Trải qua ba làn sóng dịch bệnh, các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục lao đao với những lần “đóng - mở cửa” kéo dài hàng tháng. Việc vắng bóng các du khách trong nước và quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu cần phải có một loại vaccine để cứu sống các di sản.
_____________________
Kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực tới hoạt động của các khu di tích lịch sử, các bảo tàng và không gian văn hóa tại Hà Nội, đặc biệt là lượng du khách tới tham quan.
Theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 2016, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là gần 400 nghìn lượt; đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt và ước đến năm 2020 sẽ đạt 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2016 đạt 6,23 tỷ đồng; ước cả năm 2019 đạt trên 12 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, lượng khách tham quan Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã suy giảm đáng kể, chỉ đạt 30% so với năm 2019.
“Trong thời gian khu di sản đóng cửa để phòng dịch, một số bộ phận nhân viên phải nghỉ luân phiên và làm việc tại nhà, nguồn thu nhập cũng giảm 50%”, đại diện Trung tâm cho biết. “Các sự kiện do Trung tâm tổ chức như Tân Sửu nghênh Xuân, Lễ tiến Xuân Ngưu mặc dù được chuẩn bị công phu, hấp dẫn cũng phải tạm dừng, chỉ thực hiện nghi thức nội bộ hoặc tiết giảm quy mô, hạn chế số lượng người tham dự”.
Những năm trước, Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò thường thu hút được rất nhiều du khách nước ngoài ghé chân đến, thế nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng du khách quốc tế suy giảm rõ rệt.
Chị Hoàng Thúy Hạnh, một hướng dẫn viên tại di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, chia sẻ cảm giác hụt hẫng khi không được đón tiếp các du khách nước ngoài, đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh Mỹ. “Tôi luôn có cảm tình khi gặp gỡ các đoàn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, mỗi lần trao đổi với họ tôi lại khai thác thêm được nhiều kiến thức, câu chuyện mới. Họ đều đã cao tuổi và không còn nhiều thời gian để quay trở lại Việt Nam. Tôi mong dịch bệnh sớm kết thúc để họ có cơ hội tới đây và có dịp hồi tưởng lại những năm tháng quá khứ”, chị Hạnh nói.
Dù việc mở cửa bị ngắt quãng giữa các làn sóng dịch bệnh, nhưng các hướng dẫn viên như chị Thúy Hạnh vẫn liên tục nghiên cứu và trau dồi hoạt động chuyên môn để một khi dịch bệnh kết thúc, họ sẽ sẵn sàng “chiêu đãi” du khách những sản phẩm đặc sắc.
“Mỗi năm, chúng tôi có 8 cuộc triển lãm trưng bày nối tiếp nhau để liên tục có những sản phẩm mới nhằm thu hút du khách. Có thể thấy dù đóng cửa nhưng toàn bộ nhân viên di tích không nghỉ mà vẫn làm việc như thường”, chị Hạnh cho biết.
Trước thực trạng du khách quốc tế chưa thể quay trở lại Việt Nam, các di tích lịch sử, bảo tàng tại Hà Nội đã phải sáng tạo ra nhiều cách thức như đổi mới cách trưng bày, tạo ra những câu chuyện, nội dung hấp dẫn, hợp thời đại để nhắm tới đối tượng du khách trong nước, đặc biệt là giới trẻ, nhóm học sinh, sinh viên.
Với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, các di tích đã kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội để cho ra mắt các sản phẩm du lịch, với hai mục tiêu chính: khuyến khích người Hà Nội đi du lịch Hà Nội và thu hút khách du lịch trong nước.
Trong năm 2020, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng đã xây dựng tour dành cho khách nội địa với chủ đề “Chạm vào quá khứ”, hay tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.
Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là đơn vị tiêu biểu trong việc “làm mới” bản thân để thu hút khách du lịch trong nước. Bằng việc ra mắt chương trình trải nghiệm “Đêm linh thiêng: Sống như những đóa hoa” – một tour tham quan vào buổi tối tại Nhà tù Hỏa Lò, đã đem tới trải nghiệm độc đáo, khó quên cho du khách.
Một điểm đổi mới trong cách quảng bá của Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đó là xây dựng trang fanpage trên Facebook với nội dung hướng tới giới trẻ nhưng không chỉ là giáo dục lịch sử đơn thuần.
Đội ngũ truyền thông của Khu di tích này đã thổi một luồng gió mới, thay vì chọn cách tiếp cận là cung cấp các nội dung truyền thống, các bài viết mang tính nghiên cứu, học thuật thì fanpage sẽ mang sắc thái trẻ trung, hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo tính chất của một di tích lịch sử.
“Bằng chứng rõ rệt nhất cho sức hút của Hỏa Lò đó là ngay khi di tích được mở cửa trở lại từ 12h trưa ngày 8/3, gần như 100% lượng khách tới xếp hàng mua vé là các bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên”, chị Thúy Hạnh chỉ ra.
Nhờ sự đổi mới trong tư duy quảng bá sản phẩm, Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò không chỉ còn là điểm đến của các du khách nước ngoài và người lớn tuổi mà còn hấp dẫn nhiều bạn trẻ yêu lịch sử hoặc muốn tới đây để có những trải nghiệm, cảm xúc mới lạ.
Từ các hoạt động nêu trên, có thể thấy việc đổi mới cách xây dựng nội dung, sản phẩm và phương thức truyền thông đã góp phần đưa các di tích đến gần hơn với công chúng, thu hút khách tham quan và tăng nguồn thu bán vé cho các di sản.
Với việc các du khách quốc tế bị cầm chân tại quê nhà, một phương án được đặt ra để cứu lấy các di sản đó là số hóa toàn bộ các hiện vật, công trình và đưa vào môi trường thực tế ảo, để các du khách dù ở xa nhưng vẫn có thể khám phá các địa điểm, di tích lịch sử chỉ qua màn hình máy tính hoặc kính thực tế ảo (VR).
Theo TS Trần Trọng Dương từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trào lưu chuyển đổi các di sản sang dạng số thức hay còn gọi là di sản kỹ thuật số (digital heritage) trên thế giới đã có từ cách đây 30 năm.
“Trào lưu này đã giúp thay đổi phương thức nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu, hay thậm chí thay đổi hoạt động của các Viện, trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn, trong đó có UNESCO. Các trường đại học hàng đầu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia cũng đã thành lập các khoa liên quan tới di sản kỹ thuật số”, TS Dương cho biết.
Tình hình dịch bệnh phức tạp đã thôi thúc sự ra đời của các bảo tàng số, các triển lãm số. Chỉ cần một chiếc kính VR, người xem có thể trực tiếp bước vào hang động Mạc Cao (Trung Quốc) hay thám hiểm của tòa kim tự tháp Ai Cập, dù đang ở ngay trong nhà mình.
Ở Việt Nam, đã có nhiều cơ sở bảo tàng và di tích thực hiện chuyển đổi số. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hoặc hệ thống nhà cổ Hội An đều được quét 3D để du khách có thể gián tiếp tham quan từ xa.
Ngay tại Hà Nội, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã triển khai các hình thức trưng bày trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ, ứng dụng công nghệ 3D trong nghiên cứu, bảo tồn di tích, phục dựng các di tích khảo cổ bằng công nghệ 3D, sử dụng GIS để hệ thống hóa dữ liệu thông tin, số hóa hiện trạng di sản phục vụ công tác quản lý di sản, hỗ trợ nghiên cứu, khai thác thông tin; phát triển các ứng dụng tiện ích phục vụ khách tham quan và các phần mềm quản lý tài liệu, hiện vật…
Ngày 23/11 năm 2020, TS Trần Trọng Dương cùng các cộng sự thuộc nhóm Sen Heritage đã cho ra mắt trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”.
Chỉ cần một chiếc kính VR, người xem có thể trực tiếp bước vào không gian của Thăng Long cách đây hơn 900 năm để chiêm ngưỡng chùa Một Cột – biểu tượng của kiến trúc thời Lý.
Sản phẩm của Sen Heritage có sự kết hợp của công nghệ VR, video 3D, AR (thực tế ảo tăng cường) để số hóa hình thái kiến trúc chùa Một Cột thời Lý. Lợi thế của các công nghệ này cho phép đội ngũ phát triển xây dựng Chùa Một Cột như thực từ các cứ liệu khảo cổ trong môi trường kỹ thuật số với tỷ lệ gần như chính xác tuyệt đối.
Theo ông Trần Trọng Dương, ưu điểm của các công nghệ kỹ thuật số đó là giúp các nhà khoa học kiểm tra giả thuyết của mình có độ chính xác là bao nhiêu và từ đó linh hoạt điều chỉnh các giả thuyết sao cho chính xác nhất. Một ưu điểm khác của số hóa di sản đó là có thể áp dụng cho hệ thống giáo dục.
Các hình ảnh 3D có thể là ví dụ trực quan sinh động, tạo ra ấn tượng thị giác mạnh cho các bạn học sinh sinh viên, giúp các nội dung khoa học trở nên gần gũi nhất.
“Thay vì chỉ nhìn các hiện vật khảo cổ và đoán nó nằm ở đâu thì bản phục dựng bằng kỹ thuật số giúp chúng ta hiểu được hóa ra mảnh vụn này nằm trên nóc công trình, hay từ một bức phù điêu”, TS Trần Trọng Dương chỉ ra. “Lắp ghép các mảnh vụn này thành một tổng thể hoàn chỉnh sẽ giúp truyền cảm hứng lịch sử mạnh mẽ tới các bạn trẻ”.
Trước “cơn bão” COVID-19, các di sản cần nghĩ ra nhiều “phao cứu sinh” và vaccine để tồn tại, từ đối mới nội dung, hình thức cho tới áp dụng các tiến bộ công nghệ,... Những thay đổi mới này sẽ đảm bảo cho di sản được sống mà vẫn hướng tới công chúng, tới cộng đồng.
Bài: Huy Vũ
Thiết kế: Thúy Hà