Bản Phùng mùa lúa chín

 Không chỉ có hoa tam giác mạch, đến với Hà Giang, chúng ta còn được biết vô vàn cảnh sắc đẹp đẽ như là những món quà quý giá của tạo hóa. Nằm nơi lưng chừng núi, những bản làng xinh xắn ẩn hiện trong mây trắng bốn mùa. Trong đó, xã Bản Phùng thuộc huyện Hoàng Su Phì là một trong những điểm đến hết sức thú vị.

Một bản làng với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và giàu có về bản sắc văn hóa luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời, nhất là vào mùa nước đổ đến mùa lúa chín.

Bản Phùng là một xã nằm gần biên giới, thuộc địa phận huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, có diện tích 17,04 km². Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang, du khách phải men theo một con đèo nhỏ dài gần 30km vắt ngang núi mới đến được trung tâm xã. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nơi này được đặt tên là Bản Phùng.

“Phùng” có nghĩa là gặp gỡ. Phải chăng, đây chính là nơi gặp gỡ giữa đất trời, gặp gỡ giữa cảnh sắc thiên nhiên và lòng người, gặp gỡ giữa một bản làng yên bình, nên thơ của những người dân hiếu khách với những du khách đến tự phương xa.

Bản Phùng mùa lúa chín ảnh 1

Những ngôi nhà ẩn hiện trong mây ở Bản Phùng.

Bức tranh của non nước, mây trời

Đến với Bản Phùng, ta không khỏi ngỡ ngàng trước một bức tranh diễm lệ của thiên nhiên, nơi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trong cái ngút ngàn xanh của rừng núi hoang sơ.

Từ tháng 6 đến tháng 7 dương lịch là mùa nước đổ khiến các thửa ruộng bậc thang loang loáng như tấm gương khổng lồ, lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Những ruộng nước long lanh len lỏi giữa mây, ôm ấp từng triền núi mơ màng. Nước đổ đến đâu, bà con lại tranh thủ cấy cày đến đó. Màu xanh của lúa dần thay thế ánh bạc của nước làm cho khung cảnh như một bức tranh đầy màu sắc.

Đến khoảng tháng 10, khi mùa lúa chín, cả bản làng lại như bồng bềnh trôi giữa một biển vàng, màu của những vụ mùa no ấm. Những bông lúa nặng trĩu, hạt lúa tròn mẩy, óng ánh vàng trong cái hơi may xao xác của mùa thu làm dịu lòng bất cứ ai đặt chân tới đây. Không có những thung lũng rộng như Cao Phạ hay Mường Hoa, ruộng bậc thang ở Bản Phùng nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng.

Cùng với Bản Luốc, đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam. Những thửa ruộng trải dài xung quanh các sườn núi, xen kẽ giữa những dòng sông, khe suối và những cánh rừng xanh mát. Nhìn từ trên cao xuống, nó có vẻ đẹp vừa hùng vĩ, tráng lệ, vừa tinh tế, mộng mơ. Mạnh mẽ như những con sóng biển lớp lớp cuộn trào, dâng lên cùng mây khói cao nguyên, lại mềm mại như những nét  cong của người con gái độ xuân thì.

Bản Phùng mùa lúa chín ảnh 2

Nhà sàn của người La Chí.

Không dày đặc mây như ở Ngải Thầu (Lào Cai) hay Tà Xùa (Sơn La) khiến dân phượt đi săn mây thích thú ngụp lặn trong biển gió mây lồng lộng mà mây ở Bản Phùng lãng đãng như tấm khăn voan huyền ảo của tự nhiên trùm phủ lên những ngọn núi, làm cho Bản Phùng dịu dàng như một giai nhân e ấp, yêu kiều. Những mái nhà điểm xuyết giữa các tầng tầng lớp lớp ruộng nương, mang đến cảm giác bình yên và khát khao được dừng chân nghỉ lại của ai đã  trót qua đây.

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như trong tranh, chẳng biết có tự bao giờ. Chỉ biết, nó đã hiện hữu giữa đất trời và cuộc đời như một minh chứng cho thành quả khai hoang bao nhiêu đời nay của bà con các dân tộc trên mảnh đất này. Nó trở thành hồn sống, thành báu vật, được bà con trân trọng, giữ gìn. Ruộng bậc thang, không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu của cộng đồng các dân tộc.

Nghề dệt của người La Chí

Ở Bản Phùng, cư dân chủ yếu là người La Chí. Họ sống gắn liền với nền văn minh lúa nước và luôn có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hằng năm, người La Chí thường tổ chức các lễ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, họ rất có ý thức giữ gìn nghề dệt truyền thống, một nét đẹp tạo nên dấu ấn riêng của người La Chí trong cuộc sống hôm nay.

Vào cuối tháng 10, khi mùa màng đã xong, những người phụ nữ La Chí lại chuẩn bị bắt tay dệt những bộ quần áo truyền thống. Họ xe bông thành những thỏi dài khoảng 30cm, sau đó xe thành sợi để dệt. Những sợi vải trắng sau khi dệt xong sẽ được nhúng chàm để tạo màu và được phơi trên những chiếc sào tre bên hiên nhà.

Tương truyền chính ông tổ của người La Chí là Hoàng Vần Thùng đã truyền lại nghề dệt cho con cháu. Hầu hết phụ nữ La Chí đều biết dệt vải, họ không mua vải từ các dân tộc khác về may bộ quần áo của mình. Họ cũng không dùng tới máy khâu. Từ nhỏ họ đã được dạy rằng nếu không tự may được một bộ quần áo sẽ chẳng lấy được chồng, tay nghề dệt được coi như thước đo đánh giá phẩm chất của phụ nữ La Chí. Những bộ váy áo được làm tỉ mỉ, chỉn chu, màu sắc giản dị như chính con người nơi đây. Chính điều đó đã tạo thành bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện quan niệm thẩm mĩ của người La Chí.

Dù giờ đây, nhiều loại trang phục của miền xuôi đã được bày bán ở chợ trung tâm xã nhưng người La Chí vẫn luôn trân trọng trang phục truyền thống của mình. Họ vẫn mặc quần áo tự may trong cuộc sống thường ngày hay khi đi lễ hội với niềm tự hào, hãnh diện. Mỗi sợi vải, mỗi đường kim, mũi chỉ không chỉ là công sức lao động miệt mài, cần mẫn, khéo léo của người phụ nữ mà còn chất chứa những tình cảm sâu nặng của họ dành cho mảnh đất quê hương.

Bản Phùng mùa lúa chín ảnh 3

Chị Lùng Thị Úng, người Xã Bản Phùng, đang xe tơ.

Với niềm hạnh phúc giản dị ấy, chị Lùng Thị Úng cho biết: “Người phụ nữ La Chí chúng tôi phải biết dệt vải tự may quần áo. Trẻ con cũng được dạy từ bé để lớn lên tự biết làm quần áo của mình”. Các em bé, ngoài giờ học trên lớp cũng được các bà, các mẹ dạy cách dệt vải. Có em đã tự thêu được chiếc mũ xinh xắn để chuẩn bị đón mùa đông lạnh giá trên vùng cao nguyên này. Vào buổi tối, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, từ già tới trẻ, quay sợi, dệt vải, thêu thùa. Từng đường kim thêu run run của những cô bé vừa mới học thêu ánh lên sắc màu hạnh phúc.

Nhìn mọi người rộn ràng trong mùa dệt vải, mỗi người một việc, có những công đoạn phải cần đến sức của nhiều người, mới biết để làm ra một mảnh vải, một bộ váy áo không hề đơn giản. Nó hẳn phải là sự đúc kết của nhiều đời, với đóng góp công sức của cả một cộng đồng đoàn kết và tràn đầy yêu thương.

Đặc trưng lễ hội truyền thống

Không chỉ có nghề dệt truyền thống đặc sắc, vào mùa lúa chín, lễ cúng cơm mới ở nơi đây cũng là một nét văn hóa thú vị. Mùa gặt trên Bản Phùng cũng là dịp đồng bào La Chí chuẩn bị cho tết mừng lúa mới. Mọi nhà, người chuẩn bị làm cốm, người chuẩn bị rượu hoẵng và các sản vật truyền thống để mời thấy cúng đến cúng lễ, cầu mong cho một năm gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Trong những ngày sắp làm lễ cơm mới, người phụ nữ được ví như “mẹ lúa” nên phải dậy từ rất sớm để đi ngắt lúa. Họ quan niệm rằng những bông lúa đầu tiên có ý nghĩa rất thiêng liêng vì đây là nghi lễ rước hồn lúa về nhà, gia đình sẽ được thuận lợi may mắn. Nghi thức này làm ta liên tưởng đến việc muốn pha một ấm trà sen ngon, người ta đã phải dậy từ tinh mơ để hứng những giọt sương ban sơ, tinh khiết đọng lại trong những bông sen e ấp thoang thoảng mùi hương. Và để có một món ngon nào, ta cũng phải cầu kì. Nghệ thuật ẩm thực nơi đâu cũng thế. Với món cốm ở Bản Phùng cũng không ngoại lệ.

Để làm ra một mẻ cốm, những người phụ nữ phải trải qua nhiều công đoạn làm lúa. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế để cho ra một loại cốm thơm ngon nhất dâng cúng tổ tiên. Cụ thể là 6 công đoạn: hái lúa, tách hạt, sàng lọc, rang, giã, sàng sảy. Lúa nếp được chọn là loại chín vừa phải, hạt nếp non quá cốm sẽ mềm, khó chế biến và tách vỏ, nếp già quá, khi giã sẽ bị vụn. Những hạt lúa trên bông khi hái về sẽ tách bỏ để lấy phần hạt, sau đó sàng sảy, đãi bỏ hạt lép trước khi đưa vào rang.

Bản Phùng mùa lúa chín ảnh 4

Các em bé ở Bản Phùng đang học thêu và dệt vải.

Khi rang, lớp vỏ trấu trở nên khô và giòn, dễ dàng bong ra trong quá trình giã. Nếu rang chưa đủ thời gian nếp dẻo, lớp vỏ chưa khô sẽ dính nên khó tách vỏ. Nếu rang quá lâu, hạt nếp quá chín sẽ khô, gãy, vỡ khi giã, làm giảm độ ngọt, khiến cốm có mùi và màu kém hấp dẫn. Hạt nếp sau khi giã được sàng đãi vỏ xong là ăn được. Cốm được gói lá chuối để giữ hương vị thơm và ngon  lâu hơn.

Khi những người phụ nữ làm món cốm xong thì các món ăn truyền thống của đồng bào La Chí cũng được những người đàn ông mang lên. Tất cả được bày lên mâm để chờ thấy cúng đến và hành lễ. Chỉ khi nào đã làm xong lễ cúng mừng cơm mới, người dân trong bản mới được ăn cơm gạo mới, nếu chưa làm thì chưa ai được ăn.

Đặc biệt, trong lễ mừng cơm mới phải có cơm nếp, cơm tẻ nấu từ gạo vừa được gặt ở ruộng, nương về. Bên cạnh đó, củ gừng cũng là thứ không thể thiếu trong mâm lễ. Bởi theo quan niệm của người La Chí, củ gừng được coi như là vật nối liền giữa âm và dương nên nó là vật không thể thiếu được trong bất cứ lễ cúng nào của người La Chí.

Ngoài việc chuẩn bị các món ăn, đồng bào dân tộc còn tổ chức các trò chơi dân gian làm cho không khí ngày tết thêm phần sôi động. Đây cũng là những hoạt động cộng đồng đặc sắc của người La Chí, vừa tô thêm vẻ đẹp của núi rừng, của ruộng bậc thang, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đến Bản Phùng, một miền cao nguyên trù phú, tươi đẹp và mến khách, mọi người, nhất là các nhiếp ảnh gia sẽ không thể cưỡng nổi với cảnh sắc nơi đây. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Lục (hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam) chia sẻ: “Tôi đã đến Bản Phùng lần thứ hai. May mắn cho Hà Giang lại có bản đẹp như vậy, đẹp một cách mộc mạc nhưng lại rất thơ. Tôi nghĩ sẽ đến đây nữa mặc dù đã cao tuổi rồi”.

Như thế, cùng với rất nhiều địa danh nổi tiếng khác của Hà Giang, Bản Phùng là một điểm đến hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho mọi người. Không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên diễm lệ mà chúng ta còn được hòa vào không gian văn hóa đặc trưng, tạo nên dấu ấn riêng có của người dân tộc La Chí trên mảnh đất cao nguyên.

Theo An ninh Thế giới
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.