Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) ghi nhận: Trong bối cảnh hết sức khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, được cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh tác động đến tâm trạng, khiến cử tri, Nhân dân băn khoăn lo lắng.
Chỉ rõ số liệu số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đây là thực tế đáng suy ngẫm. Theo đại biểu, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà. Từ đó, đại biểu kiến nghị có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giải quyết tình trạng thiếu lao động. Cùng với đó, cần có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện chưa được khắc phục triệt để, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, số lao động chưa qua đào tạo còn cao, lừa đảo công nghệ cao còn nhiều…. Đây là những vấn đề khiến cử tri, Nhân dân bức xúc, lo lắng.Đại biểu cho biết thêm, không chỉ người dân, cán bộ công chức, mà chính đại biểu cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại quảng cáo, làm phiền hay lừa đảo. Đánh giá cao việc thời gian qua các cơ quan chức năng đã có những biện pháp quyết liệt để xử lý, nhưng theo đại biểu, đến nay tình trạng này vẫn còn, nên cần quan tâm, có giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đánh giá cao việc Chính phủ đã thẳng thắn đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Đại biểu đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đưa ra để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn tác động của các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có tác động lớn đến các trụ cột tăng trưởng, đặc biệt đánh giá kỹ về công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật để triển khai Luật đất đai và một số luật liên quan đến thị trường bất động sản, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy luật thị trường, tháo gỡ các vướng mắc khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn và mất cân đối như hiện nay.
Về một số chỉ tiêu không đạt theo yêu cầu của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ đánh giá về các ngành chế biến sâu nông, thủy hải sản, khoáng sản theo như chủ trương hiện nay; đánh giá thêm về tình hình của khu vực kinh tế trong nước trong ngành chế biến chế tạo để có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Về 3 trụ cột tăng trưởng (Đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu), đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, Bộ ngành; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu Chính phủ…
Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, cần nới lỏng chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. |
Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, khép lại năm 2023, kinh tế tiếp tục ghi dấu ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, lạm phát được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 4/2024 tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm, qua đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và là lần cải thiện thứ 3 trong bốn tháng qua.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng theo giá nguyên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3, so với tháng 12/2023 tăng 1,19% và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...
Đại biểu cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa một số nước là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.