Tuy việc phổ biến mũi tiêm tăng cường có thể duy trì nhu cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, song tình trạng khan hiếm vaccine kéo dài suốt năm 2021 đã không còn. Ngược lại, khả năng dư thừa vaccine ngừa COVID-19 là rất cao. Theo công ty phân tích Airfinity, hơn 9 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể được sản xuất trong năm 2022, song nhu cầu sẽ giảm ở trong mức từ 2,2 - 4,4 tỷ liều/năm kể từ năm 2023.
Hơn 11 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, trong đó tỷ lệ tiêm đang tăng tại các nước nghèo với độ bao phủ vaccine thấp. Sau khi giải quyết tình trạng thiếu vaccine trầm trọng năm ngoái, sáng kiến tiếp cận vaccine COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều hành hồi tháng 1 cho biết lượng vaccine dự trữ hiện nay đã vượt so với nhu cầu. Việc phân phối vaccine, mức độ hiệu quả và thái độ hoài nghi với vaccine là những thách thức chính trong quá trình triển khai tiêm vaccine ở những nơi như châu Phi.
Xu hướng này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty dược phẩm lớn nhất như Pfizer và AstraZeneca. Trong khi đó, các công ty sản xuất địa phương như ở Ấn Độ hay Indonesia sau nỗ lực tự cung vaccine giờ cũng phải đối mặt với sản lượng dư thừa. Giá trị cổ phiếu của các công ty tên tuổi nhờ phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 cũng lao dốc, trong bối cảnh các biện pháp chống dịch trên thế giới cũng dần được nới lỏng.
Lý giải về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây bệnh nặng và vaccine không thể ngăn ngừa nhiễm bệnh mà chỉ có thể ngăn bệnh chuyển nặng, là một trong những lý do khiến nhu cầu về vaccine giảm.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn tại Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp vaccine lớn nhất thế giới. Các công ty như Biological E. hay Zydus Lifesciences đều đầu tư lớn cho năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, với phần lớn người dân đã được tiêm phòng, trong khi chính phủ không quá ưu tiên việc thúc đẩy triển khai mũi tiêm tăng cường, các công ty này phải đối mặt với một số thách thức liên quan việc duy trì vận hành các nhà máy. Ngoài lượng vaccine mà chính phủ cam kết sẽ mua từ các công ty này, việc có các đơn đặt hàng khác dường như không được đảm bảo để các công ty tiếp tục sản xuất, song họ không thể ngừng hoạt động sản xuất và làm ảnh hưởng đến đời sống của các nhân công.
Để khắc phục tình trạng vaccine dư thừa, công ty tư nhân Biological E., thành lập từ năm 1953, có thể sẽ tái cơ cấu mục tiêu của các mũi tiêm. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp vaccine Ấn Độ khác đang tìm cơ hội phát triển các vaccine khác, ngoài vaccine ngừa COVID-19. Họ cho rằng vaccine cúm hay vaccine phế cầu sẽ là những cơ hội quan trọng đối với các công ty lĩnh vực này.
Bất chấp sức ép có thể thấy tại thời điểm hiện tại, các công ty vẫn sẽ chứng kiến nhu cầu về mũi tiêm tăng cường được duy trì, trong khi họ có thể tìm cách cải tiến các dòng vaccine. Theo ông Gary Dubin, người đứng đầu đơn vị sản xuất vaccine tại công ty dược phẩm Nhật Bản Takeda Pharmaceutical, với khả năng tiến hóa liên tục của virus SARS-CoV-2, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu. Câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc liệu các mũi tiêm tăng cường còn cần thiết và với tần suất tiêm như thế nào, cũng như sự xuất hiện các biến thể mới có thể thay đổi bức tranh toàn cảnh về ngành sản xuất vaccine.