Những ngày này, ở các tuyến kênh, sông lớn thuộc An Giang như kênh 5, cầu sắt 13 (huyện Châu Thành) kênh Đào (huyện Thoại Sơn), kênh Hòa Hảo (Chợ Mới) và tuyến kênh Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), hàng chục chiếc xuồng đậu san sát nhau hì hục cào, lựa hến. Theo người dân miền Tây, năm nay, hến về nhiều. Ngày nào thuyền đuôi tôm cũng lũ lượt chở người dọc các kênh mương để cào bới hến. Dụng cụ đánh bắt hến rất đơn giản, chỉ là cây sào dài 8m, đầu sào gắn liền với một bàn cào lưỡi sắt rộng 0,2m dài 0,5m và một cái vợt lưới sâu khoảng 1m.
Anh Trần Anh Tài, ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang), cho biết, hôm nào trúng, người cào kiếm được 4 - 5 giạ hến. Bình quân mỗi giạ cho 6 kg hến thịt, bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, cho thu nhập khá. Tại tuyến kênh Cái Dầu, huyện Châu Phú, khoảng 30km nối liền đến huyện Tri Tôn (An Giang), mỗi ngày có hàng trăm người suốt ngày bơi xuồng, chèo ghe thả dọc theo dòng sông để cào bắt gần 100 tấn/ngày. “Vậy mà món quà dân dã nầy không bao giờ cạn”, ông Sáu Hớn ở huyện Tri Tôn nói.
Trên một chiếc thuyền cào hến thường có 2 người. Phụ nữ sẽ nhặt và đãi hến. Còn người cầm sào thường là thanh niên, đàn ông có sức khỏe để kéo được lưới chứa đầy hến lên khỏi lòng sông. Mỗi lần nhấc lưới lên, số hến cào được thường 5 - 6 kg, có khi lên tới gần 10kg. Theo lời người dân, hến là sản vật được ban tặng cho miền Tây vào mùa lũ.
Ngoài cào hến bằng tay, một số người có điều kiện trang bị máy cào hến để thu hoạch được nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Thuyền, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang) đầu tư 2 chiếc cào máy, mỗi chiếc cào 35 - 40 giạ hến/ngày (1 giạ khoảng 20kg). Theo ông, cào bằng máy cho sản lượng gấp 4 - 6 lần bằng tay. Sau đó, người ta sẽ sàng qua một lượt để loại bỏ sỏi, đá vướng vào lưới hến.
Thông thường, những người dân hành nghề cào hến phần lớn là hộ nghèo ít đất ruộng. Nhưng năm nay hến có nhiều, nhờ đó những hộ này khá lên, có thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Anh Lương Văn Đủ, ở Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ nói, do hoàn cảnh gia đình nghèo nên tranh thủ cào hến trong mùa nước nổi. “Nước lên không làm ruộng được nên cào hến bán lấy tiền lo cho con cái ăn học”, anh Đủ tâm sự.
Các thành viên trong gia đình đều tham gia sơ chế hến vừa cào về từ sông, kênh. Công đoạn đầu tiên là sàng để loại bỏ sỏi, các vật thể cứng.
Sau đó, hến được rửa qua vài lần lước để loại bỏ bùn đất còn sót lại rồi đem luộc, để đãi lấy ruột.
Chị Cao Thị Ái Hà, sống bằng nghề cào hến gần 10 năm cho biết, hến cào lên được phân ra làm hai loai. Loại nhỏ bán cho người dân làm thức ăn cho vịt, loại lớn sẽ được cân cho các vựa luộc lấy thịt chở đi bán tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, có cả lái buôn ở Đà Lạt, TP.HCM xuống tận nơi thu mua. Theo chị Hà, hến mùa này mập và trắng, nên được tiêu thụ rất mạnh để bán vào nhà hàng chế biến thành nhiều món ăn đặc sản ở miền Tây. Theo y học cổ truyền, thịt hến có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu.
Ông Trần Văn Cải, một thương lái thu mua hến ở An Giang, Cần Thơ cho biết, mỗi chuyến, ông gom gần 10 tấn hến tươi rồi chở về Bến Tre, bán lại cho bạn hàng. Tiền lãi cho một chuyến đi như vậy khoảng 2 triệu đồng.