Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 1
Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 2

Châu thường được nhắc đến với thành tích là cô gái Việt dưới 30 tuổi đầu tiên được mời tham dự cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, nhưng đó chưa phải là tất cả...

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 3

Năm 2008, Nguyễn Huyền Châu thuộc nhóm những sinh viên năng động nhất khóa đầu tiên ngành Thương mại tại cơ sở Hà Nội của Đại học RMIT Việt Nam. Trong quá trình học hành, Châu từng giành giải Thủ lĩnh sinh viên của RMIT Việt Nam. Sau đó, Châu và đội của mình từng lọt vào nhóm 10 đội xuất sắc nhất cuộc thi Lập Kế hoạch kinh doanh của Đại học RMIT tại Melbourne năm 2011.

Năm 2011, Châu mạo hiểm sáng lập một câu lạc nhảy Hip Hop Jazz, đặt tên là 808 (tên chiếc trống điện tử đầu tiên trên thế giới) để làm nơi giao lưu, trau dồi kỹ năng giao tiếp cho các bạn trẻ, đồng thời cũng như tạo việc làm cho các vũ công. Mô hình của câu lạc bộ 808 đã đặt nền tảng đầu tiên cũng như ý tưởng quan trọng cho Huyền Châu về doanh nghiệp xã hội - những công ty hoạt động với mục tiêu chủ yếu là phát triển con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không đặt nặng lợi nhuận.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 4

Châu nói rằng, không điều gì giúp mỗi người khám phá bản thân tốt hơn là dám đương đầu thử thách. Một cô bé từng vô cùng nhút nhát khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông đã quyết định thay đổi bản thân bằng cách tham gia tình nguyện ở các lĩnh vực khác nhau như làm tình nguyện viên tổ chức tình nguyện vì hòa bình Việt Nam, tổ chức tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã...

Sau khi ra trường, Nguyễn Huyền Châu “bôn ba” qua đủ nghề, từ công việc dính dáng đến bất động sản, rồi tài chính, rồi vận hành thư viện nghệ thuật… Mỗi công việc dạy Châu những kinh nghiệm khác nhau để thực hiện các dự án sau này.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 5

Tháng 9/2013, Châu thử nộp đơn xin tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ và may mắn trở thành một trong 50 người trẻ được chọn lựa. “Mình nộp đơn hú họa không ngờ được chọn, đó là một trong những chuyến đi giúp mình mở mang đầu óc và quyết tâm sáng tạo, theo đuổi đam mê khi về nước” – Châu cười.

Giữa năm 2013, trong một chuyến dã ngoại ở bản Phiêng Cành (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La), Châu và những người bạn tình cờ chứng kiến cảnh những cậu bé cô bé người Mông phải bỏ học vì… rơi rụng tiếng Kinh. “Trẻ con Mông chỉ có cơ hội học tiếng Kinh từ 3-5 tuổi, lên 6 tuổi phải vào học luôn chương trình tiếng Kinh, có thể đó là lý do khiến trẻ em bỏ học nhiều vì tiếng Kinh ít ỏi, khó theo học. Chưa kể cô giáo miền núi ngoài người Kinh có cả người Tày, người Dao… ngôn ngữ hạn chế. Trường mẫu giáo của trẻ em lúc đó mượn tạm ở cấp 1, 56 em học chen chúc trong 30 m2 xập xệ, điều kiện ánh sáng không có. Khó theo học, làng ấy có mấy đứa 9 tuổi bỏ học nghĩ chuyện lấy chồng…”.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 6

Châu quyết định lên ý tưởng làm dự án “Xây trường cho em” dù ban đầu “sợ lắm, tiền làm gì có...”. Nhưng không thể khoanh tay đứng nhìn, cả nhóm quyết tâm làm dự án. Hồi đó, facebook đã khá “xôm xôm”, Châu và các bạn đánh liều kêu gọi hỗ trợ vốn trên facebook. “Nhóm có 3 đứa, đứa làm tài chính, đứa làm kiến trúc, đứa chuyên bảo hiểm… Mỗi đứa một ý tưởng, bạn học Kiến trúc lên ý tưởng xây dựng, đi hỏi nhà thầu, rồi chúng mình tham khảo ý kiến lãnh đạo địa phương… Sau khi có kế hoạch, chúng mình đưa ngân sách lên Facebook, không ngờ được mọi người ủng hộ nhiệt tình, chỉ sau tháng rưỡi là đủ kinh phí xây với số tiền được ủng hộ hơn 270 triệu đồng” – Châu kể.

Dự án đã nhận được nhiều hỗ trợ của cộng đồng và hoàn thiện vào tháng 11/2013, sớm hơn dự kiến ban đầu 2 tháng. Điểm trường đã giúp hơn 40 trẻ em tại Phiêng Cành có cơ hội đến trường.

Dự án vừa kết thúc, Nguyễn Huyền Châu và các bạn lại bắt tay vào xây một điểm trường thứ hai ở Lũng Hồ, Hà Giang trong năm 2014. Biết việc rồi nên 3 đứa lại “hò” nhau cố gắng giúp dân nghèo, lần thứ hai vất vả hơn nhiều, kinh phí xây trường đội lên 400 triệu đồng vì gạch, xi măng, công người làm… đắt hơn ở Mộc Châu, Sơn La.  “Chúng mình vẫn theo công thức cũ, lên kế hoạch, minh bạch tài chính và kêu gọi hỗ trợ trên Facebook” – Châu kể lại.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 7
Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 8

Dự án thứ ba khó khăn hơn với con số ngất ngưởng gần 2 tỷ đồng, đó là xây dựng HTX dệt lanh cho phụ nữ Lùng Tám, Hà Giang. Cơ duyên đến với dự án này rất tình cờ. Trong khi đang thực hiện dự án xây trường tại Lũng Hồ, Hà Giang, Châu tình cờ dừng chân tại Lùng Tám và có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm dệt lanh Lùng Tám, cũng như nghe về quá trình 16 năm vất vả hình thành và phát triển hợp tác xã tại đây, Châu quyết định làm gì đó để giúp người dân có thêm cơ hội được lựa chọn công việc mưu sinh.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 9

Châu bảo, sau khi xây 2 điểm trường, người dân vẫn tiếp tục luẩn quẩn với những vấn đề khác như: văn hóa gia đình, chính sách khuyến học, hay đôi lúc chỉ đơn giản là cái mái nhà dột cũng gọi tới kêu giúp. Việc xây trường không mang lại hiệu quả thực sự mà Châu mong muốn. Châu muốn mang cơ hội cho người dân lựa chọn, phát triển.

Với Châu, giàu có không đong đếm bằng tiền, mà mỗi người có ít hay nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống. “Mình sẽ không trao vật chất hay tiền bạc cho họ, mà muốn mang đến cho họ thêm sự lựa chọn. Họ có thể làm nông, có thể đi học đại học, hoặc ở làng dệt vải lanh kiếm sống… Sau khi họ biết cách kiếm sống, họ sẽ bắt đầu cuộc sống bền vững hơn” – Châu chia sẻ thành thật. Tâm huyết với suy nghĩ ấy, có những ngày 5-6h sáng Châu lỉnh kỉnh hành lý lên đường đi Lùng Tám, chẳng ngại đường xá xa xôi, hiểm trở.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 10

Châu muốn làm phát triển cộng đồng, khi nhắc tới “phát triển cộng đồng”, Châu nghĩ đến một quá trình dài hạn, do chính cộng đồng đó tự phát triển, với sự hỗ trợ về mặt kỹ năng và thông tin sau khi được nghiên cứu cẩn thận. “Cho cần câu còn hơn là cho con cá”, mình nghĩ, muốn trao cho người dân nghèo cần câu hay con cá, hay một cái gì khác, cách tốt nhất nên khuyến khích và hướng dẫn cho cộng đồng tự chọn” – Châu nói.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 11

Cứ sau mỗi một dự án, bao giờ Nguyễn Huyền Châu cũng dừng bước, nhìn lại những gì mình đã làm. Châu muốn xem mình muốn gì, mình cần phải điều chỉnh gì để cuộc sống quay vòng đúng như mình muốn. Với Châu, cuộc sống của người phụ nữ ổn định không nên là yên vị với một kế hoạch cuộc đời đã định sẵn, vì sự ổn định này quá phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Ổn định nên nằm ở khả năng của bản thân, có thể tự tin với môi trường và biến cố trong cuộc sống.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 12

Càng nhiều dự án, Châu càng muốn sắp xếp lại cuộc sống sao cho nhịp sống chậm lại. “Mình làm mảng văn hóa, đòi hỏi tư duy, nghiên cứu chậm lại để hiểu sâu hơn, kỹ hơn về những giá trị văn hóa” - Châu bảo, sau rất nhiều những trải nghiệm dày theo thời gian, được gặp gỡ nhiều chuyên gia, nhận ra mình thích mảng văn hóa nhất, bằng chứng cụ thể nhất của văn hóa là bảo tàng, bảo vật… Châu hay dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm lĩnh vực kiến trúc, muốn dành nhiều thời gian cho những lĩnh vực mình thích.

Hơn 30 tuổi, Châu là một phụ nữ độc thân cởi mở và nhiều đam mê, trong đầu Châu dường như lúc nào cũng đầy ắp dự định, hoài bão. Là phụ nữ, ai chẳng muốn có một mái ấm nhỏ cho riêng mình, nhưng Châu còn bận với nhiều dự án phía trước. Với Châu, tài sản của phụ nữ không nhất thiết phải đong đếm bằng chồng con, địa vị xã hội. Tài sản của Châu là những sản phẩm hiện hữu đầy ý nghĩa như trường học, HTX dệt lanh, là những mối quan hệ tốt đẹp với những chuyên gia, đối tác tốt bụng… trên mỗi hành trình làm dự án phát triển cộng đồng.

Giàu có không đếm bằng tiền mà là ít hay nhiều lựa chọn để sống ảnh 13
TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).