Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cung cấp thêm vũ khí và hệ thống phòng không để giúp quân đội nước này giành ưu thế trong cuộc chiến với Nga.
Tuyên bố đứng về phía Ukraine của G7 báo hiệu rằng các quốc gia giàu nhất thế giới đã sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Kyiv trong chặng đường dài, vào thời điểm lạm phát tăng vọt và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã thử thách các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine chừng nào còn cần thiết", tuyên bố chung của lãnh đạo G7 cho biết.
Các nước G7 cho biết họ sẵn sàng đưa ra các cam kết an ninh trong một giải pháp sau chiến tranh trong khi nhấn mạnh rằng chính Ukraine sẽ quyết định một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với Nga.
Các nước G7 cho biết họ cũng đã cam kết hoặc sẵn sàng viện trợ tới 29,5 tỷ USD cho Ukraine.
Thông báo được đưa ra khi Nhà Trắng cho biết Nga đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài lần đầu tiên trong một thế kỷ, một tuyên bố mà phía chính quyền Moscow bác bỏ.
Các quốc gia G7, vốn tạo ra gần một nửa sản lượng kinh tế của thế giới, muốn gây áp lực lên Nga mà không gây ra lạm phát tăng vọt, vốn đang gây ra căng thẳng ở trong nước và tàn phá đà phục hồi toàn cầu sau COVID-19.
Các biện pháp trừng phạt mở rộng cũng sẽ nhắm vào nguồn thu của Nga từ xuất khẩu vàng và dầu mỏ.
Việc áp đặt trần giá dầu nhằm mục đích đặt gánh nặng duy trì chiến tranh lên vai Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi thực tế là nhằm hạ giá năng lượng toàn cầu.
"Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 là nhắm trực tiếp vào nguồn thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, nhưng cũng để giảm thiểu tác động lan tỏa đến các nền kinh tế G7 và phần còn lại của thế giới", một quan chức Mỹ cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga và các biện pháp mới nhằm tiếp tục tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Các nước G7 sẽ làm việc với các nước lớn khác - bao gồm cả Ấn Độ - để hạn chế nguồn tiền của Nga.