Thỏa thuận, được ký kết tại đảo Naxos, bao gồm một quỹ trị giá 1,6 tỷ euro (1,67 tỷ USD) để tài trợ cho các dự án phi carbon hóa, tập trung vào cung cấp năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với chi phí phải chăng.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đánh giá việc đầu tư vào các nguồn năng lượng xanh sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể, khi quốc gia EU này có thể tự cung tự cấp năng lượng hơn và giảm độ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dạng lỏng để sản xuất điện, vốn tốn kém vừa gây hại cho môi trường.
Các đảo tại Hy Lạp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, đặc biệt trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những hòn đảo này cũng đang phải chịu tình trạng du lịch quá mức, gây căng thẳng cho các nguồn tài nguyên địa phương, phá hủy hệ sinh thái và góp phần làm suy thoái môi trường.
Chính phủ Hy Lạp cũng quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng giữa du lịch và tính bền vững của môi trường, đặc biệt là ở những khu vực như Cyclades, nơi nổi tiếng với những ngôi làng đẹp thơ mộng với vùng nước trong vắt.
Thủ đô Athens cũng đang tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, bao gồm các trang trại gió ngoài khơi và hệ thống lưu trữ năng lượng, cũng như kết nối các đảo xa xôi với lưới điện trên đất liền để cải thiện an ninh năng lượng và tính bền vững.
Hy Lạp đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được 82% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng so với mức 66% đã lên kế hoạch vào năm 2019. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 58,6% lượng khí thải vào năm 2030. Kể từ năm 2005, Hy Lạp đã giảm 45% lượng khí thải, với năng lượng gió và mặt trời hiện đáp ứng gần một nửa nhu cầu điện của cả nước. Việc sử dụng than non (than nâu) gây ô nhiễm cao đã giảm đáng kể, hiện chỉ đóng góp 6% vào điện năng của quốc gia này.