Cách đây vài năm, chị đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật rồi Đài Loan nhưng do dịch bệnh bùng phát ở nước bạn nên phải hồi hương rồi xin vào làm công nhân tại một công ty ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên, trước làn sóng Covid chị lại một lần nữa không có việc làm.
Chị X.A trong căn phòng trọ nhỏ ở Bình Dương. |
Để trang trải cuộc sống, chị X.A đăng ký giúp việc theo giờ, chăm sóc người bệnh, người lớn tuổi. Chị làm quần quật từ sáng sớm tới tận đêm khuya, hết chỗ này chị lại chạy sang chỗ khác, một tháng đủ cả 30 ngày không dám ngơi nghỉ. Thu nhập một tháng đâu đó hơn 10 triệu đồng, trả tiền phòng trọ, điện nước rồi gửi về quê cho hai con, dè sẻn ăn uống, tiêu xài thì dư ra chút đỉnh.
Nhưng vài tháng trước, đơn vị quản lý vô lý đưa ra nhiều lý do một chiều rồi khoá tài khoản của chị trên app, giữ luôn những phần hoa hồng chị chưa được rút ra. Chị khiếu nại nhiều lần cũng không có kết quả. Thất nghiệp, mất thu nhập, chị lên facebook tìm kiếm thông tin để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc thì thấy thông tin của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Xuyên tự nhận là môi giới.
Trao đổi qua số điện thoại 0938.514.XXX để tìm hiểu thêm thông tin, Xuyên giới thiệu công việc tại Hàn Quốc là làm nấm linh chi, trồng sâm, trồng táo, làm vườn… đại loại liên quan đến nông nghiệp. Người lao động sẽ được bao ăn ở, lương mỗi tháng dao động từ 50-60 triệu đồng. Người này hướng dẫn chị X.A chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục và mang đến văn phòng Trung tâm Xuất khẩu lao động S&B ở toà nhà L. số 756A Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM để nộp.
Sáng ngày 20/5/2023, chị X.A đến nơi. Nhìn thấy văn phòng vắng vẻ, không có người làm việc nên chị thắc mắc và được Xuyên trấn an: “Hôm nay cuối tuần, với hai nhân viên đang bị Covid nên không đến được”. Thấy cũng hợp lý, cộng thêm một lúc sau có thêm hai người dân đến nghe tư vấn, nộp hồ sơ nên chị không hỏi thêm gì nữa.
“Trong quá trình tư vấn, bạn ấy nói rất nhiều, vẽ ra rất nhiều điều tốt đẹp sau khi qua Hàn Quốc. Tôi nghe rất thuyết phục và bị thao túng tâm lý nên đồng ý nộp hồ sơ. Toàn bộ chi phí đơn hàng là 2.000 USD (khoảng 47 triệu đồng), bạn yêu cầu tôi đóng ngay tại chỗ. Tôi kể gia đình khó khăn xin nợ chi phí thì bạn này gọi cho ai đó xin ý kiến rồi yêu cầu đóng cọc 1/3 tổng số tiền là gần 17 triệu đồng, 30 triệu đồng còn lại sau khi sang Hàn Quốc sẽ trừ dần vào tiền lương”, chi X.A kể.
Lúc này, chị X.A chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu đồng trong túi. Chị phải gọi điện cho bạn mượn thêm 15 triệu nữa cho đủ. Chị đề nghị chuyển khoản ngân hàng nhưng phía Trung tâm XKLĐ S&B không đồng ý, yêu cầu ra ATM rút và thu tiền mặt. Sau đó, Xuyên lấy ra một tờ A4 ghi “Bản cam kết giao nhận” chương trình lao động Hàn Quốc F1-5, có phần thông tin thể hiện đến ngày 20/7 nếu Trung tâm XKLĐ S&B không hoàn thành hồ sơ thủ tục sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền.
Hứa hẹn rồi xoá Zalo
Những ngày sau đó, chị X.A sốt ruột không biết hồ sơ có được duyệt hay không nên thường xuyên nhắn tin với Nguyễn Thị Xuyên qua tài khoản Zalo. Xuyên hứa hẹn chắc nịch là kiểu gì cũng sẽ thành công và mong chị X.A yên tâm chờ đợi. Để tăng sự tin tưởng, người này còn chủ động mời chị X.A vào công ty làm với lương tháng 8 triệu đồng. Công việc là tư vấn và trực tiếp nhận tiền từ người muốn đi Hàn Quốc. Nếu giới thiệu được một hồ sơ xuất khẩu lao động thì thù lao là 50USD.
Hiện, không ai liên lạc được với trung tâm Xuyên và Trung tâm S&B. |
Những tưởng đây là sự thật, chị X.A kể lại với bạn bè và nhiều người cũng mong muốn được đi Hàn Quốc. Chị liên hệ với Xuyên để hẹn ngày giờ lên trung tâm nộp hồ sơ cho kịp đi đợt này nhưng chỉ nhận lại những hứa hẹn với lý do: “đang đi Hàn Quốc”, “đang đi làm hồ sơ cho khách”, “đang ở Lãnh sự quán lo giấy tờ”…
Chị X.A đưa ra những đoạn tin nhắn cuộc nói chuyện, giải thích: “Không nộp hồ sơ mới được thì thôi, nhưng còn hồ sơ của tôi cũng không thấy Xuyên nói gì đến. Cuối tháng 6/2023, tôi nhắn tin hỏi khi nào Xuyên đi Hàn Quốc về để lên công ty ký hợp đồng. Thật sự tôi muốn biết chắc chắn ngày đi để sắp xếp công việc gia đình, cũng xem coi có chuẩn bị thêm tiền phí gì nữa không để còn vay mượn, chứ tới ngày gấp quá sợ không kịp… Lần này, Xuyên nói không cần chi phí gì nữa, ngày 10/7 có visa là bay. Đó là điều chắc chắn”.
Sang đầu tháng 7, chị X.A hỏi thăm tình hình thì Xuyên giải thích, đợt 1 đến ngày 15/7 là chốt, đã nhận 300 người. Ngày 16 và 17/7, lao động sẽ lên Trung tâm tiếp nhận xin visa Hàn Quốc KVAC tại TP.HCM ở số 253 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3 để ký giấy tờ. Ngày 18/7 sẽ bay. Tuy nhiên, đi hãng hàng không nào, bay giờ nào... chị X.A hoàn toàn không biết.
Đúng ngày hẹn, chị X.A háo hức lên Trung tâm KVAC nhưng liên lạc với Xuyên mãi không được. Nhiều giờ trôi qua, Xuyên bất ngờ nhắn tin thông báo chuyển lịch ký giấy tờ sang buổi chiều. Lúc này, chị X.A vô cùng sốt ruột nhưng nghĩ sắp xong rồi nên cố gắng đợi thêm. Rồi đến 14h, sang 15h... Xuyên vẫn bặt vô âm tín.
“Đến 16h30, người ta không còn làm việc nữa mà tôi vẫn chưa được ký. Mấy chục người khác cùng đợt cũng chờ mỏi mòn trước cổng. Tôi bảo Xuyên ra gặp mặt để yên tâm, bay không được cũng không sao, chứ chờ đợi biết khi nào... Xuyên bảo, em ra đây nhưng sau đó mất hút. Tôi yêu cầu trả lại hồ sơ thì Xuyên hẹn hôm sau sẽ trả. Và sau đó, tài khoản Zalo của Xuyên thông báo: Tài khoản này đã ngừng hoạt động”, chị X.A nói.
“Với người khác số tiền này có thể không lớn, nhưng với tôi đó là cả gia tài. Tiền tôi đi vay mượn bạn bè, dự định sang Hàn Quốc làm sẽ trả nợ. Giờ chưa trả được một đồng nào hết lại còn bị lừa. Họ còn giữ luôn hộ chiếu của tôi không trả”, chị X.A sau đó tìm đến Trung tâm XKLĐ S&B để làm cho ra lẽ thì nhân viên toà nhà thông báo: “Họ (Trung tâm S&B) báo sẽ trả văn phòng vào cuối tháng. Cả tuần nay không thấy ai lên làm việc”. Hiện tại, chị X.A hoàn toàn không thể liên lạc được với bất kỳ ai liên quan đến Trung tâm XKLĐ S&B.
Trao đổi với phóng viên, chủ toà nhà L. cho biết, khoảng ngày 14-15/5/2023, Trung tâm XKLĐ S&B đến thuê văn phòng. Họ có một tuần để "set up", trong thời gian này, Xuyên có đến vài lần. Sau đó, nhân viên toà nhà liên lạc đề nghị Xuyên cung cấp đầy đủ hồ sơ để ký kết hợp đồng thuê nhưng không liên lạc được từ đó đến nay.
Theo những giấy tờ mà chị X.A cung cấp, phóng viên nhận thấy con dấu mà Trung tâm XKLĐ S&B sử dụng là con dấu giả. Hiện tại, chị X.A đang chuẩn bị giấy tờ trình báo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trung tâm XKLĐ S&B. Theo chị, có khoảng 50-60 người cũng bị lừa như chị. Số tiền gần 17 triệu đồng chị đóng là thấp nhất trong tất cả.