Cần Thơ thiệt hại 31 tỷ đồng do sạt lở bờ sông

Thành phố Cần Thơ xảy ra 9 điểm sạt lở bờ sông khiến 10 căn nhà sụp đổ, 37 căn khác bị ảnh hưởng buộc phải di dời. Quận Bình Thủy và Ô Môn bị thiệt nặng nề nhất.
Sạt lở bờ sông vào ngày 21/5, làm 7 căn nhà sụp hoàn toàn và hàng chục căn khác buộc phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Minh Anh.
Sạt lở bờ sông vào ngày 21/5, làm 7 căn nhà sụp hoàn toàn và hàng chục căn khác buộc phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Minh Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết toàn thành phố có 9 điểm đã xảy sạt lở bờ sông, gây sụp hoàn toàn 10 căn nhà, 37 căn khác bị ảnh hưởng. Thiệt hại do sạt lở gây ra là 31 tỷ đồng, nghiêm trọng nhất là tại quận Ô Môn liên tục xảy ra sạt lở. 5/7 phường của quận xảy ra sạt lở với tổng chiều dài gần 1,3 km.

Khu vực Thới Lợi (phường Thới An) xảy ra 3 lần sạt lở vào các ngày 7, 10 và 21/5 tại đầu Rạch Vàm, với chiều dài 75 m, lở sâu vào bờ 10 m, ảnh hưởng đến 34 căn nhà. Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam đang khảo sát địa chất, dòng chảy tại địa phương và người dân rất nóng lòng chờ công bố nguyên nhân.

“Hiện tượng sạt, lún tếp tục xảy ra tại các khu vực nói trên và có dấu hiệu ăn sâu vào bờ. Hiện, 22 hộ dân không còn nhà ở nên đề nghị UBND thành phố chỉ đạo bố trí chỗ ở cho người dân”, ông Sĩ nói.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu các cơ quan chức năng phải chấm dứt việc cấp phép xây dựng nhà cửa trên sông và sớm có đề án, lộ trình giải quyết dứt điểm vấn đề này. Nơi nào xảy ra tình trạng người dân cất nhà trên sông, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Cần Thơ thiệt hại 31 tỷ đồng do sạt lở bờ sông ảnh 1 
Hoạt động khai thác cát quá mức là một trong nhiều nguyên nhân khiến sạt lở ở ĐBSCL. Ảnh:Minh Anh.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), phân tích nguyên dân dẫn đến sạt lở là phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng ít.

Các hoạt động khai thác cát, mực nước ngầm gia tăng, công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều, giao thông thủy gia tăng và biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy… dẫn đến sạt lở. Mỗi năm, ĐBSCL mất từ 400 ha đến 500 ha đất ven sông và bờ biển, ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất, cư trú của người dân. 

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng cần phải xây dựng ngay các bản đồ cảnh báo sạt lở, giới hạn việc quy hoạch bố trí dân cư, khu công nghiệp và các công trình ven sông có nguy cơ sạt lở cao.

Ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, ngành xây dựng phải tính giải pháp hạn chế sử dụng cát trong công trình, trồng cây bảo vệ bờ sông để giữ đất ở những nơi bồi lắng...

Theo Zing.vn

Bình luận