Từ năm 2021, công tác chuyển đổi số được Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan nhà nước của thành phố đặc biệt quan tâm triển khai.
Mặc dù từ năm 2022 đến nay chưa có các văn bản quy phạm về chuyển đổi số, nhưng ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố.
Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố. Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận đến 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, thứ nhất, Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Thứ hai, các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Thứ ba, bên cạnh việc ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố đã hoàn thành trong quý I/2023 (Quyết định số 2223/QĐ-UBND), quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử thành phố,…
Thứ tư, về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến cả thành phố (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).
Thứ năm, Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn thành phố đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Thứ sáu, về phát triển dữ liệu, năm 2023, thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của thành phố (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.
Thứ bảy, các cở sở dữ liệu của các ngành được giao các ngành triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, như: CSDL doanh nghiệp, CSDL đất đai, CSDL cán bộ công chức,…
Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ nhưng với quyết tâm chính trị của TP. Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.