6 năm ở vai trò quản lý tầm trung, vấn đề hàng đầu mà tôi đối mặt, đó là giải quyết nhu cầu thăng tiến của nhân sự có thâm niên.
“Một trong những điều khiến các nhân viên giỏi và tham vọng dễ mất động lực làm việc là một môi trường không có lộ trình thăng tiến rõ ràng”. “Tôi sẽ làm ở vị trí này bao nhiêu lâu mới có thể bắt đầu lên vị trí quản lý”, “Tôi cần đạt được những gì để có thể được thăng chức?” - Rebbeca Knight - chuyên gia về quản trị nhân sự của Harvard từng chỉ ra như vậy.
Mấy hôm nay, thấy mạng xã hội có lan truyền cái clip 2 ông bên bàn nhậu, tranh luận xung quanh cặp phạm trù Dấn Thân hay An Phận. Tôi thấy hứng thú với chữ An Phận, nói về nó một chút.
Bây giờ, bạn thử nhìn vào môi trường mà bạn đang làm việc. Có mấy sếp, và có bao nhiêu nhân viên? Thôi tôi cứ nói ở cấp phòng đi, căng lắm thì 1 trưởng phòng, 2 phó phòng. Còn đâu phổ biến là 1 trưởng 1 phó.
Gã trưởng phòng của bạn đã ngồi đấy bao lâu rồi? Chị phó phòng nữa? Dường như là rất lâu, mấy nghìn năm trước Công nguyên thì phải.
Rồi bạn nhìn mình, đã đi làm mấy năm, giỏi ơi là giỏi, làm bao nhiêu là việc, việc gì cũng đến tay từ vươn thở đến tiếng thơ, vậy mà mãi mới là trưởng nhóm. Trưởng nhóm thì quyền rơm vạ đá chứ quyền hành gì? Lương vẫn thế, thưởng vẫn thấp. Rồi bạn nhìn vào những người “xếp hàng” trước mình. Anh này làm đã 6-7 năm rồi. Chị kia cư xử khéo léo như thế. Đứa nọ trẻ hơn kém thâm niên hơn, nhưng thấy sếp có vẻ quý nó. Còn thằng kia thì thôi rồi, thấy bảo nó là em họ giám đốc...
Bạn bắt đầu oải. Bạn bắt đầu so sánh. Bạn bắt đầu thở dài với tương lai mù mịt của mình. Đó là con domino đầu tiên đổ xuống. Nếu có kinh nghiệm làm việc trên 3 năm, và bạn giỏi, bạn bắt đầu đạt mức senior (nhân sự tầm trung). Nhân sự senior là cực kỳ quý giá với các công ty. Và bài toán là bạn sẽ hài lòng để tập trung vào việc ở cấp senior, hay bạn sẽ đòi hỏi được lên vị trí quản lý cao hơn.
Ở cơ quan cũ của tôi, gần như có 1 “lời nguyền”: Nhân sự tầm trung nào mà được đặt vào vị trí quản lý, thì họ sẽ ngừng sáng tạo. Những công việc quản lý, tổ chức, rồi ti tỉ cuộc hội họp, xã giao đối nội đối ngoại... sẽ biến họ thành một nhân-sự-quản-lý. Trong khi trước đó, họ từng tạo ra rất nhiều sản phẩm sáng tạo đầy dấu ấn.
Cho nên, làm tốt và yêu thích việc mình làm, không chỉ là An Phận. Mà đó là hiểu giá trị của mình. Nhà máy luôn cần những người thợ bậc 7 chứ không chỉ cần quản đốc. Trường học luôn cần những thày cô đứng bục giảng trọn đời, chứ không chỉ cần hiệu trưởng hiệu phó. Công ty luôn cần những nhân viên thành thạo việc của mình, chứ không chỉ cần những trưởng phó phòng làm công tác quản lý.
Larry King - ông vua phỏng vấn của truyền hình Mỹ, suốt 50 năm ngồi trước ống kính, chưa bao giờ có 1 chức danh gì. Ông đơn giản là một người dẫn chương trình truyền hình - thế thôi.
An Phận - không chỉ là cam chịu số phận. Mà còn là hiểu, và làm thật tốt, thật ổn định công việc của mình.
Nếu bạn chưa biết, thì hãy xem bức tranh “Nguyên lý thùng gỗ”. Hãy hình dung mỗi điểm mạnh của bạn như các thanh gỗ dài, còn điểm yếu là các thanh gỗ ngắn. Thanh gỗ dài dù nhiều, nhưng thanh gỗ ngắn mới quyết định mức nước chứa trong thùng đến đâu.
Nhân sự cũng vậy, công sức của tập thể phụ thuộc vào những khâu thấp nhất.