Chịu trách nhiệm về hạn chế, yếu kém
Sau những sóng gió mà ngành giáo dục đã phải đối mặt trong năm 2018 như chất lượng GS, PGS, gian lận thi cử nghiệm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia, bạo lực học đường, độc quyền SGK lãng phí ngàn tỉ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông cũng như ngành giáo dục không né tránh mà luôn thẳng thắn nhìn nhận, chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.
Chia sẻ về quy định tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, Bộ trưởng GD-ĐT cho hay tháng 8-2018, quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ GD-ĐT xây dựng đã được Thủ tướng ban hành. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, với những yêu cầu cao hơn, chất lượng GS, PGS sẽ có nhiều cải thiện.
Về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, người đứng đầu Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong khâu ra đề thi, "lỗ hổng" ở quy trình chấm thi, quy trình bảo mật dẫn đến việc lợi dụng làm sai lệch kết quả. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, những lỗ hổng này sẽ được giải quyết căn bản với những giải pháp về kỹ thuật như bảo mật ở tất cả khâu của quá trình thi, đặc biệt là chấm thi. Việc xắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi cũng sẽ có nhiều thay đổi nhằm hạn chế tiêu cực.
Nói về đạo đức nhà báo, bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định tất cả các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí ra khỏi ngành.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, quan điểm của Bộ GD-ĐT là bảo vệ giáo viên có đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất đạo đức. Đồng thời, không chấp nhận cách hành xử phi giáo dục, phi đạo đức.
"Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần phân tích, nắm bắt những nguyên nhân gốc rễ, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, áp lực của giáo viên" - Bộ trưởng Nhạ cho hay. Ông cũng kỳ vọng đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" được ban hành tháng 10-2018, triển khai từ năm 2019, sẽ tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên.
Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 như bảo mật ở tất cả khâu của quá trình thi, đặc biệt là chấm thi - Ảnh: Hoàng Triều |
Về sự lãng phí trong độc quyền in và phát hành sách giáo khoa, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa, sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền. Bộ GD-ĐT cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để sử dụng sách giáo khoa tránh lãng phí.
Tăng động lực, giảm áp lực cho giáo viên
Nói thêm về những nhiệm vụ trọng tâm của 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng địnhngành giáo dục tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Từ đó tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong từng việc cụ thể.
"2019 là năm bản lề, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Vì vậy, ngành giáo dục sẽ tập trung cao độ cho việc thực hiện nhiệm vụ này"- người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ. Ông cũng bày tỏ mong muốn giảm áp lực cho giáo viên, tạo động lực cho họ yên tâm công tác bằng những việc làm cụ thể. Thực tế hiện nay giáo viên đang chịu áp lực rất lớn từ việc làm hồ sơ, sổ sách nặng nề cũng như từ các cuộc thi, hội thi, hoạt động thi đua mang tính hình thức. Áp lực còn đến từ chế độ chính sách về thu nhập, đãi ngộ, từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ của phụ huynh, của cán bộ quản lý, của xã hội…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng bên cạnh sự tôn trọng xứng đáng dành cho giáo viên, thu nhập giáo viên cần được cải thiện trong thời gian tới bằng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và của toàn xã hội.
Bộ GD-ĐT vừa rà soát, cắt giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên nhiều hơn nữa, trả lại cho giáo viên thời gian làm chuyên môn. Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết hoạt động thi đua trong mỗi nhà trường phải thực sự thiết thực và hiệu quả.
"Dành sự quan tâm cho giáo viên, tạo động lực cho họ chính là chúng ta đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.