Những “zích zắc” khó hiểu của các gói thầu
Dự án cải tạo vỉa hè tại trung tâm TP.HCM trong kế hoạch chuẩn bị cho ngày thống nhất đất nước 30/4/2025 mang ý nghĩa lớn. Thế nhưng, nhiều tháng qua, nhiều con đường tại trung tâm TP.HCM bị xới tung để cải tạo vỉa hè đã khiến người dân nghi ngờ về tốc độ thi công của các công trình.
Nhắc đến dự án, các doanh nghiệp được trúng thầu nổi lên với nhiều nghi vấn. Bốn doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Thạnh Phú, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tân Bắc Á, Công ty TNHH San Lấp và Xây dựng Lê Nguyễn, cùng Công ty TNHH Công nghiệp và Xây dựng Nam Việt đã liên tục trúng thầu các gói dự án trị giá từ 4,6 tỷ đến 22,2 tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Cá biệt, đây là những gói thầu các doanh nghiệp tham gia đấu giá và trúng thầu vào cuối tháng 12/2024. Những câu hỏi lại được đặt ra: “Quá trình đấu thầu diễn ra nhanh chóng như vậy liệu có minh bạch? Có "quân xanh, quân đỏ" tham gia để khiếu việc đấu thầu được diễn ra và kết thúc một cách nhanh chóng?”.
Theo dữ liệu sơ bộ từ trang DauThau.info, bức tranh đấu thầu hiện lên khá rõ ràng. Ngày 19/12/2024, Công ty Thạnh Phú trúng gói cải tạo 3 vỉa hè phường Tân Định với giá 4,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 25,5% từ gói thầu 6,1 tỷ. Ngày 26/12/2024, Công ty Tân Bắc Á còn nổi bật hơn khi trúng liền hai gói thầu: cải tạo 5 vỉa hè phường Bến Thành – Bến Nghé với giá 12,6 tỷ và cải tạo 3 vỉa hè phường Cô Giang, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho với giá 16,8 tỷ, tổng cộng gần 30 tỷ đồng.
Ngày 27/12/2024, Công ty Lê Nguyễn cũng không kém cạnh, trúng gói cải tạo 5 vỉa hè phường Bến Nghé với giá 22,2 tỷ, tiết kiệm 15,3% từ gói thầu 37,5 tỷ. Cuối cùng, ngày 26/12/2024, Công ty Nam Việt trúng gói cải tạo 2 vỉa hè phường Nguyễn Thái Bình với giá 12,3 tỷ, tiết kiệm 9,6%, cộng thêm gói vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai, giá ước tính 10-15 tỷ.
Tất cả các dự án này đều do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực quận 1 làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung hạn 2021-2025 của TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý là ông Phạm Quách Trường Giang, Giám đốc ban này, đã ký phê duyệt kết quả trúng thầu trong các ngày 19, 26 và 27/12/2024. Tốc độ phê duyệt nhanh đến mức khó tin, khi chỉ trong chưa đầy 10 ngày, hàng loạt hồ sơ đấu thầu đã được thông qua.
Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp cùng tham gia đấu thầu với 4 công ty trúng thầu đã nổi lên một số cái tên xuất hiện khá quen thuộc. Các doanh nghiệp tham gia đấu thầu như có một sự “zích zắc”. Cụ thể, ngày 04/12/2024, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Đồng Mỹ trúng gói cải tạo vỉa hè Nam Kỳ Khởi Nghĩa với giá 12 tỷ đồng, nhưng lại trượt gói Nguyễn Thị Minh Khai mà Nam Việt thắng thầu.
Ngày 23/12/2024, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Lộc Nhà Việt từng liên danh với Thạnh Phú được công bố trúng gói thầu vỉa hè Yersin, giá 11,4 tỷ và có khả năng đã tham gia gói Tân Định. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nghiệp Phát trúng gói vỉa hè Lê Thánh Tôn, dù ngày cụ thể không được ghi nhận, nhưng có dấu hiệu góp mặt trong các gói thầu lớn như Bến Nghé hay Bến Thành.
Thậm chí, chính 4 doanh nghiệp kể trên, gồm: Thạnh Phú, Tân Bắc Á, Lê Nguyễn và Nam Việt cũng có thể đã cạnh tranh lẫn nhau. Ngày 26/12/2024, Tân Bắc Á và Nam Việt cùng trúng thầu, rồi ngay hôm sau, Lê Nguyễn tiếp tục thắng gói lớn…
Những con số đáng ngờ
Xét đến các con số, sự nghi ngờ càng tăng lên. Công ty Thạnh Phú đạt tỷ lệ tiết kiệm 25,5%, một mức rất cao, trong khi Tân Bắc Á chỉ dưới 10%, Nam Việt 9,6%, và Lê Nguyễn 15,3%. Sự chênh lệch này là điều đáng chú ý. Công ty Thạnh Phú với vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng, quy mô nhỏ, lại tiết kiệm vượt trội, còn Tân Bắc Á với vốn 50 tỷ đồng, lớn hơn nhiều, liên tục trúng thầu nhưng tỷ lệ tiết kiệm thấp.
![]() |
Cây xà lim xanh bị đốn hạ trên đường Nguyễn Minh Khai. |
Liệu có phải Thạnh Phú được giao vai trò thắng các gói nhỏ, còn Tân Bắc Á được ưu ái cho những gói lớn hơn? Chưa hết, tốc độ phê duyệt thầu cũng là một điểm gây sốc. Trong hai ngày 26 và 27/12/2024, Tân Bắc Á, Nam Việt và Lê Nguyễn trúng tổng cộng 5 gói thầu trị giá hơn 51 tỷ đồng, chỉ mất chưa tới 48 tiếng. Thông thường, từ khi mở thầu, xét hồ sơ đến phê duyệt phải mất ít nhất một tháng để đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng.
Trước hết, các dự án có dấu hiệu của sự trùng lặp về thời gian. Công ty Tân Bắc Á và Nam Việt cùng trúng thầu ngày 26/12/2024, rồi Lê Nguyễn thắng ngay hôm sau. Tiếp theo, những cái tên như Đồng Mỹ, Lộc Nhà Việt, Nghiệp Phát xuất hiện lặp lại trong nhiều gói thầu, nhưng chỉ trúng rất ít, trong khi Tân Bắc Á và Lê Nguyễn liên tục hốt các gói lớn?
Vấn đề không chỉ dừng ở đấu thầu, mà ngay cả quá trình thi công cũng lộ ra nhiều bất cập. Công ty Nam Việt, dù trúng gói Nguyễn Thái Bình và Nguyễn Thị Minh Khai, lại thi công cẩu thả làm tổn hại 17 cây lim xẹt hơn 20 năm tuổi, trong đó 9 cây phải đốn bỏ khẩn cấp. Công ty Lê Nguyễn trúng gói 22,2 tỷ ở Bến Nghé, nhưng tiến độ thi công tại đường Pasteur chậm chạp….
Ngày 02/04, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp thi công công trình để xảy ra sai sót. Trước đó, từ ngày 09/12/2024, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng gửi 15 ý kiến để chấn chỉnh tình hình thi công, nhưng mọi thứ vẫn không được khắc phục. Do đó, người dân có quyền nghi ngờ về cách quản lý và giám sát của chính quyền địa phương cũng có nhiều vấn đề chưa quyết liệt.
Công ty Thạnh Phú, Tân Bắc Á, Lê Nguyễn, và Nam Việt đã trúng thầu một cách thuận lợi, nhưng đằng sau đó là hàng loạt câu hỏi cần có lời giải. Hàng loạt các nghi vấn được đặt ra về tốc độ phê duyệt gói thầu nhanh bất thường, tỷ lệ tiết kiệm của các doanh nghiệp không đồng đều, sự xuất hiện lặp lại của một số doanh nghiệp khác với kết quả trúng thầu rất thấp, cùng với chất lượng thi công đáng báo động…