Không chỉ là vũ khí chiến đấu của người lính, không chỉ là y cụ của người thầy thuốc, trong hành trang của 63 người thuộc biên chế Bệnh viện Dã chiến (BVDC) sang Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới, họ mang theo điều lớn lao hơn: niềm tự hào dân tộc!
_____________________
Nắng chiều cuối tháng Ba thả xuống sân bay Tân Sơn Nhất những cơn hầm hập. Sự xuất hiện của biệt đội mũ xanh chớm xua tan cái không khí oi bức ấy. Trước khi rời đi theo quân lệnh, Trung úy Nguyễn Thị Loan kịp nói với tôi: “Em đã sẵn sàng”. Đây là lần đầu tiên cô gái thuộc biên chế Bệnh viện Quân y 175 tham gia BVDC. Để trở thành thành viên của BVDC cấp 2 số 3, Loan đã trải qua nhiều tháng huấn luyện chuyên môn và học thêm tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc đưa ra.
Mà không riêng gì Loan, đó là hai điều bắt buộc tối thiểu nhất bất cứ ai cũng phải trải qua. Có điều, 63 con người của BVDC lần này phải trải qua những khóa huấn luyện trong bối cảnh dịch Covid ba lần bùng phát. Cả ba lần bùng phát ấy, họ phải vừa cách ly, vừa huấn luyện và vừa học tiếng Anh online. “Tất nhiên là trong điều kiện như thế sẽ có nhiều cái khó hơn đối với hai lần trước. Nhưng cũng có cái may mắn, là em được các anh chị đã đi lần trước đó chia sẻ nhiều kinh nghiệm, vì thế mà dần dần vượt qua các thử thách”, Thượng úy Đinh Văn Hồng bày tỏ.
Năm 2017, Hồng được sang Úc huấn luyện cấp cứu đường không rồi trở về tham gia Đội Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175. Tháng năm thực hiện các chuyến bay cấp cứu người bệnh khu vực biển đảo về đất liền, đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm. Vì thế anh được chọn làm Đội trưởng Đội Cấp cứu đường không BVDC cấp 2 số 3. Lần đầu tiên sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, anh luôn tự tin với những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được trong nhiều năm công tác tại Bệnh viện Quân y 175.
“Nghĩa là anh đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế?”, tôi hỏi. Thượng tá Hồng đáp lời ngay: “Đúng vậy. Đó là tâm thế của một người lính, sẵn sàng phát huy hết khả năng của mình. Bởi đến Nam Sudan, chúng tôi là bộ mặt của Việt Nam trên trường quốc tế, nên sẽ mang theo cả quê hương, cả niềm tự hào dân tộc để góp phần gìn giữ hòa bình thế giới.
“Theo kinh nghiệm xương máu của Huyền thì: Nếu có cơ hội sống và làm việc ở một nước nào đó, khi mang quá nhiều tiền về làm kỷ niệm, bằng một cách vi diệu nào đó, bạn sẽ quay trở lại chính nơi đó để tiêu nốt số tiền còn lại”.
Dòng trạng thái này được Huyền đăng tải vài giờ trước khi cô tham dự Lễ Xuất quân BVDC cấp 2 số 3 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Kèm theo dòng trạng thái hóm hỉnh ấy, là một số tờ bảng Nam Sudan. Đó là số tiền Huyền đã “tích cóp” được từ 3 năm trước, khi lần đầu tiên cô đến Nam Sudan để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nơi đây. Khi ấy, cô gái sinh năm 1993 Phan Thị Vân Huyền này là thành viên của BVDC 2.1, là BVDC đầu tiên của Việt Nam sang Nam Sudan. Bây giờ, cô gái quê Hải Dương lại lần nữa dành tuổi xanh của mình để sang tận Đông Phi làm thiên sứ hòa bình.
Ba năm trước, một ngày đầu năm 2018, khi nhận thông tin và quyết định tham gia BVDC, Huyền nghĩ về bố mẹ. Nhưng rồi những trở trăn trong cô gái tuổi xuân này nhanh chóng được xoa dịu, sau khi cô tỏ bày và được bố mẹ đồng ý. “Tất nhiên là bố mẹ có chút lo lắng, vì em là con gái mà, lại biết đất nước em sắp qua làm nhiệm vụ đang còn bất ổn nữa”, Huyền nhớ lại. Lần ấy, Huyền đi 13 tháng. Nhiệm vụ của cô là phục hồi chức năng cho bệnh nhân, đó cũng là chuyên môn của cô Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng thuộc biên chế Bệnh viện Quân y 175.
Từ sân bay Juba của thủ đô Juba, Huyền và 62 đồng đội của mình được đưa về Bentiu. Qua ô cửa máy bay, cô thấy những gió bụi, những hoang tàn, những đổ nát. Tại đất nước mới được “khai sinh” năm 2011 này, mọi thứ gần như điêu tàn, và đó là lí do họ cần những người như Huyền. Ngay cả chiếc máy bay đưa đoàn đến Bentiu, cũng cũ kỹ vô cùng, mang đến sự thót tim bằng cách rơi tự do trong khoảng mười mấy giây.
“Trong những phút giây ban đầu ấy, bất giác em nghĩ, tại sao bạn mình ở nhà xúng xính ăn diện, còn đứa con gái như mình thì lại chọn qua đây. Rồi cười. Rồi quan sát những điều lạ lẫm ở đất nước này, rồi cùng các anh chị, bắt tay vào công việc. Thời gian đầu, đêm ngủ nghe tiếng súng mà giật mình. Lâu dần thành quen, vả lại, những tháng sau đó, tiếng súng cũng vắng hẳn. Có lần được đi ra ngoài, đến một trại tị nạn, đập vào mắt em là những hình ảnh tiều tụy của người dân Nam Sudan. Nhiều lúc, ánh mắt em dừng rất lâu trước những đứa trẻ thiếu thốn cái mặc, thậm chí là chi chít vết thương”, Huyền kể.
Điều “khổ sở” nhất không chỉ với Huyền mà của hầu hết mọi người, là những tháng đầu ở đây, không tiếp cận được internet. “Internet ở đây vừa thiếu lại vừa yếu”, Huyền giải thích. Phải vài tháng sau đó, mỗi người mới tiếp cận được internet, họ được cấp 2GB data mỗi tháng nên dùng rất chắt chiu: hoặc gọi điện về nhà, hoặc dùng để tìm kiếm tài liệu cần thiết. Khi ấy, nỗi nhớ nhà mới vơi đi ít nhiều. Vậy mà sau khi trải qua 13 tháng nhiều gian nan tại Nam Sudan, Huyền lần nữa trở lại nơi này, như thiên sứ hòa bình.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi luôn bắt gặp Trung tá Trịnh Mỹ Hòa trong dáng vẻ tất bật, có lẽ vì anh đang mang một trọng trách lớn: Giám đốc BVDC cấp 2 số 3. Vài ngày trước đó, bên Bến Nhà Rồng, anh được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm trước niên hạn, từ thiếu tá lên trung tá. Hôm sau, vừa gặp nhau tại căn tin Bệnh viện Quân y 175, anh cười bảo với tôi rằng tất cả đã chuẩn bị xong hết rồi.
Cái câu “tất cả đã chuẩn bị xong hết rồi” của vị bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Quân y 175 nói rất nhẹ nhàng, tựa như không. Mà hình như đó là tâm thế của những cán bộ chiến sĩ của Bệnh viện Quân y 175, họ luôn sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc, cho khát vọng hòa bình của thế giới. Với trung tá Hòa, những chuyến đi là lẽ thường tình, nhất là khi sau lưng anh có hậu phương vững chắc, là người vợ luôn thấu hiểu, cảm thông và vun vén gia đình để anh yên tâm công tác. Lần gần nhất anh đi công tác dài ngày, là đi Trường Sa. Anh đi từ tháng 1/2015, đến tháng 2/2016 mới về.
“Có lẽ vì vậy mà mình bị lỡ với BVDC đầu tiên. Tuy BVDC cấp 2 số 1 tháng 10/2018 mới sang Nam Sudan, nhưng mọi sự chuẩn bị là từ năm 2014, đó là thời điểm mình đã nhận nhiệm vụ đi Trường Sa”, trung tá Hòa kể. Còn về chuyến đi Nam Sudan lần này, anh coi như là… cái duyên. Số là 10 năm trước, anh tham gia một chương huấn luyện kéo dài 6 tháng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Chương trình ấy có nhiều khóa, tất nhiên khóa huấn luyện của anh liên quan đến y và nằm trong Chương trình Gìn giữ hòa bình. Lần ấy, anh có gặp và làm quen với một vài người đến từ Nam Sudan, không ngờ rằng hôm nay anh lên đường sang đất nước này.
“Nhưng anh sẽ đi bao lâu?”, tôi hỏi. Anh cười: “Có thể sẽ hơn một năm như dự kiến, vì dịch bệnh. Không biết chính xác chuyến đi này kéo dài bao lâu, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó”. Rồi anh tiếp tục: “Có một câu chuyện thế này, lẽ ra các chương trình huấn luyện sẽ được các chuyên gia nước ngoài thực hiện, nhưng do dịch Covid nên họ không sang được. Vì thế những người giàu kinh nghiệp của BVDC cấp 2 số 1 mà phần lớn đang thuộc biên chế của Bệnh viện Quân y 175 đã huấn luyện chúng tôi, tất nhiên là theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc và chúng tôi đã hoàn thành thử thách ấy”.
Tôi hiểu, điều anh vừa nói như truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, rằng chúng ta có thể làm được những điều lớn lao. “Vượt quá giới hạn của chính mình” là tinh thần anh luôn hun đúc cho những đồng đội của mình trong quá trình tập luyện, cũng như trong những tháng ngày “thực chiến” sắp tới bên Nam Sudan. Nhưng cũng không quên mệnh lệnh từ cấp trên của mình là Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, là đi đủ thì về phải đủ quân số!
Điều quyết tâm ấy được thể hiện qua dáng chào hiên ngang của trung tá Hòa nơi cửa máy bay. Như thể nhắn gửi rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, và sẽ trở về cùng niềm tự hào dân tộc!
Bài: Lê Xuân Thọ
Ảnh: NAG Nguyễn Á, Minh Chính, Vân Huyền, Lê Xuân Thọ
Thiết kế: Thúy Hà