Đề xuất miễn visa cho công dân các nước sạch Covid-19

Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất Chính phủ cân nhắc miễn visa cho công dân các nước an toàn trong Covid-19.
Ông Hoàng Nhân Chính trong buổi báo cáo về kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 ngày 28/5
Ông Hoàng Nhân Chính trong buổi báo cáo về kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 ngày 28/5

PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về vấn đề miễn visa.

- Thưa ông, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt và gây được sự chú ý trên thế giới. Liệu du lịch Việt Nam có thể tận dụng thành công này để thực hiện một chiến lược marketing mới nhằm tiếp cận du khách quốc tế hiệu quả hơn?

- Đây là điều chắc chắn. Việc Việt Nam có thể khống chế được Covid-19 gây ngạc nhiên với nhiều nước trên thế giới, nhiều nhân vật nổi tiếng ca ngợi vấn đề này. Một bằng chứng là từ khóa "du lịch Việt Nam" nằm trong top 3 tìm kiếm của khách Mỹ. Các doanh nhân cũng bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng đầu tư, đó cũng là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch.

Trong hoạt động marketing, quảng bá sắp tới, nước ta có thể tìm một khẩu hiệu như "Việt Nam - Điểm đến an toàn", bởi an toàn là điều làm khách du lịch cảm thấy yên tâm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để tìm ra được một slogan chuẩn cần có đội ngũ chuyên gia.

Việc quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới không nên chỉ chú trọng vào yếu tố an toàn, mà còn phải đặc sắc. Khi cân nhắc kết hợp nhiều yếu tố như vậy, chúng ta mới có thể đưa ra một thương hiệu du lịch mới, thay đổi slogan Vietnam - Timeless Charm (Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn). Trước đây Việt Nam nổi tiếng an toàn về an ninh, không có khủng bố, không có xung đột vũ trang nên khách du lịch rất thích. Bây giờ thêm yếu tố an toàn giữa dịch bệnh là điều Việt Nam nên khai thác.

- Chiến lược đó nên được xây dựng và thực hiện như thế nào, thời điểm nào là phù hợp?

- Để xây dựng được một chiến lược về marketing, đầu tiên Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch và Tổng cục Du lịch (TCDL) phải xây dựng được chiến lược phát triển du lịch cho Việt Nam. Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, trước đây Việt Nam có thể tính tới những thị trường trọng điểm nhưng giờ cơ cấu thị trường đã thay đổi, sản phẩm du lịch, nhu cầu, hành vi của khách hàng cũng thay đổi, khiến cho cách giao dịch cũng thay đổi... Vì vậy, chiến lược du lịch Việt Nam cần thay đổi để phù hợp. Từ chiến lược phát triển ngành mới có thể tiếp tục xây dựng được chiến lược quảng bá.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần tập trung là e-marketing. Bởi hiện nay tiếp thị truyền thống sẽ không thể hiệu quả được nữa. Tất cả việc này cần công ty chuyên nghiệp đánh giá, đưa ra những nhận định lâu dài, chỉ một vài người thì không có tầm nhìn xa. Thời gian triển khai sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Thời điểm tốt nhất là làm trong năm nay, nhưng chúng ta vẫn phải tính lại sao cho phù hợp.

Đề xuất miễn visa cho công dân các nước sạch Covid-19 ảnh 1
Việt Nam có lợi thế cảnh quang thiên nhiên được du khách công nhận. Vịnh Hạ Long luôn nằm trong nhóm những điểm đến đẹp của thế giới

- Những thị trường khách quốc tế nào Việt Nam nên tập trung quảng bá?

- Nếu có mở cửa, Việt Nam chỉ nên mở với những nước an toàn về dịch bệnh. Các nước đó phải vừa an toàn trong Covid-19, vừa có nhu cầu về du lịch.

Nguyên tắc trong du lịch: để quảng bá, xúc tiến du lịch đến một khách quốc tế, thông thường phải mất 6 tháng khách mới có thể hiểu, có cảm hứng với Việt Nam. Quá trình này cần thực hiện dài ngày, cung cấp nhiều hình ảnh, video, triển khai chiến dịch truyền thông bài bản... để thuyết phục khách. Tiếp tục mất khoảng 3 tháng khách mới đặt tour. Như vậy để thu hút được một khách quốc tế, chúng ta phải mất ít nhất 9 tháng.

Hiện nay chúng ta không đánh giá được khách nước nào sẽ đến. Vì vậy, cách quảng bá, xúc tiến vẫn là "hâm nóng tình yêu Việt Nam" qua Internet, quảng bá online lúc nào cũng phải làm, không đợi hết dịch. Còn để làm những chuyến đi như roadshow, hội chợ, famtrip, chúng ta phải đợi đến thời điểm nước đó an toàn.

- Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam cấp visa điện tử cho công dân 80 nước kể từ 1/7. Việt Nam cần có chính sách nào tiếp theo để tận dụng ưu thế của việc cấp visa này?

- Theo tôi hiểu, đây là quyết định của Chính phủ đưa ra từ chương trình thí điểm trước đây do quốc hội đề cử. Khi đó chúng ta chưa có luật xuất nhập cảnh, chưa có một câu chữ nào về visa điện tử. Cho nên Chính phủ có xin phép quốc hội thử nghiệm chương trình thí điểm áp dụng visa điện tử. Nhưng sau khi có Luật xuất nhập cảnh mới thì đã có một chương về visa điện tử. Vì thế Chính phủ đã ra nghị quyết mới để đáp ứng luật. Đây chỉ là hợp thức hóa chính sách thị thực điện tử. Còn khi công dân các nước muốn xin visa Việt Nam vẫn có thể bị Chính phủ Việt Nam từ chối. 

Về các chính sách tiếp theo để thu hút du khách, trong cuộc họp tuần trước có nhiều đại biểu nói hậu Covid-19 là cơ hội mở cửa đón khách quốc tế. Bởi Việt Nam đang là điểm sáng khống chế dịch bệnh. Số điểm sáng như Việt Nam không nhiều, chỉ 5 - 7 nước. 

Nếu tranh thủ được thời gian ta mở cửa được sớm, Việt Nam có thể thu hút được khách so với các nước lân cận. Một số nước láng giềng không thể mở cửa cạnh tranh ở thời điểm hiện tại như Thái Lan, Singapore, Indonesia...

Trước khi mở cửa, nước ta cần chính sách visa tốt hơn trước, ít nhất là những nước đã được miễn visa thì tiếp tục áp dụng, nếu có thể thì tăng thêm số nước được miễn. Thực tế thị trường khách du lịch sau Covid-19 có nhiều thay đổi, nên chúng ta phải tính toán lại chứ không dựa trên cảm tính.

Chẳng hạn, những nước như New Zealand, Australia đang có khả năng an toàn trong đại dịch và khách chi tiêu cao. Trước đây họ đến Indonesia, Singapore, Thái Lan nhiều, bây giờ Việt Nam sẽ thu hút nguồn khách này rất tốt. Nhưng ta chưa miễn visa cho công dân New Zealand, Australia. Đây là vấn đề phía TAB đang đặt ra để đề xuất với Chính phủ.

- Nhiều quốc gia tái cơ cấu thị trường khách quốc tế chọn lọc hơn, không đại trà. Việt Nam có cần tính toán vấn đề này để không quá phụ thuộc vào một nguồn khách, như Trung Quốc chẳng hạn?

- Vấn đề này, kể cả trước Covid-19 TAB đã đề xuất không nên phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Bởi thị trường chiếm quá 25% gọi là thị trường chi phối, và sẽ có nhiều rủi ro.

Tái cơ cấu thị trường là vấn đề đáng suy nghĩ. Cơ cấu thị trường có nhiều hướng. Thứ nhất, không để bất kỳ một thị trường nào là thị trường chi phối. Thứ hai, làm sao để tổng thu nhập từ du lịch tăng lên. Nếu đã làm ngành kinh tế phải tính toán xem du lịch đóng bao nhiêu GDP cho đất nước. Chúng ta phải tìm cách làm sao để chi tiêu khách du lịch cao hơn để tăng thu nhập. Vậy nên tái cơ cấu thị trường sẽ cần được tính toán lại rất nhiều, Covid-19 cũng là thời cơ để chúng ta quyết liệt làm luôn.

Theo Vnexpress
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.