuối năm, đúng vào lúc các ca F0 ở Hà Nội tăng nhanh, cha tôi ở nhà phải nhập viện mổ. Bình thường, chỉ mất 3 – 7 giờ bay, tôi có thể trở về nhà thăm và chăm sóc cha. Nhưng COVID-19 quái ác khiến đường về nhà không chỉ của tôi mà còn của bao bà con xa xứ trở nên xa xôi cách trở. Khi Xuân về trên mọi nẻo đường, tôi và biết bao người Việt ở nước ngoài có lẽ đều ước ao dịch bệnh qua nhanh, các chuyến bay được nối lại ngày càng nhiều và người thân ở nhà được bình an, khỏe mạnh. Tôi nhớ nao lòng hình ảnh cha mẹ – giờ đã xấp xỉ tuổi 80 – quyến luyến, bịn rịn bên ngoài khung cửa chia tay con cháu tới xứ người. Mỗi năm qua đi, thời gian bên chúng tôi của cha mẹ lại ngắn thêm. Vậy mà: Xuân này, đại gia đình chưa thể đoàn tụ, quây quần bên nhau.

2. Với người xa xứ, ẩm thực là bài test về sự tương tác, thích ứng của mỗi người. Tôi không gặp vấn đề lớn về ăn uống ở Thủ đô “xứ sở vạn đảo” này, ngoại trừ việc đôi lúc vẫn chưa quen với đồ ăn truyền thống “cay nồng và mặn... quá tay”. Các loại thực phẩm ở Jakarta khá phong phú, nhiều loại rau quả, gia vị giống Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy trong các khu chợ địa phương hoặc siêu thị như: gạo (lương thực chính của người Indonesia), bánh tráng, hành, tỏi, gừng, nghệ, ớt, tiêu, sả, nước cốt dừa... Là nước đông người Hồi giáo nhất thế giới nhưng thịt lợn vẫn được bán công khai ở siêu thị và trong các khu chợ vắng người Hồi giáo. Đấy là điều không thể có ở những nước Hồi giáo nghiêm ngặt. Đi chợ địa phương, chợ người gốc Hoa với “cẩm nang” các từ về thịt lợn (samcan: ba chỉ, pork loin: thịt thăn, bahu: thịt vai...), người Việt không lo thiếu thành phần chính trong nhiều món ngon ngày Tết như: thịt ba chỉ cho bánh chưng, nem cuốn, thịt kho tàu, giò thủ, giò lụa...Tuy nhiên, rất khó để tìm thấy bánh phở tươi, bánh đa nem cho món cuốn, măng khô, lá tía tô… nên mọi người thường phải chờ “tiếp viện” từ Việt Nam.

Nếu không muốn vào bếp, có thể ra ngoài thưởng thức các loại phở bò, gà, tái gầu – nạm... (giá trung bình trên 60.000 rupiah/bát, hơn 95.000 đồng) và đồ ăn, coffe Việt ở chuỗi cửa hàng “Phở 24” và “Saigon Delight” có mặt tại nhiều khu mall nổi tiếng Jakarta như: Grand Indonesia, Ciputra World, Kota Kasablanka , The Bellagio Mall...; bánh mỳ Việt cũng đã xuất hiện trong siêu thị Grand Lucky ở trung tâm thành phố. Nhân viên các nhà hàng ở Jakarta rất chân thật, sòng phẳng, thường trả lại khách tiền thừa không thiếu 1 xu.

Dù trải nghiệm nhiều đặc sản địa phương, vào dịp Tết, tôi vẫn ước được thưởng thức lại một bát phở do cha tôi nấu ngày mùng Một Tết. Ông là người xứ Nghệ - vốn “chặt to, kho mặn” nhưng lại biết nấu phở xứ Bắc, đặc biệt là nước dùng đậm đà và vị thơm lừng của thảo quả, hồi, quế, đinh hương...không thể nào quên. Có lẽ, cha tôi học nấu từ khi quen mẹ tôi – một người con gái sinh ra ở Hà Nội, chỉ quen với vị phở giữ hồn đất Thăng Long. Khi ra ngoài khung cửa ngôi nhà thân thuộc, tôi mới thấy bát phở cha nấu mới chính là món ăn “ngon nhất thế gian”.

Xuân về tản mạn & ước ao ngoài khung cửa ảnh 2

3. Ở “xứ sở vạn đảo”, có rất nhiều dịp lễ, tết của các tộc người khác nhau, theo tín ngưỡng khác nhau. Sôi động nhất là 4 dịp Tết gồm: Tết dương lịch của tất cả mọi người vào ngày 1/1; Tết Âm lịch của người Indonesia gốc Hoa trùng với Tết nguyên đán của người Việt; Tết Depavali của người Indonesia gốc Ấn, theo đạo Hindu và Tết Idul Fitri – dịp Tết lớn nhất, nghỉ dài nhất của người theo đạo Hồi. Với cộng đồng người Việt tại đây, tất nhiên Tết nguyên đán cổ truyền – cũng là một trong những dịp lễ quốc gia của Indonesia - được đón đợi nhất.

Chị Hạnh – một người bạn của tôi có sở thích nấu ăn, từng sống nhiều năm ở châu Âu và hiện ở Jakarta – chia sẻ: “So với châu Âu, cuộc sống tại đây có phần dễ chịu, thân thuộc hơn vì hai nước có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, phong tục; con người thật thà, thân thiện; đặc biệt dù ở xứ Hồi giáo vẫn có thể chế biến các món ăn Việt dễ dàng. Đây là năm đầu tiên ở đây nên tôi khá háo hức, muốn chuẩn bị cho một cái Tết đậm chất Việt, đủ đầy và ấm cúng”.

Các khu chợ của người gốc Hoa ở Glodok và Petak Sembilan (Tây Jakarta), Kota Tua (phố cổ), Kelapa Gading (Bắc Jakarta)… là địa chỉ chúng tôi đến không chỉ để mua sắm mà còn tìm lại không khí rộn ràng những ngày giáp Tết. Người Hoa ăn Tết năm mới như người Việt nên tại các khu chợ này có thể tìm thấy đủ loại thực phẩm, hàng hóa, các món đồ cần thiết cho ngày Tết từ lư hương, nhang trầm, phong bao mừng tuổi cho tới quất cảnh, lá dong, gạo nếp, măng tươi, quế… Trong các khu chợ, ngập tràn sắc đỏ - sắc màu tượng trưng sự may mắn –từ các đèn lồng và đồ trang trí nhà cửa. Tôi muốn đưa lũ trẻ nhà mình tới đây, để chúng không quên không khí Tết.

So với châu Âu, cuộc sống tại đây có phần dễ chịu, thân thuộc hơn vì hai nước có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, phong tục; con người thật thà, thân thiện; đặc biệt dù ở xứ Hồi giáo vẫn có thể chế biến các món ăn Việt dễ dàng. Đây là năm đầu tiên ở đây nên tôi khá háo hức, muốn chuẩn bị cho một cái Tết đậm chất Việt, đủ đầy và ấm cúng”.

Chị Hạnh

Tuy vậy, khó có thể tìm về không khí những chợ hoa ngày Tết với sắc đào, mai tự nhiên; các loại hoa tươi, đẹp như ở Việt Nam. Ở Jakarta, phải tìm mua những nhành đào giả, hoặc kiếm cành khô và tự làm hoa giấy. Tôi rất nhớ những chiều cuối năm ở Hà Nội, qua các chợ hoa Quảng An, Nhật Tân, Hoàng Hoa Thám, Hàng Lược…để chọn một cành đào thật đẹp biếu cha mẹ. Cũng có lúc lấy cớ mua đào, đến chợ hoa chỉ để ngắm muôn hoa khoe sắc, hít hà mùi thơm của hoa trộn trong không khí se se lạnh; hay để được đi dưới cơn mưa bụi nhè nhẹ, lòng bỗng dâng trào cảm xúc trước hình ảnh những chàng trai cô gái nắm tay nhau đi giữa “rừng hoa”. Ở Indonesia, hình ảnh này hiếm gặp do đất nước nằm ở phía bắc qua đường xích đạo, khí hậu quanh năm khá nóng.

Mấy năm nay vì dịch COVID-19, các gia đình người Việt sinh sống ở các hòn đảo khác nhau ở “xứ sở vạn đảo” ít có cơ hội đi thăm, chúc Tết nhau trực tiếp, thay vào đó là những buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến. Cộng đồng chỉ vài trăm người nên có lẽ nỗi nhớ quê hương thêm da diết. Vì không lệch múi giờ, năm nay, gia đình nhỏ của tôi lại đón giao thừa trực tuyến cùng “đại gia đình” bố mẹ, anh chị, người thân, bè bạn ở Việt Nam. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên và mâm cúng giao thừa; cha tôi luôn ăn mặc thật đẹp, ra khỏi nhà trước 12 giờ đêm Giao thừa và trở về xông đất cùng nhành lộc trên tay, không quên lì xì cho con cháu. Hình ảnh thân thuộc ấy, giờ đây lại là niềm ao ước hiện hữu nơi đây của tôi. Mượn lời một bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến, Xuân xa xứ bên ngoài khung cửa quen thuộc, tôi muốn trải lòng rằng, dù cho thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.

Bài: Thùy Dương

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.