Đến trường mùa nắng nóng: Làm sao để đảm bảo an toàn?

Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ học sinh trên cả nước quay trở lại trường học khi phượng đã nở, ve đã kêu. Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng nhưng vẫn phải đến trường khiến nhiều trẻ nhỏ gặp khó khăn. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý bảo vệ sức khỏe con trẻ trong “những tháng ngày đặc biệt” này. 
Bác sĩ BV Nhi đồng 1 TPHCM khám bệnh cho một bệnh nhi mắc bệnh đường tiêu hóa
Bác sĩ BV Nhi đồng 1 TPHCM khám bệnh cho một bệnh nhi mắc bệnh đường tiêu hóa

Học sinh mệt mỏi khi quay trở lại trường học

Mới quay trở lại trường học được 3 ngày nhưng bé Phạm Quỳnh Giao, học sinh lớp Một 3, Trường Tiểu học An Phú Tây 2, huyện Bình Chánh tỏ ra vô cùng mệt mỏi. Chị Mai Thị Hải, mẹ bé Quỳnh Giao chia sẻ, do nghỉ dịch COVID-19 quá dài ngày nên khi quay lại đi học bé vẫn chưa kịp thích nghi. Bên cạnh đó, thời tiết đang bước vào cao điểm nắng nóng càng làm cho trẻ mệt mỏi hơn.

CÁC BỆNH LÝ CẦN LƯU Ý Ở TRẺ TRONG MÙA NẮNG NÓNG

- Các bệnh hô hấp.
- Bệnh tiêu hóa.
- Bệnh lý về da. 
- Các bệnh truyền nhiễm.

Còn chị Phạm Thị Hường (quận Bình Thạnh, TPHCM) thì lại vô cùng “xót xa” khi mỗi ngày phải đón con về giữa trời nắng. “Nhiều nơi đã tổ chức học bán trú nhưng trường con tôi mới chỉ học 1 buổi, 11 giờ trưa đón con về trong cái nắng nóng kinh người như thế này xót quá. Mình người lớn còn không chịu nổi khi ra đường vào thời điểm này chứ đừng nói đến con trẻ”, chị Hường cho hay.

Nắng nóng cũng khiến nhiều trẻ em ngã bệnh và phải đến bệnh viện khám bệnh. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nhiều phụ huynh đưa con em mình đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp trong những ngày nắng nóng. Đang chờ lấy thuốc tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (quận Tân Bình) cho biết, vừa quay trở lại trường sau đợt nghỉ dịch COVID-19 thì con trai chị liên tục bị đau bụng. “Ba ngày nay con trai tôi bị đau bụng âm ỉ, tranh thủ học sau buổi học đầu tiên tôi đưa con đi khám bệnh, giải quyết tình trạng này để cháu còn có sức khỏe đến trường”, chị Tâm chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thời tiết tại TPHCM và các tỉnh lân cận đang bắt đầu bước vào những ngày cao điểm nắng nóng, do đó trẻ nhỏ vốn cơ thể còn yếu là đối tượng đầu tiên chịu sự ảnh hưởng từ thời tiết này. Nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ bị rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, hoạt động của tim phổi nhiều hơn khiến bé dễ mệt và kiệt sức, hệ miễn dịch bị giảm nên khả năng chống chọi với vi khuẩn cũng giảm theo. Hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 2.500 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là các nhóm bệnh hô hấp, tiêu hóa, các bệnh lý về da, mắt…

Đảm bảo sức khỏe cho trẻ mùa nắng nóng

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh lý ở trẻ em tăng vọt. Dù đến thời điểm này số lượng trẻ phải đến bệnh viện điều trị chưa nhiều do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trẻ em cũng được bảo vệ tốt hơn. Thế nhưng hiện nay, khi trẻ em bắt đầu quay trở lại trường học vào cũng là thời điểm nắng nóng trên diện rộng thì nguy cơ có thể bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Nhất là các loại bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc gần, ăn uống chung như: tay chân miệng, cảm cúm, các bệnh mũi họng…

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nam, trẻ nhỏ cũng có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm khác trong quá trình đến trường vào những ngày nắng nóng. Có thể kể đến như:

- Các bệnh lý hô hấp: Thời tiết nắng nóng khiến cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi, họng, viêm amidan, viêm phổi. Đặc biệt, việc sử dụng máy lạnh (điều hòa) liên tục trong thời gian này càng làm cho trẻ dễ rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột, hệ thống bảo vệ đường hô hấp của trẻ vì thế cũng dễ bị “hư hỏng” hơn.

Vào những ngày nắng nóng, chỉ số tia UV ở mức cao, nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của trẻ nhỏ, về lâu dài có thể gây ung thư da.

- Bệnh tiêu hóa tấn công trẻ: Nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh. Thức ăn dễ ôi thiu, biến chất là một trong những nguyên nhân chính khiến cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu.

- Các bệnh lý về da: Việc đi lại thường xuyên giữa trời nắng nóng khiến cho nhiều trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bức xạ tia cực tím. Nguy hiểm nhất là thời điểm từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều khi chỉ số tia UV ở mức cao. Nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng ở thời gian này khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của trẻ nhỏ, về lâu dài có thể gây ung thư da. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến tuyến mồ hôi của trẻ hoạt động mạnh. Nếu không đảm bảo vệ sinh trẻ có thể mắc các bệnh viêm da, lở loét, mụn nhọt...

Đến trường mùa nắng nóng: Làm sao để đảm bảo an toàn? ảnh 1

Nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ bị rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi. Nên hướng dẫn và nhắc nhở trẻ cách bù nước đúng cách

- Các bệnh lý khác: Bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm các loại trái cây bắt vào vụ thu hoạch, đây là cơ hội để các loại côn trùng phát triển, vì thế các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng có thể tăng theo.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam khuyến cáo, để tránh nguy hiểm cho trẻ trong giai đoạn thời tiết nguy hiểm này đồng thời đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi trở lại trường học, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, thực hành ăn chín uống sôi, không cho trẻ ăn thức ăn không đảm bảo an toàn bán ngoài đường, tăng cường rau củ quả, thường xuyên uống nước, bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin…

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần cho trẻ ngủ đủ giấc, hạn chế đi lại trong thời tiết nắng nóng, nếu trẻ phải đến trường giữa trời nắng thì phải che chắn cẩn thận bằng cách mặc áo khoác, đội mũ rộng vành… Phụ huynh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tạo không gian sống thoáng mát; tập cho trẻ thói quen rửa tay, đeo khẩu trang, không đi đến chỗ đông người… vừa đề phòng dịch bệnh COVID-19 vừa có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.

“Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh không nên tự ý điều trị mà cần theo dõi triệu chứng, đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị. Và tuyệt đối không cho trẻ đến trường nếu nghi ngờ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm để đảm bảo an toàn cho trẻ khác”, bác sĩ Nam khuyến cáo.

Theo SK&ĐS
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.