Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ có trách nhiệm trình 24 báo cáo, tờ trình, dự án luật, gồm: 5 báo cáo trình bày tại hội trường; 9 báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu (trong đó có 3 báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung vào nội dung kỳ họp: Báo cáo về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; Báo cáo về phương án tăng giá điện; Báo cáo về bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 10 của Luật Bảo hiểm xã hội); 1báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội; 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và 1 dự án luật trình thông qua tại 01 kỳ họp. Ngoài ra, Chính phủ phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình 6 dự án luật và 8 dự thảo nghị quyết kỳ họp để Quốc hội xem xét, thông qua.
Nhận thức vai trò của thể chế pháp luật, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ trình các dự án luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với lãnh đạo các bộ, cơ quan để rà soát tình hình và đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình chuẩn bị, gửi hồ sơ các báo cáo, đề án, dự án trình kỳ họp thứ 7. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản phân công, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị báo cáo, tờ trình phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Thể hiện trách nhiệm cao trước Quốc hội, tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019, Chính phủ đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp và yêu cầu các Bộ ngành: khẩn trương soạn thảo, thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định, bảo đảm toàn bộ báo cáo, tài liệu gửi tới Văn phòng Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội; đồng thời chủ động rà soát các dự án Luật trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, ngành, sớm đề xuất việc sửa đổi những quy định liên quan đến các nội dung Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định CPTPP, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Các thành viên Chính phủ chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, giải trình về những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, nhất là những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.
Sau cuộc họp liên tịch giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngày 15/5/2019 đã thống nhất về chương trình và nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo các dự án Luật, Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Về công tác chuẩn bị phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế-xã hội, các phiên trả lời chất vấn tại Hội trường; chủ động trao đổi, phát biểu về những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh được phân công thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu, làm rõ một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Trong 2,5 ngày, đã diễn ra phiên chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của 4 Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp giải trình chất vấn, với sự tham gia trả lời, làm rõ hơn các nội dung liên quan của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về xử lý kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến trước thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận được 2.174 kiến nghị của cư tri và nhân dân liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Các kiến nghị này đều đã được các bộ có văn bản phản hồi đạt 100%(trong đó giải trình, cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật chiếm 77,92%, trả lời đang tiếp tục nghiên cứu để giải quyết chiếm 13,28%, chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật, pháp lệnh cần thời gian để tổng kết, đánh giá hoặc cần được bố trí kinh phí để giải quyết, như kiến nghị về nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công.
Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký.
Lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản trả lời 22/23 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời 17/18 phiếu với 24 câu hỏi chất vấn; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời 3 phiếu; các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời 1 phiếu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ động có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài tại Hà Nội tổ chức tiếp công dân, tuyên truyền vận động, có biện pháp để công dân trở về địa phương giải quyết, không để công dân tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 7.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu lên một số kiến nghị, trong đó đề nghị Văn phòng Quốc hội sớm cung cấp thông tin tổng hợp về thảo luận tổ của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo điều kiện cho các thành viên Chính phủ chuẩn bị cho phiên thảo luận ở hội trường và phiên chất vấn. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Quốc hội sớm gửi dự thảo các Nghị quyết về các nội dung của kỳ họp tới Chính phủ để Chính phủ chủ động có ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị quyết kịp thời, chính xác và đầy đủ. Kiến nghị Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổ chức họp liên tịch sớm hơn (ít nhất 5 ngày trước khi khai mạc Quốc hội) để có ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với các cơ quan liên quan chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung báo cáo Quốc hội.