Tàu sân bay Mỹ cùng tàu chiến Hàn Quốc (giữa) và tàu chiến Nhật trong một đợt tập trận chung - Ảnh: Globalmilitaryreview |
Cách đây hơn 4 năm, Trung tâm đánh giá chính sách và chiến lược (CSBA) của Mỹ công bố báo cáo về khái niệm Chiến tranh không - biển (ASB) để đối phó chiến lược chống tiếp cận A2/AD của Trung Quốc (TQ). Quan điểm cốt lõi là trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ và các đồng minh sẽ dùng không quân và hải quân tấn công phủ đầu các hệ thống trinh sát, phòng không và tên lửa của TQ, kể cả trên đất liền. Từ đó đến nay, ASB trở thành một chủ đề “thời thượng”, được giới phân tích và truyền thông bình luận, ca ngợi rất nhiều mỗi khi bàn về quân sự, an ninh khu vực hay quan hệ Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, trong bài viết mới đăng trên chuyên san The National Interest, hai nhà nghiên cứu T.X.Hammes và R.D.Hooker Jr. thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng khái niệm ASB của CSBA “mơ hồ, khó khả thi và khiêu khích”. Theo hai chuyên gia này, chủ động tấn công các cơ sở của TQ vừa khó thực hiện vừa có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Điều này sẽ khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương lo ngại rằng lãnh thổ của mình sẽ bị dùng để phát động tấn công phủ đầu TQ và họ sẽ lãnh đủ nếu Bắc Kinh quyết định dùng vũ khí hạt nhân để phản đòn.
Phong tỏa quân sự, cô lập kinh tế
Từ đó, hai ông Hammes và Hooker Jr. đề xuất chiến lược quân sự mới mang tên “Kiểm soát ngoài khơi: Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất” mà họ cho là hiệu quả và ít tốn kém hơn so với ASB của CSBA cho một cuộc chiến tranh thông thường. Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải TQ trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia. Lâu nay, TQ vẫn xem đây là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu. Vì thế, ý định chiếm lĩnh biển Đông và Hoa Đông cũng nhằm một phần để mở đường “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất.
Theo chiến lược “Kiểm soát ngoài khơi: Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất”, Mỹ và đồng minh sẽ thành lập các vòng phòng thủ đồng tâm ngăn chặn TQ sử dụng vùng biển trong chuỗi đảo, bảo vệ lãnh hải và không phận của các quốc gia trong khu vực này, đồng thời kiểm soát không gian biển bên ngoài. Quan trọng nhất là không chủ trương tấn công TQ vì điều này có thể đẩy xung đột đến mức chiến tranh hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh tận dụng lợi thế địa lý để ngăn chặn tuyến đường xuất nhập khẩu quan trọng của TQ, làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế nước này.
Cụ thể, Mỹ và đồng minh sẽ dùng tàu ngầm tấn công, thủy lôi, tên lửa hành trình và hệ thống phòng không để phong tỏa TQ bên trong chuỗi đảo. Khu vực này sẽ được tuyên bố thành vùng hạn chế hàng hải với cảnh báo các tàu vào khu vực sẽ bị bắt giữ hoặc đánh chìm. Khi đó, Mỹ có thể ngăn chặn tàu hàng và tàu dầu lớn ra vào, nhanh chóng cô lập nền kinh tế TQ. Chưa hết, tàu chiến, máy bay của nước này khi ra khỏi giới hạn lãnh hải 12 hải lý sẽ lập tức bị tấn công.
Tác dụng răn đe
Hai chuyên gia Đại học Quốc phòng Mỹ khẳng định chiến lược mới của họ không cần đến những công nghệ quốc phòng bí mật và tốn kém như ASB mà chỉ cần Mỹ phối hợp tốt với các đồng minh là có thể phong tỏa TQ trong một thời gian dài. Để đạt được điều này, Mỹ cần tăng cường tập trận chung, nâng cao trao đổi quốc phòng và giúp đẩy mạnh khả năng phòng thủ trên biển, trên không cho đồng minh.
Theo The National Interest, TQ chỉ có thể phá vỡ thế bao vây bằng cách xây dựng lực lượng hải quân có khả năng hoạt động toàn cầu hoặc phát triển tuyến đường vận chuyển trên bộ để thay thế tuyến đường biển bị chặn, nhưng cả hai đều rất khó khả khi. TQ đã chi hàng trăm tỉ USD và mất nhiều thập niên nhưng vẫn chưa sánh được với các cường quốc hải quân. Mặt khác, trong năm 2012, nước này xuất sang châu Âu khoảng 9,74 tỉ tấn hàng hóa và nếu dùng đường bộ để vận chuyển thì phải cần ít nhất 1.000 đoàn tàu hỏa chở hàng/ngày.
Từ những viễn cảnh trên, hai chuyên gia kết luận tác dụng lớn nhất của chiến lược do họ đề xuất là tính răn đe. Theo họ, TQ hiện đang tính toán rằng nước này có thể gây hấn, khiêu khích trên biển Đông lẫn Hoa Đông vì đủ khả năng chiến thắng trong một cuộc xung đột nhỏ, chớp nhoáng và ngắn hạn. Với “Kiểm soát ngoài khơi: Bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất”, Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng thay vì một cuộc chiến ngắn, mình sẽ bị cuốn vào một vòng vây không có lối ra, dẫn đến sụp đổ kinh tế. Từ đó, nước này sẽ buộc phải tự kiềm chế trong các tranh chấp cũng như bỏ ý đồ dùng vũ lực thay đổi hiện trạng khu vực.