Cuộc cách mạng trong nhận thức
Mỗi sáng, bà Xu đặt mua hàng thông qua một ứng dụng di động. Sau đó, bà vừa nghe bản tin trên điện thoại vừa nấu ăn. Buổi chiều là thời gian để chia sẻ hình ảnh các món ăn với bạn bè. Sau bữa tối, vợ chồng bà sẽ hát karaoke thông qua một ứng dụng trực tuyến và háo hức chờ đợi những người khác nhận xét về màn trình diễn của họ.
Giống như hàng triệu người cao tuổi Trung Quốc, sự lây lan của dịch Covid-19 đã buộc bà Xu phải có cái nhìn khác về công nghệ. Trong bối cảnh cả nước chống dịch bệnh, các khu chợ, cửa hàng và công viên mà bà thường lui tới ở trung tâm thành phố Thượng Hải đột nhiên đóng cửa - khiến người phụ nữ cảm thấy trống trải.
"Lúc đầu, tôi rất bực mình. Tôi còn không biết làm thế nào để mua đồ ăn, chứ đừng nói đến việc tìm nơi để giải trí", bà chia sẻ.
Mặc dù các thành phố của Trung Quốc hiện đang dần trở lại với cuộc sống thường nhật, các công ty công nghệ của nước này đang hy vọng tình trạng phong tỏa sẽ giúp thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của người cao tuổi, mở ra một thị trường với tiềm năng rất lớn.
Trung Quốc có khoảng 250 triệu người trên 60 tuổi và con số này dự kiến sẽ vượt qua 480 triệu vào giữa thế kỷ này. Tại Thượng Hải, hơn 1/3 cư dân ở độ tuổi trên 60.
Trước đây, người cao niên Trung Quốc ít sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số hơn nhiều so với thế hệ trẻ. Theo dữ liệu do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2018, khoảng 60% người trên 50 tuổi xem video trên điện thoại thông minh của họ và chỉ hơn một nửa sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số như Alipay và WeChat Pay.
Khoảng 1/3 nhóm này sử dụng các ứng dụng chỉ đường và mua sắm trực tuyến, trong khi chỉ 1/4 sử dụng các dịch vụ thuê xe.
Nhưng các hãng công nghệ đã ghi nhận doanh số từ những khách hàng cao tuổi kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, theo Duan Mingjie - người sáng lập AgeClub, một công ty tư vấn cho các thương hiệu về cách nhắm mục tiêu vào khách hàng lớn tuổi.
"Nhiều khách hàng của chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể ở người lớn tuổi và doanh số của một số dịch vụ phải trả tiền đã tăng 50-80%", Duan nói. "Chính quyền đã khuyến khích người già sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong cuộc sống".
Những người hưởng lợi lớn nhất là các công ty bán hàng trực tuyến. Khách hàng đã chuyển sang các dịch vụ giao hàng theo nhóm để tránh phải lui tới các siêu thị hoặc do không thể rời khỏi nhà.
Vào dịp Tết Nguyên đoán, siêu thị trực tuyến Alibaba Hema đã báo cáo số lượng đơn đặt hàng đã tăng 220% mỗi ngày. Doanh số cho các đối thủ cạnh tranh như Miss Fresh và JD.com lần lượt tăng 350% và 470% trong cùng kỳ.
Theo Alibaba, số lượng đơn đặt hàng tạp hóa được đến từ các khách hàng lớn tuổi cao gấp 4 lần trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Miss Fresh tuyên bố số người dùng trên 40 tuổi của họ đã tăng tới 237% vào thời gian qua.
Vợ chồng bà Xu bắt đầu sử dụng các ứng dụng đặt hàng vào cuối tháng 1. Dù có một khu chợ truyền thống chỉ cách nhà vợ chồng bà 10 phút đi bộ, nhưng thiếu khẩu trang khiến bà không dám mua đồ tại đó nữa.
"Con gái từng cố gắng thuyết phục tôi về việc mua đồ bằng cách sử dụng các ứng dụng trong hơn một năm qua, nhưng chỉ tới hiện tại tôi mới thực sự hòa mình với công nghệ", bà cho biết.
Cặp vợ chồng đã tải xuống 5 ứng dụng theo khuyến nghị của con gái họ. Tuy nhiên, các dịch vụ đã không hề tiện lợi như họ mong đợi. Do đặt hàng với số lượng lớn, kết hợp với sự thiếu hụt tài xế giao hàng, khiến bà Xu không nhận được đầy đủ những thứ mình đặt mua.
"Tôi đặt báo thức để đặt hàng cho mỗi ứng dụng vào buổi sáng. Sớm nhất là vào lúc 4:30 sáng. Tôi hầu như có được những gì mình muốn. Tôi thậm chí còn gửi được một số thứ cho con gái mình, vì con bé không thể dậy sớm như vậy", Xu nói.
Trước đại dịch, bà Xu ước tính chưa đến 10% bạn bè của mình thử đặt hàng qua mạng. Bây giờ, con số này gần như là 100%. Qua các nhóm trên ứng dụng nhắn tin WeChat, bạn bè của bà Xu liên tục gửi cho nhau xem các món hàng và mẹo để được giảm giá.
Người cao tuổi Trung Quốc cũng đã sử dụng công nghệ để đáp ứng các nhu cầu khác. Chen Xianhua, một kế toán đã nghỉ hưu từ Thượng Hải, cho biết bà đã đặt mua thuốc và tìm tư vấn bác sĩ thông qua các ứng dụng sức khỏe.
Meituan, một trong những nền tảng giao hàng lớn nhất của Trung Quốc, đã báo cáo các đơn đặt hàng thuốc liên quan đến các bệnh mãn tính bao gồm huyết áp cao, tiểu đường và viêm khớp tăng hơn 200% trong Tết năm nay.
"Bầu không khí xã hội hiện tại khá ảm đạm, chúng ta cần giữ tinh thần lạc quan của mình. Không có những ứng dụng này, tôi không biết chồng tôi sẽ như thế nào", bà Chen nói.
Trào lưu nhất thời hay xu hướng mới?
Đối với những hãng công nghệ, câu hỏi đặt ra là liệu những người dùng cao tuổi có tiếp tục sử dụng dịch vụ trực tuyến nếu dịch bệnh kết thúc. Một số công ty đã đề ra các chiến lược để nhắm vào người cao tuổi, đánh giá đây là một thị trường giàu tiềm năng.
Miss Fresh đã công bố kế hoạch tung ra các dịch vụ và danh mục sản phẩm mới cho người lớn tuổi, sau khi nhìn thấy tiềm năng trên thị trường trong những tuần gần đây. Alibaba đã vào cuộc bằng cách ra mắt phiên bản đặc biệt thân thiện với ứng dụng mua sắm Taobao vào năm 2018.
Dù vậy, Chen cho rằng mình vẫn thích đi chợ vì muốn gặp gỡ hàng xóm và mặc cả các món hàng. Nhưng bà vẫn coi trọng vai trò của các ứng dụng mua sắm, đặc biệt là khi trời mưa hoặc những ngày cảm thấy mệt mỏi.
"Lúc đầu, tôi khá băn khoăn về chất lượng hàng hóa. Sau đó, tôi nhận ra các loại rau mà tôi đặt mua qua mạng cũng tươi ngon như những loại rau mà tôi tự chọn trong chợ", bà cho biết.
Một số ứng dụng còn cung cấp các công thức nấu ăn, gợi ý các nguyên liệu mới và cho phép người dùng tự đăng tải các bí kíp nấu ăn lên ứng dụng. Bà Chen rất thích đọc những bình luận về công thức của mình.
"Tôi rất thích online vì tôi không muốn bị tụt hậu", Chen nói.
Người sáng lập AgeClub Duan nói rằng nhiều người dùng đã thay đổi suy nghĩa của họ về công nghệ trong thời buổi phải hạn chế giao tiếp thông thường.
"Đại dịch này sẽ có tác động đáng kể, vì nó sẽ khiến nhiều người cao tuổi hình thành thói quen tiêu dùng trực tuyến mới", Duan nói. "Một khi người dùng cao tuổi quen với internet, họ thấy có nhiều sự lựa chọn trên mạng hơn".
Bà Xu không còn thức dậy trước bình minh để đặt đơn hàng, nhưng bà vẫn thích làm con gái ngạc nhiên bằng việc mua đồ cho con qua mạng.
"Con gái tôi nói rằng nó chưa từng nghĩ có ngày mẹ sẽ đặt mua rau cho mình qua mạng. Điều này khiến tôi cảm thấy mình vẫn hữu dụng và bắt kịp xu thế", người phụ nữ bộc bạch.