Mục đích chưa thuyết phục
Quá trình cải tiến giáo dục, nhất là đánh giá, công nhận học sinh tốt nghiệp THPT đã được thực hiện nhiều lần suốt 40 năm qua. Năm 1975, học sinh cả nước thi tốt nghiệp THPT 6 môn. Giai đoạn trước năm 2000, thi tốt nghiệp THPT 4 môn. Từ năm 2000 -2014, Bộ tăng số môn thi tốt nghiệp THPT lên 6 môn. Năm 2014, số lượng các môn thi bắt buộc đối với thi tốt nghiệp quốc gia giảm xuống còn 4 môn.
Bước cải tiến lớn nhất là từ 2015, để giảm áp lực cho học sinh, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia kiểu “2 trong 1” vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt cho Bộ thực hiện đến năm 2020. So với trước đó, học sinh phải thi tốt nghiệp THPT rồi thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)…
Bộ vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “hai trong một” (xét tốt nghiệp THPT và lấy đó làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ) mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.
Tuy nhiên, việc gộp 2 cuộc thi làm một đã gây không ít xáo trộn trong việc học và thi của học sinh hiện nay. Chưa kể trong quá trình thi năm ngoái, nhiều địa phương để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, chấm thi gian dối, hội đồng thi lỏng lẻo, bao che sai phạm … khiến không ít phụ huynh và học sinh chán nản trước thềm kỳ thi 2019.
Trước kỳ thi THPT quốc gia 2019 chính thức diễn ra, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội lẫn cử tri, chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn với câu hỏi giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia trên nghị trường. Chất lượng học và thi hiện nay ra sao đã được mổ xẻ khi bàn về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 Chương, 119 điều tại kỳ họp.
Đại biểu Thái Trường Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải xem xét đánh giá tác động của việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vì hiệu quả của kỳ thi này trên thực tế chưa rõ ràng. TS Hoàng Đức Bình (đại diện Trường đại học UCN, Đan Mạch tại Việt Nam) cũng thẳng thắn, với hai mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia hiện nay là để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển vào các trường đại học thì gần như không cần tiếp tục tổ chức kỳ thi này vì có thi cũng 95-97% đậu tốt nghiệp và các trường đại học hiện nay đã chủ động có kỳ thi riêng hoặc có phương án tuyển sinh riêng theo xu hướng tự chủ.
Đại biểu Lê Tứ (Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa) bày tỏ quan điểm, Bộ cần có sự đánh giá, tổng kết nghiêm túc về việc có cần thiết phải duy trì một kỳ thi với hai mục đích hay không khi mà sự tồn tại của kỳ thi này đã nảy sinh nhiều gian lận, làm mất niềm tin của công chúng vào chất lượng giáo dục nước nhà.
Thi kiểu gì cũng phải nghiêm túc
Từ khi Bộ có chủ trương gộp hai kỳ thi làm một, rất nhiều học sinh đi thi THPT với tâm thế căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm nay, Bộ vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “hai trong một” (xét tốt nghiệp THPT và lấy đó làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ) mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ bám sát nhiệm vụ đánh giá mức độ học vấn phổ thông thay vì đảm trách cùng lúc 2 mục tiêu như 4 năm đã thực hiện. Các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT là việc của các trường.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mới được thông qua với hơn 90% đại biểu nhất trí có nêu rõ: Để tạo điều kiện phân luồng và liên thông, dự thảo Luật bổ sung: Học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và được dự thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT (Khoản 3 Điều 31). Sửa đổi Khoản 3, Khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp về thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo hướng bổ sung: đối tượng người học đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bên cạnh người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổa thông (Khoản 3 Điều 118). Như vậy, dù không đủ điểm đỗ đại học nhưng thí sinh vẫn có nhiều cơ hội khác để lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ nên chia thành 2 kỳ thi rõ ràng, trong đó, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh ĐH, còn kỳ thi THPT giao cho các địa phương xét tốt nghiệp. Điều đó sẽ giảm tải cho học sinh, giảm áp lực cho học sinh cuối cấp.
Quan trọng hơn, dù bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia, theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần phải nỗ lực có những kỳ thi công bằng và nghiêm túc. Năm nay, trước thềm kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đích thân kiểm tra điểm thi tại trường PTTH Hoài Đức A và THCS An Khánh- Hà Nội. Điều được ông nhấn mạnh hơn cả là sự an toàn phòng thi, về sự chặt chẽ của lực lượng an ninh giám sát vòng ngoài, vòng trong… Nỗ lực của Bộ, ngành giáo dục và các trường đã được thể hiện, nhưng để lấy lại niềm tin cho học sinh sau những gian lận nghiêm trọng đã xảy ra năm ngoái cần sự kiểm chứng trong 1-2 năm tới. Tính khách quan của kỳ thi là một trong những chìa khóa giúp học sinh cả nước ổn định tâm lý, tự tin làm bài mỗi khi bước vào kỳ thi.