Giảm thuế VAT: Kích thích, hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua chiều 30/11 đã cho phép tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% có ý nghĩa và tác động tới hầu hết mọi người dân và các doanh nghiệp. Bởi khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Thuế trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: Việc giảm thuế VAT là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lý Phương Duyên - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Từ đó, là động lực rất lớn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như tiếp đà tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2025.

Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, việc giảm thuế VAT cũng giúp cho giá bán hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% so với việc áp dụng thuế suất 10%. Từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra là vừa kích cầu tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bà T.A.V, giám đốc công ty chuyên về hàng tiêu dùng tại Hà Nội phấn khởi cho biết: Với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ khiến nhiều sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với trước, giúp công ty giảm được một phần giá bán và kích thích được sự mua sắm của người tiêu dùng trong điều kiện kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay.

“Việc kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng nửa đầu năm 2025 không chỉ người dân đỡ khó khăn mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi sức mua được cải thiện hơn…", bà T.A.V nói

Chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) - một người nội trợ cho biết: Trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng cao như học phí, nhu yếu khẩu hàng ngày, trong khi thu nhập của nhiều người làm công ăn lương như chị đều giảm sút mạnh thì việc giảm 2% thuế VAT có vẻ ít nhưng thực tế cộng lại cũng là khoản tiền.

Bộ Tài chính cho hay, việc giảm thuế VAT dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng.

Năm 2025 là năm thứ tư, Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ nền kinh tế, tăng kích cầu tiêu dùng. Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế VAT tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, số thuế giá trị gia tăng được giảm ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
(Ngày Nay) - Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức những ngày qua, đã trở thành tâm điểm trên bình diện văn hóa quốc gia, với chuỗi các hoạt động ấn tượng, nhiều màu sắc, mang đến một cách nhìn, cách tiếp cận mới về lịch sử thông qua ngôn ngữ của thơ văn, âm nhạc và công nghệ.
Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi.
Khu vực phía Nam: Trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh
(Ngày Nay) - Liên tục trong những ngày qua, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do mắc sởi. Bệnh đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
(Ngày Nay) - Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt.
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
(Ngày Nay) - Chùa Yên Phú có tên chữ là Thanh Vân tự, sau đổi thành Khánh Hưng tự - là một trong nhng ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Nam, với bề dày lịch sử 2.000 năm và những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.