Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 1
Không nghi ngờ gì nữa, 2018 là năm đẹp nhất của bóng đá Việt Nam về mặt thành tích, xét trên cấp độ các đội tuyển. Chiếc Cúp vô địch AFF 2018 không chỉ là kết thúc đẹp đẽ của một năm thành công, mà chính là sự khẳng định của một con đường đã đi, đang đi và sẽ đi đầy đúng đắn: bóng đá xây nhà từ móng.

_______________

Những cuộc ăn mừng đã diễn ra trong suốt năm 2018. “Đi bão” đã trở thành một từ quen thuộc để chỉ những đêm người hâm mộ cả nước xuống đường phất cờ đỏ sao vàng và diễu hành khắp các con phố trên toàn lãnh thổ nước mình (bạn bè tôi ở nước ngoài cũng háo hức lắm, cũng bằng mọi cách để xem các trận đấu, cũng phất cờ trên ban công căn hộ, cũng “đi bão” trên phố theo kiểu của họ). Những cuộc đi bão như thế đã diễn ra từ đầu năm, sau kỳ tích của đội tuyển U23 ở giải U23 châu Á, đã kéo dài đến tận mùa Thu, khi đội tuyển Olympic lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào đến bán kết Asian Games và rồi bùng nổ trong những rừng cờ hoa rực rỡ những đêm tháng 12, khi chúng ta đoạt chức vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi.

Đã là niềm vui thì trước sau cũng vẫn cứ vui, vấn đề không phải là nhiều hay ít, mà là đến bao giờ, và những câu hỏi ngay tức khắc ập đến với tôi ngay khi chứng kiến lễ đăng quang rực rỡ trên sân Mỹ Đình: liệu những cuộc vui thế này có sớm kết thúc, và làm thế nào để kéo dài mãi những niềm vui bất tận?Trương Anh Ngọc

Mà những cuộc ăn mừng AFF Cup ấy, xem ra vẫn có vẻ “nhẹ nhàng” hơn các cuộc vui hồi tháng 1, khi hàng vạn người Hà Nội đổ ra chật kín các con đường đón mừng đội tuyển (vừa thua trận chung kết!) trở về như những người hùng. Một đồng nghiệp của tôi bảo rằng, sở dĩ như thế là vì hồi đầu năm 2018, chiến công vào đến chung kết U23 Châu Á là điều kỳ diệu, không tưởng, điều không một ai có thể hình dung ra trước khi trái bóng của giải đấu cấp châu lục ấy lăn, nên người ta vui sướng tột cùng và ngấu nghiến hạnh phúc nhỏ nhoi ấy như thể sau đó sẽ không còn được “đi bão” nữa. Chức vô địch AFF Cup đơn giản không phải là một chiến công vĩ đại nữa, mà là một sự khẳng định của những gì mà người hâm mộ đã từng hy vọng. Đấy là chiến thắng vừa tầm chúng ta, đúng với đẳng cấp của bóng đá Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Những gì ở ngoài đấu trường khu vực là một thế giới khác, thế giới của những ước mơ. Nhưng với một người như ông Park Hang Seo, thì không phải là không thể. Vươn ra châu lục là điều chúng ta mong đợi.

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 2

Cậu bạn nói đúng. Nhưng đã là niềm vui thì trước sau cũng vẫn cứ vui, vấn đề không phải là nhiều hay ít, mà là đến bao giờ, và những câu hỏi ngay tức khắc ập đến với tôi ngay khi chứng kiến lễ đăng quang rực rỡ trên sân Mỹ Đình: liệu những cuộc vui thế này có sớm kết thúc, và làm thế nào để kéo dài mãi những niềm vui bất tận? Đấy chính là câu hỏi mà những người hâm mộ có thể sẽ đặt ra với những người có chức trách trong việc phát triển bóng đá nước nhà. Chính họ mới là những người nắm câu trả lời, và HLV Park Hang Seo và các học trò của ông là một phần hiện thực của những hồi đáp.

Nỗi lo lắng là có thật, dù sự tự tin đã được xây lên từ những thành công của các lứa đội tuyển dưới tay ông Park thật sự đã củng cố tình yêu trong lòng người hâm mộ. Nhưng nỗi lo lắng vẫn tồn tại, bởi sau đỉnh cao là rất nhiều những nỗ lực để không đi xuống, bởi đã từng có một chu kỳ 10 năm trong bóng đá Việt Nam, với những khoảng tối, thất bại, vô số scandal, và cả cảm giác bị phản bội trong lòng người hâm mộ trong những năm xen kẽ giữa các đỉnh 1998 (chung kết), 2008 (vô địch) và 2018 (vô địch). Làm thế nào để không phải đợi thêm 10 năm nữa cho một đỉnh cao mới?

Đương nhiên, lứa cầu thủ hiện tại dưới tay HLV Park Hang Seo khiến chúng ta yên tâm. Chưa khi nào bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều cầu thủ hay đến thế, khiến mỗi lần ông Park loại bỏ một ai đó sau những lần triệu tập đều làm người hâm mộ tiếc nuối, thậm chí tranh cãi. Khả năng cầm quân của ông Park cũng là một sự đảm bảo cho việc tiếp nối những thành công, trong khi lứa cầu thủ hiện tại cũng có thể toả sáng thêm nhiều năm nữa.

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 3

Nhưng câu chuyện của một nền bóng đá không phải là ở các lứa tuyển thủ, không nằm ở các lứa đội tuyển, từ tuyển trẻ cho đến đội tuyển quốc gia. Đấy chỉ là cái ngọn, là kết quả của cả một quá trình đào tạo lâu dài trước đó ở các đội bóng, các trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ. Lứa đang nổi, đang thành công hiện tại không thể không có sự bổ sung, kế cận từ lứa tiếp theo, một cách liên tục từ tuyến sau. Câu chuyện thành công chỉ có thể được tiếp nối bằng những dòng máu mới. Logic là thế.

Nhưng liệu lứa cầu thủ nối chân họ có đủ xuất sắc để tiếp nối họ không, liệu những tài năng trẻ tiếp theo có dồi dào và xuất sắc như lứa Quang Hải, Văn Đức, Văn Hậu đang toả sáng không? Bóng đá Việt Nam đã không xây nhà từ nóc như thời HLV Alfred Riedl đến đây, mà đã từng móng. Nhưng cho những lứa đi sau, câu trả lời không hẳn bi quan, nhưng thế hệ kế cận không quá giỏi, không nhiều tài năng, và không ai dám chắc họ có thể là một sự bổ sung tốt cho những người đang toả sáng lúc này.

Trên thực tế, đào tạo cầu thủ trẻ không đơn giản. Không phải ngẫu nhiên khi cứ 10 năm chúng ta mới lại có một lứa cầu thủ đưa đội tuyển vào đến chung kết sân chơi khu vực. Những cầu thủ trẻ lớn lên và chỉ có một số không nhiều trong số đó có thể trở thành những cầu thủ giỏi hoặc xuất sắc. Họ cần một môi trường tốt để trưởng thành, cần những sân chơi để khẳng định tài năng, cần những cạnh tranh để không ngừng vươn lên phía trước.

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 4

Môi trường ấy không hẳn chỉ là các lò đào tạo mà những năm qua, các ông bầu yêu bóng đá đã đổ vào đó không biết bao nhiêu tiền của, mà chính là ở các cấp giải vô địch quốc gia. Chính các giải vô địch quốc gia, đứng đầu là V-League, mới là sân chơi quan trọng nhất, thường xuyên nhất quanh năm, đóng vai trò lớn giúp những thành công cho lứa kết tinh - các đội tuyển cấp quốc gia, được tiếp tục.

Một câu hỏi có liên quan: Liệu V-League đã là môi trường lý tưởng để tạo nên những ngôi sao Việt hay chưa? Câu trả lời: Nó đã như thế. Cứ nhìn lứa của Hải, Hậu, Phượng, Trường và nhiều cầu thủ trẻ khác thì biết. Nhưng nó đã và đang tồn tại quá nhiều những vấn đề lớn khiến không ít người lo rằng, rồi đây, những câu chuyện cũ có thể tác động đến môi trường quan trọng ấy. 

2018 vẫn chứng kiến những câu chuyện buồn cũ kỹ của V-League, những mâu thuẫn giữa ban tổ chức giải với hội đồng trọng tài, những mâu thuẫn bên trong chính ban tổ chức giải, những vấn đề không hề mới liên quan đến việc một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng ở cùng một hạng đấu (điều rất phi logic trong bóng đá chuyên nghiệp, nhưng vẫn được chấp nhận cho tồn tại trên sân cỏ Việt, bởi nếu không có đầu tư của họ, V-League khó có thể vận hành tốt). Đấy vẫn là một giải vô địch sống bằng tiền, rất nhiều tiền và quyền lực của các ông chủ, bản thân họ cũng đang trong những quá trình đấu tranh không ngừng với nhau. Khán giả mùa qua đã tăng lên vì hiệu ứng của đội tuyển U23 chứ chưa phải vì sức hấp dẫn của chính nó.

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 5

Và liệu Ban chấp hành khoá mới của LĐBĐ Việt Nam (VFF) có đủ khả năng và trí tuệ để đưa con tàu bóng đá Việt Nam lên phía trước, tới những thành công mới? Đấy chính là câu hỏi chờ trả lời ở cấp vĩ mô. Đối với không ít người hâm mộ, bóng đá Việt Nam không đồng nghĩa với VFF, mà là tình yêu bóng đá của các ông bầu giàu có, chính là những người đã tạo ra các cầu thủ trẻ hiện tại. VFF là một cái tên gợi lên rất nhiều sự bực bội, bức xúc, chán nản và mệt mỏi từ người hâm mộ, khi họ đã và đang cho rằng, tổ chức đứng đầu và điều hành nền bóng ấy là một tập hợp của những gì trì trệ, bảo thủ, không hề tiến bộ, không ngừng đấu đá nội bộ vì sự vụ lợi cá nhân hơn là vì cái chung.

Suy nghĩ ấy chưa hề mất đi sau khi những cái tên không mới, cũng chẳng cũ của ban chấp hành mới được công bố sau một đại hội kín tổ chức giữa làn sóng hâm mộ đội tuyển đang dâng cao ở AFF Cup 2018, sau khi đã bị trì hoãn nhiều lần trong vòng hơn nửa năm vì vấn đề nhân sự. Bản thân điều ấy đã cho thấy quá nhiều vấn đề ở thượng tầng của bóng đá nội. Một liên đoàn bóng đá như thế, liệu có thể đem đến những hy vọng gì cho tất cả?

2019 sẽ là một năm đầy chông gai, một năm chờ sự khẳng định ở đấu trường khu vực, với sân chơi SEA Games mà chúng ta chưa từng chạm tới huy chương vàng, và là một năm bản lề để hướng tới một mục tiêu nữa mà bóng đá Việt Nam chưa từng đạt được, có mặt ở một Thế vận hội, ở đây là Thế vận hội Tokyo 2020. Chờ những điều tốt đẹp, và những chiến thắng, ở phía trước...

Tôi lạc quan vì chúng ta có những cầu thủ giỏi và một HLV giỏi, nhưng tôi lo lắng và thậm chí bi quan bởi những vấn đề nội tại. Những vấn đề ấy không khác gì những tảng băng trôi đe doạ đánh đắm con tàu bóng đá Việt Nam đang lao ra biển lớn. Nhưng vẫn phải hy vọng, phải đợi chờ. 2019 sẽ là một năm đầy chông gai, một năm chờ sự khẳng định ở đấu trường khu vực, với sân chơi SEA Games mà chúng ta chưa từng chạm tới huy chương vàng, và là một năm bản lề để hướng tới một mục tiêu nữa mà bóng đá Việt Nam chưa từng đạt được, có mặt ở một Thế vận hội, ở đây là Thế vận hội Tokyo 2020. Chờ những điều tốt đẹp, và những chiến thắng, ở phía trước...

Để những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao ảnh 6
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.