Công nhân trong vòng xoáy suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Cơn bão” thất nghiệp đang càng quét qua trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM khiến cuộc sống hàng triệu người lao động lao đao.

Bài 1: Cầm cự qua ngày, ăn gì cũng được

Hơn ba giờ chiều, dưới gầm cầu vượt Linh Xuân, người đàn ông lái chiếc xe kéo tự chế chở thực phẩm ngó nghiêng tìm chỗ đậu. Người gánh hàng rong, người bán vé số, người chạy xe máy chở thùng nước ướp lạnh… mắt đảo quanh tìm chỗ đứng trước giờ công nhân tan làm.

Dòng xe trên Quốc lộ bắt đầu đông đúc nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp qua giao lộ có đèn xanh đèn đỏ, khu chế xuất vừa điểm giờ tan tầm buổi chiều. Hàng ngàn công nhân đổ ra khỏi cổng, người mặc đồng phục xanh, người quần jean áo thun, kaki, sơ mi vải… đủ loại, tay xách theo túi nilon đựng hộp thức ăn thừa, bình nước đã uống cạn, chầm chậm ra về.

Lác đác một vài người ghé lại bên cạnh những chiếc xe đẩy chở cà chua, cải ngọt, bầu, bí... Một số công nhân tìm đến “sạp” tôm sú, cá lăng, thịt heo, thịt gà. Nhiều “cửa hàng” bơ, chuối, cam, quýt, chôm chôm, dưa hấu, bưởi, mận... lưa thưa khách. Tiếng rồ ga xe máy, tiếng bóp còi toe toe, tiếng người bán, tiếng người mua, tiếng trả giá buồn buồn của buổi chợ chiều!

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái ảnh 1
Công nhân thưa thớt trong giờ tan ca.

“Luộc thêm rau là được”

Chị Trang, 39 tuổi, quê Hà Tĩnh, dừng xe máy trước một xe đẩy bán gà chiên nước mắm, chỉ tay, hỏi: “Miếng này bán bao nhiêu?”.

- “Nửa con gà ta bảy chục nhưng bán rẻ sáu chục thôi” – người phụ nữ bán hàng trả lời.

- “Còn cái này?”

- “Gà tre nguyên con bảy chục ngàn”.

- “Chặt lấy góc tư đùi gà ta đi, ở nhà cũng còn đồ ăn”.

- “Vậy, lấy ba chục thôi”.

Người bán bỏ gà vào túi ny-lon cùng rau, tắc, muối... đưa cho chị Trang và nhận lại tiền. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh. Chị Trang vào Sài Gòn gần 20 năm, lập gia đình rồi thuê phòng trọ để ở và đi làm công nhân may giày da trong khu chế xuất Linh Trung. Chị có kinh nghiệm làm việc lâu năm nên được giữ lại sau những đợt cắt giảm nhân sự vừa qua.

"Chồng chị cũng là công nhân. Hồi trước, nguồn hàng nhiều, anh chị tăng ca liên tục nên mỗi tháng lương hai cả hai cũng đâu đó 15 triệu đồng. Nói dư thì không phải, nhưng chừng đó đủ cho cả gia đình trang trải. Bây giờ, hai vợ chồng chỉ làm từ sáng tới chiều rồi về, công ty không có đơn hàng nên không còn tăng ca. Lương công nhân thì đâu có bao nhiêu, tăng ca có thêm chút ít, không tăng ca thì vắng tiền thôi.

Nhà thì bốn miệng ăn, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Còn hai đứa nhỏ nữa, tiền ăn, tiền học, quần áo đủ thứ cũng hết mấy triệu rồi. Nghỉ hè thấy người ta đưa con đi chơi chỗ này chỗ kia, còn con mình ở nhà, thấy cũng tội mà chịu thôi chứ sao. Nhưng cái may là mình vẫn có việc làm, chứ nhiều người chung khu trọ bị cắt giảm nhân sự, về quê hết rồi”, giọng chị Trang buồn buồn.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái ảnh 2

Bữa ăn của công nhân vơi đi trong "cơn bão"... thất nghiệp.

- “Chị thuê trọ ở đâu, giá cả thế nào ha chị?”, tôi hỏi thăm.

- “Nhà chị thuê ở gần xóm Vắng bên Dĩ An, chỗ đó nhiều công nhân ở lắm. Phòng trọ của chị 24m2 thì 1,8 triệu đồng/tháng, có gác. Ở đó cũng có phòng rẻ hơn, mà nhà mình bốn người, ở phòng nhỏ hơn đâu có được nên cố gắng tiết kiệm”, chị trả lời.

- “Tối nay, cả nhà ăn cơm với cái đùi gà chiên này thôi ha chị”?

Chị trầm ngâm một thoáng: “Luộc thêm rau là được rồi. Thôi chị đi đây”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi khép lại như thế.

“Trước chọn ngon, giờ chọn rẻ”

Tôi vẫn thường đi ngang khu chế xuất Linh Trung nhưng khung cảnh chợ chiều lần này khiến tôi ngỡ ngàng. Nó khác xa với những gì từng thấy, từng nghe về một khu chợ tự phát ồn ào và đông đúc mỗi lúc tan tầm. Sau một cơn dịch bệnh, sự nhộn nhịp thưở trước thay bằng vẻ vắng lặng đìu hiu. “Một phần vì dạo này cán bộ phường đi dẹp nhiều, phần còn lại là công nhân hết tiền rồi anh...”, Minh, 30 tuổi, quê Thanh Hoá phán đoán.

Minh mua lại chiếc xe máy kéo tự chế chất đầy các loại trái cây để chở đi bán. Trên xe đủ các loại, từ chôm chôm, vải thiều, dưa hấu, bưởi đến mận Hà Nội. Chiếc xe hàng rong đang dừng bên lề đường trước khu chế xuất. Vẻ ngoài nam thanh niên nhìn già hơn cái tuổi tam thập, đậm người, da đen nhẻm vì nắng Sài Gòn, cánh tay phải có điểm một “nét rồng phượng”.

“Em vô đây từ năm 2009. Hồi trẻ chưa biết nghĩ nên chơi bời cũng nhiều, giờ có vợ con rồi phải cố gắng anh à. Tuổi mình thì phải lăn ra mà làm chứ đi xin ai mà cho. Em bán trái cây được năm năm rồi. Cứ bốn giờ sáng là em ra chợ đầu mối lấy hàng rồi chạy xe đi bán đến chín mười giờ đêm về chăm con cho vợ nghỉ ngơi. Em dang nắng cả ngày nên da em đen thui nè, thấy không...”, Minh cười nhưng không có vẻ gì là vui.

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái ảnh 3
Trái cây đang được xem là món hàng chưa cần thiết để no lòng người dân có thu nhập thấp.

Khách hàng của Minh đều là công nhân với mức thu nhập thấp nên chất lượng trái cây cũng tương ứng, vỏ bưởi mềm ngả vàng, chôm chôm trái nhỏ, nhiều phần thâm đen... Giá mỗi xe trái cây theo Minh nói thì khoảng 5-6 triệu đồng. Năm ngoái, một xe bán khoảng hai ngày là hòa vốn, ngày thứ ba thứ tư bán được bao nhiêu thì lời bấy nhiêu, còn lại bỏ vì đã héo. Còn bây giờ, mỗi xe Minh phải bán ba bốn ngày mới thu hồi được vốn bỏ ra.

“Anh đứng nói chuyện với em nãy giờ mà có thấy ai mua đâu, ế lắm anh. Năm ngoái, dịch vậy mà người ta mua nhiều, chắc sợ nên ăn uống đầy đủ. Còn giờ, người ta hết tiền rồi nên không dám mua nữa, em bán cũng không được nhiều. Trước em bán tới đêm mới về vì công nhân còn tăng ca, giờ bảy tám giờ là về rồi, ca tối không có làm.

Minh đưa ra ví dụ về mận Hà Nội có loại 25.000 đồng/kg và loại 30.000 đồng/kg. Trước người ta toàn chọn loại 30.000 đồng/ký vì nó ngon gấp mấy lần loại 25.000 đồng/kg. Mà bây giờ, loại 30.000 đồng/kg không ai mua, công nhân toàn mua loại 25.000 đồng/kg thôi. Người ta khó khăn, chọn rẻ chứ không chọn ngon như trước nữa nên em cũng phải bán loại rẻ hơn. Trước, cứ chiều là người ta bu đông đen, giờ người ta về thẳng. Cuộc sống bây giờ cực lắm. Ai cũng chắt chiu, không dám ăn, không dám uống thì lấy gì mà mua trái cây”.

Không riêng gì Minh, những người bán rau củ quả khác cũng kể câu chuyện tương tự. Chợ chiều đã buồn mà những câu chuyện ở chợ chiều lại càng ngậm ngùi hơn. Từng dòng công nhân ra về, chẳng mấy ai dám ghé lại mua bán. Tiến và vợ bày sọt nhựa đựng bơ 034 bán cho công nhân, giá 20.000 đồng/kg. Vợ bán, chồng phụ và canh chừng bóng dáng lực lượng trật tự đô thị.

- “Bơ này anh chị mua rồi bán lại hay sao?”, tôi hỏi.

- “Bơ nhà trồng anh ơi. Mẹ em gửi từ Đắk Lắk xuống nên mình bán giá rẻ cho công nhân, chứ bán mắc quá ai mua”, Tiến nói.

- “Rồi buôn bán thế nào?”

- “Anh thấy rồi còn hỏi, có ai mua đâu. Giờ mỗi ngày em bán nhiều lắm được 40-50 ký, bằng 1/10 ngày trước. Như chị công nhân lúc nãy mua đó, có hai trái thôi, chứ hồi trước người ta mua lần một hai ký không à. Giờ công nhân không dám ăn vặt nữa, họ để dành tiền mua món chính”.

Nói tới đây, Tiến vội vàng bưng giỏ bơ được đan bằng tre bỏ chạy. Minh nổ máy xe rời đi. Các “sạp” tôm cá, rau củ quả di động, người này bảo người kia thu dọn khẩn cấp. Xe đô thị lại đi kiểm tra. Khu chế xuất Linh Trung chỉ còn lác đác vài công nhân ra về, cuối ngày vắng vẻ. Trời chập choạng tối...!

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.