Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đào Mạnh Huân khẳng định, Hàm Tử là một địa danh cổ, nay thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Địa danh Hàm Tử gắn liền với chiến công oai hùng của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông (năm 1285). Cùng với các chiến công ở Chương Dương, Tây Kết, chiến thắng Hàm Tử mang tính quyết định, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của đế chế Nguyên - Mông.
Trong các cuộc chiến tranh giữ nước thời Hồ, hậu Trần, tại Hàm Tử quan, nhiều trận chiến khốc liệt đã diễn ra, thể hiện bản lĩnh và ý chí kiên cường của người dân nước ta trước quân xâm lược phương Bắc. Địa danh Hàm Tử tự hào và thiêng liêng đã đi vào sử sách, văn chương như một bản anh hùng ca bất diệt. Vùng đất lịch sử này, trong nhiều thế kỷ qua luôn biểu hiện đời sống tín ngưỡng, tâm linh tưởng nhớ, ghi ơn các vị tiền bối tiên liệt đã anh dũng ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến chiến thắng Hàm Tử trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 (năm 1285) và chiến trường Hàm Tử trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; những đóng góp của nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII; Tây Kết trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam thời trung đại; phát huy giá trị di tích lịch sử -văn hóa của huyện Khoái Châu trong xã hội hiện nay…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, thắng lợi ở đồn A Lỗ (xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên ngày nay) và Tây Kết lần thứ nhất (chưa xác định rõ địa danh ngày nay) đã tạo điều kiện cho quân dân nhà Trần thực hiện chiến lược tấn công liên tục vào căn cứ quan trọng của giặc, làm nhụt khí thế của giặc và phá vỡ chỗ dựa của Thoát Hoan ở Thăng Long. Sau những thắng lợi trên, quân dân nhà Trần đã tiến quân đánh Hàm Tử quan (nay thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) do Trần Nhật Duật làm chỉ huy. Dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật, hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng bị phá vỡ hoàn toàn, từ đó tạo tiền đề quan trọng để quân dân nhà Trần tiến đánh và triệt hạ một loạt các đồn trại khác của giặc trên sông Hồng và tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2 (năm 1285) với những chiến công liên tục ở A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương… là những trận đánh mang tính quyết định đến sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Sau các trận đánh này, quân Nguyên -Mông vội vã rút lui khỏi thành Thăng Long và liên tục bị quân dân Đại Việt chặn đánh trên đường rút chạy. Nhiều tướng lĩnh đã bỏ xác trên chiến trường Đại Việt, bản thân Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới tránh được những mũi tên độc của dân binh trại Vĩnh Bình. Thắng lợi chung của toàn dân tộc có sự cống hiến to lớn về sức người, sức của của người dân lộ Khoái Châu (Hưng Yên).
Nguyên Viện trưởng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam Lê Đình Sỹ chia sẻ, thời bấy giờ, đồn Hàm Tử và Chương Dương là hai lá chắn bảo vệ phía Nam thành Thăng Long của giặc. Cuộc phản công của quân dân nhà Trần diễn ra hết sức mãnh liệt nên quân Mông - Nguyên không thể ứng cứu, vì thế các đồn trại của giặc bên sông Hồng nhanh chóng bị tiêu diệt. Lúc bấy giờ, Thượng tướng Trần Quang Khải đã có bài thơ nổi tiếng, trong đó có câu “Đoạt sáo Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan”, dịch nghĩa là “Bến Chương Dương cướp giáo giặc, Cửa Hàm Tử bắt quan thù” nói lên niềm tự hào với các chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần.
Theo Giám đốc Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Sen, xã Hàm Tử có những cánh đồng rộng lớn, đặc biệt là vườn nhãn với quy mô hàng trăm ha, góp phần tạo nên vẻ đẹp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, địa bàn xã có Di tích cấp Quốc gia đền Hàm tử và lễ hội đền diễn ra từ ngày 5 - 7/2 (âm lịch). Đây là những điều kiện thuận lợi để kết nối địa danh Hàm Tử với các điểm di tích khác của huyện Khoái Châu và của tỉnh phục vụ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh.