Thông tin hoàn toàn... có cơ sở
Trước hết phải nói ngay rằng, những lùm xùm quanh chất Salbutamol chính là việc, dù được liệt vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng vẫn được nhiều cơ sở chăn nuôi lén đưa vào thức ăn nhằm “thúc” gia súc, gia cầm tăng trọng lượng nhanh chóng. Chất này bị cấm, bởi Salbutamol là một loại hormon nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Vấn đề càng nóng khi chỉ một thời gian ngắn, trong quá trình thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt mẫu thực phẩm có dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc vượt quá mức cho phép hàng ngàn lần. Cùng với đó, nhiều chuyên án lớn cũng được xác lập và “bắt dính” nhiều đường dây chuyên cung cấp loại chất cấm này cho các cơ sở chăn nuôi.
Cùng với đó, theo nhiều chủ trang trại, chất cấm có chứa Salbutamol thậm chí được các thương lái tiếp thị trực tiếp với các chủ trang trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Hoàng T. – một chủ trang trại chăn nuôi ở Sơn Tây (Hà Nội) phản ánh, thương lái thường chào bán và đưa ra những con số hấp dẫn như: Chỉ cần chưa đến 1 kg Salbutamol có thể sử dụng cho 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Và, mỗi con lợn được người nuôi cho ăn chất này có thể đem đến lãi từ 500.000 - 1 triệu đồng. Đây là lý do mà không ít người chăn nuôi đã bất chấp lệnh cấm để… làm liều.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo: Lạm dụng sử dụng chất tạo nạc Salbutamol có thể gây tác động vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch. Bởi tính nguy hiểm như vậy, nên vào năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt đáng chú ý là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Nguồn cung Salbutamol được xác định thuộc về trách nhiệm của Bộ Y tế.
Tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 3/3/2016 ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thông tin rằng, hiện nay, Thanh tra nông nghiệp và C49 – Bộ Công an đã khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol. Số Salbutamol đang tồn tại ngoài thị trường là từ trước.
Nhiều trang trại đã lén đưa chất tạo nạc vào trong thức ăn gia súc.
Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng đặt câu hỏi là tại sao loại chất được liệt vào danh mục cấm và được quản lý vô cùng nghiêm nghặt lại vẫn có mặt trên thị trường?. Truyền thông đăng thông tin về việc có đến hàng tấn chất Salbutamol đang “trôi” trên thị trường. Sau khi tìm hiểu, PV thấy có sự không thống nhất về dữ liệu số lượng chất cấm Salbutamo được cho phép nhập khẩu vào Việt Nam từ các cơ quan khác nhau.
Cụ thể, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã làm việc với cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để làm rõ đường đi của chất cấm Salbutamol được các doanh nghiệp ngành y tế nhập khẩu về Việt Nam. Qua đó, từ năm 2014 - 2015 đã có khoảng hơn 9 tấn Salbutamol được các doanh nghiệp ngành y tế nhập khẩu. Hiện, ngành y tế mới chỉ sử dụng 10 kg, số còn lại trong kho các doanh nghiệp khoảng 3 tấn, 6 tấn còn lại được nhận định bị tiêu thụ ra thị trường và sử dụng ngoài mục đích dành cho cho y tế.
Về phía Tổng cục Hải quan, thông tin đơn vị này đưa ra lại khẳng định, số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2015 là 4,6 tấn (trị giá 330.000 USD). Ngoài ra, còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với số lượng tương đối lớn. Cụ thể, số lượng là 1,9 triệu bao, với trị giá 9,8 triệu USD.
Cục Quản lý Dược bác bỏ
Trước thông tin trên, PV đã liên lạc trực tiếp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép cho nhập chất Salbutamol vào Việt Nam, để xác nhận số lượng thực tế chất Salbutamol đã vào Việt Nam và được sử dụng như thế nào? Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược đã tránh trả lời trực tiếp những câu hỏi của PV đặt ra.
Cụ thể ông Đông một lần nữa khẳng định: Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol về để sản xuất thuốc thành phẩm trong nước và nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa Salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh. Và nguyên liệu Salbutamol, thuốc chứa Salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, và không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, ông Đông cũng trả lời rằng, từ năm 2015, ngay sau khi có thông tin về nguyên liệu Salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích nguyên liệu làm thuốc đặc biệt là Salbutamol. Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20/11/2015 thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi nội dung: Đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào khái niệm "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" (luật Dược 2005 quy định các thuốc phải kiểm soát đặc biệt chỉ bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ). Và nếu được thông qua đưa Salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng.
Một vụ bắt giữ thức ăn chăn nuôi được trộn lượng lớn chất Salbutamol.
Điều đáng nói, hồi âm từ Cục Quản lý Dược hoàn toàn không nhắc đến số liệu cụ thể về số lượng chất Salbutamol được nhập về Việt Nam và sử dụng như thế nào như câu hỏi PV đã đưa ra. PV cũng đã trực tiếp liên lạc với người phụ trách truyền thông của Cục về vấn đề này. Thông tin với PV, vị này cho biết: “Số liệu này (số lượng chất Salbutamol được phép nhập về Việt Nam - PV) cơ quan công an đang làm. Tất cả thông tin chung là như thế đấy. Nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến cơ quan công an. Nếu muốn biết cụ thể hãy sang bên C49 (Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường) hỏi”.
Vị này cũng khẳng định, số liệu mà những cơ quan nói trên đưa ra là không chuẩn xác, không có một căn cứ nào để đưa ra số liệu như vậy cả.
Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc với các cơ quan hữu quan để làm rõ độ “vênh” của số liệu trên và sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trên các số báo tới.
Trộn thức ăn chăn nuôi với chất tạo nạc đóng bao bán Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh), phối hợp với Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS 29C-21756. Xe do lái xe Lý Văn Thủy là Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam, (trụ sở tại phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển. Lực lượng chức năng phát hiện, trên xe đang vận chuyển 240 bao tải chứa thức ăn chăn nuôi, tương đương 6 tấn. Qua điều tra, số thức ăn này là do Công ty TNHH Thiên Nam tự mua chất tạo nạc Salbutamol (chất cấm) tại chợ thị xã Từ Sơn về pha trộn với thức ăn hỗn hợp và thuê Công ty TNHH Hải Thăng ở thị xã Từ Sơn gia công, đóng bao rồi đem bán. |
Vi Hậu