Bãi rác khổng lồ nằm lộ thiên
Được người dân phản ánh, chúng tôi băng đường đất gập ghềnh tìm đến bãi rác tập trung tại núi Xã Thô để “mục sở thị”. Dọc hai bên con đường đất dẫn vào bãi rác có cả trăm ha canh tác lúa, thanh long và khoảng 20 hộ dân sinh sống. Khi đặt chân đến nơi, chúng tôi đã bị ngạt thở bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác khổng lồ với hàng ngàn tấn rác thải đủ loại. Theo phản ánh của những hộ dân sinh sống xung quanh thì vào mùa nắng những túi nilon từ bãi rác bị gió thổi sẽ bay khắp ruộng. Mùa mưa mùi hôi thối, ruồi nhặng đen kịt, nước thải rò rỉ từ bãi rác làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất của những hộ sống gần bãi rác.
Nhà cách khoảng vài trăm mét, gia đình bà Huỳnh Thị Ba đang hứng chịu sự ô nhiễm nặng nề từ bãi rác gây nên. Bà Ba bức xúc nói: “Không riêng nhà tôi, mấy chục hộ dân sống gần đây đều khổ vì bãi rác. Những ngày nắng nóng, họ đốt rác càng đáng sợ, đốt cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần rác được đốt những cột khói cao ngút, khói đen xám cả một vùng trời. Mùi khét lẹt từ đám cháy được gió đưa đến những thôn lân cận như thôn Lâm Giang (Hàm Trí), thôn 3 (thị trấn Ma Lâm) và thôn 4 (xã Hồng Sơn)”. Nói về bãi rác tập trung, lãnh đạo UBND xã Hàm Trí cho biết: “Địa phương có biết tình trạng ô nhiễm bãi rác, mùa mưa gió ngược nên mùi hôi rất khó chịu, khi đó rác được tiến hành phun hóa chất khử mùi…”.
Khốn khổ vì ô nhiễm, khói độc
Từ ngày bãi rác được hình thành và lượng rác được tập kết lớn nhưng không được xử lý chôn lấp theo thiết kế mà chỉ được xử lý thô sơ đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một vấn đề gây bức xúc đối với bà con có đất hoa màu sản xuất quanh khu vực bãi rác là nguồn nước tưới tiêu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu trước đây nguồn nước tưới chủ yếu được lấy từ ao hồ đào ngay tại vườn thì nay phải lấy nước cách vườn vài cây số nên việc sản sản xuất khó khăn, tốn kém.
Bà Huỳnh Thị Ba than phiền: Ngày trước đào ao, đào giếng ở đây dự trữ tưới quanh năm, mạch nước nhỉ trong vắt không đâu bằng. Vậy mà từ ngày có bãi rác nước đục ngầu, không dám tưới thanh long, tôi phải đặt ống kéo nước về tưới để duy trì sản xuất”. Bà Ba nhẩm tính, với chừng 3 ha thanh long, mỗi năm ngốn thêm chi phí sản xuất lên đến hơn 30 triệu đồng. Vì vậy, nhiều lần tập thể hơn 16 hộ dân đã viết đơn khiếu nại trình các cơ quan chức năng về tình hình ô nhiễm và những khó khăn đối với việc sản xuất từ khi bãi rác hình thành, vận hành không đúng như thiết kế ban đầu khi thực hiện thu hồi đất đầu tư bãi rác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục, tình trạng ô nhiễm của bãi rác ngày càng trầm trọng hơn.
Khói từ việc đốt rác cũng là một vấn nạn bức xúc, theo lời một vài người dân ở đây việc đốt rác thủ công thường xuyên diễn ra. Một người dân xin giấu tên bức xúc: “Cứ vào mùa thanh long trổ bông là ruồi nhặng bâu kín bông cộng thêm khói đốt làm cho cây thanh long bị “điếc” không đậu quả. Khói đốt nhiều tới mức bám vào cây thanh long làm xám cả cây”. Thiết nghĩ chỉ với việc đốt rác lộ thiên và lượng khói được thả vào môi trường về lâu dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như sức khỏe hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh. Chưa kể đến việc lượng rác ngày một tăng thì vấn đề ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng. Đa số người dân quanh khu vực bãi rác họ lo lắng mạch nước ngầm có nguy cơ bị ảnh hưởng. Khi ấy, không chỉ là nước tưới cho diện tích thanh long, lúa mà những vườn thanh long ruộng lúa khu vực bãi rác còn tiếp tục duy trì được sản xuất?
Cơ quan chức năng nói gì?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công trình Bãi xử lý rác tập trung núi Xã Thô được khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ tháng 10/2012 và hoàn thành thời gian 360 ngày. Giai đoạn 2 được thi công từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2016 hoàn chỉnh đưa vào sử dụng, bàn giao cho Ban quản lý công trình công cộng huyện quản lý. Công trình do UBND huyện Hàm Thuận Bắc làm chủ đầu tư với tổng kinh phí đầu tư 14,8 tỷ đồng. Đây là nơi tập kết rác của 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi hiện rác chỉ đổ lộ thiên, không được xử lý nên mùi hôi thối phát tán, nước thải rò rỉ ra gây ô nhiễm cho các hộ dân sinh sống gần bãi rác kéo dài nhiều năm qua.
Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Mười – Giám đốc Ban quản lý công trình công cộng huyện để tìm hiểu lý do vì sao lại không xử lý rác bằng cách chôn mà lại “đốt lộ thiên” gây ô nhiễm, ông Mười phân trần: “Mỗi ngày gom rác gần cả huyện khoảng 12 chuyến xe với khối lượng hơn 100 m3 rác. Tuy nhiên, do thiết kế ban đầu chưa phù hợp nên khi rác được tập kết trên bờ không thể đưa xe ủi để san ủi rác xuống các hố để chôn lấp”. Cũng theo ông Mười, ban hiện có thuê người trông coi bãi rác, không cho các xe tư nhân mang rác vào bãi đổ. Ông Mười phủ nhận không có chủ trương cho đốt rác và giải thích việc đốt rác thường xuyên như phản ánh của người dân có thể do người nhặt rác thực hiện?!
Về giải pháp xử lý, ông Mười cho hay: “Ban quản lý dự tính chừng 1 tháng sẽ cho xe ủi rác tập kết trên bờ xuống hố và đưa đất chôn lấp. Đồng thời, đưa chế phẩm hóa học xịt khử mùi hôi”. Trao đổi thêm với ông Trần Ngọc Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, ông Hiền nói: “Chúng tôi sẽ trực tiếp thực địa để kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Về lâu dài địa phương tính đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác”.
Ngoài gây ô nhiễm môi trường với công nghệ đốt “thủ công” lộ thiên như hiện nay, bãi rác không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan bởi khung cảnh xung quanh ngọn núi Xã Thô rất đẹp đang bị “bứt tử” bởi mùi hôi, khói độc và nước thải rò rỉ từ bãi rác xuống ao hồ tưới tiêu của các hộ dân. Người dân đang mong mỏi chính quyền địa phương có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trên. Điều này đồng nghĩa việc tránh lãng phí đầu tư bãi rác tiền tỷ vẫn gây thêm ô nhiễm, bức xúc.
Theo Môi Trường và Cuộc Sống