Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới duy trì đà đi lên do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu lửa Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung dầu toàn cầu thêm phần thắt chặt.
Cách đây ít ngày, chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt trừng phạt Iran bằng cách tuyên bố chấm dứt sự miễn trừ vốn cho phép 8 nền kinh tế được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng kể từ tháng 11/2018 mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Động thái này như một chất xúc tác mới, đẩy giá dầu lên đỉnh của 6 tháng.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 33% từ đầu năm đến nay và hiện đang dao động quanh ngưỡng 72 USD/thùng. Đợt tăng này của giá dầu không phải do nhu cầu tiêu thụ lớn của một nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, mà chủ yếu là do nỗi lo xảy ra cú sốc nguồn cung.
Nhiều chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói về mức giá 100 USD/thùng dầu, nhưng mức giá này không phải là điều không thể nếu nguồn cung tiếp tục bị thắt lại.
Theo hãng tin Bloomberg, ảnh hưởng của giá dầu tăng cao đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ tùy thuộc nhiều vào việc mức giá cao duy trì trong bao lâu. Khi giá dầu leo thang, các nước xuất khẩu dầu lửa sẽ hưởng lợi từ việc nguồn thu của các doanh nghiệp và nhà nước tăng, trong khi các nước nhập khẩu dầu sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi bởi giá bán lẻ xăng dầu bị đẩy lên, có khả năng thổi bùng lạm phát và kéo tụt nhu cầu của người tiêu dùng.
Và đến một mức độ nào đó, giá dầu cao có thể ảnh hưởng xấu tới tất cả các bên.
Dưới đây là một số tác động của giá dầu cao, trong đó có mốc giá 100 USD/thùng, đối với nền kinh tế toàn cầu mà Bloomberg điểm qua:
1. Mức giá đó có ý nghĩa ra sao đối với kinh tế toàn cầu?
Ảnh hưởng đối với các nền kinh tế khác nhau sẽ không giống nhau. Giá dầu tăng cao sẽ tác động xấu đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình và có thể đẩy lạm phát lên.
Với tư cách là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ ở vào thế dễ tổn thương. Nhiều nước ở châu Âu cũng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Ngoài ra còn có yếu tố mùa vụ. Bán cầu Bắc đang bước vào mùa hè, và người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác hoặc giảm bớt sử dụng dầu. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc có thể gây hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, theo đó hạn chế đà tăng của giá dầu.
2. Nền kinh tế toàn cầu có thể hấp thụ mức giá dầu 100 USD/thùng như thế nào?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để gây thiệt hại tăng trưởng, giá dầu cần duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng. Điều này sẽ tùy thuộc đáng kể vào diễn biến tỷ giá đồng USD, bởi dầu thô được định giá bằng đồng tiền này.
Một phân tích của công ty nghiên cứu và tư vấn Oxford Economics cho rằng nếu giá dầu Brent đạt ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian từ nay đến cuối năm, thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu đến cuối năm 2020 sẽ thấp hơn 0,6% so với dự báo hiện nay, trong khi lạm phát sẽ tăng thêm 0,7 điểm phần trăm.
"Chúng tôi nhận thấy rủi ro gia tăng trong trường hợp giá dầu tăng cao hơn", Oxford Economics cho biết. "Trong ngắn hạn, có vẻ như vấn đề nguồn cung sẽ được khắc phục bằng sản lượng dầu tăng lên của một số quốc gia, nhưng thị trường vẫn đang thắt chặt và chỉ cần xảy ra một cú sốc nguồn cung nữa là giá dầu có thể vọt lên 100 USD/thùng".
3. Iran và ông Trump có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường dầu lửa?
Mâu thuẫn giữa Iran và chính quyền ông Trump có thể tiếp tục tác động lớn đến giá dầu thế giới, bởi nguồn cung dầu từ Iran ra thị trường toàn cầu hiện ở mức khoảng 800.000 thùng ngày. Washington đã thể hiện quyết tâm khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm về 0.
Ông Trump đã tuyên bố rằng một số nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ bù đắp cho nguồn cung dầu mất mát từ Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng sản lượng dầu cao kỷ lục của nước này sẽ giúp ngăn tình trạng thiếu dầu.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: đối với loại dầu thô mà Iran sản xuất, sản lượng hàng ngày của Mỹ chỉ đạt khoảng 1/4 so với của Iran.
4. Những nước nào sẽ hưởng lợi từ giá dầu cao?
Các nền kinh tế mới nổi chiếm đa số danh sách các nước xuất khẩu dầu, bởi vậy mà nhóm này sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc giá dầu tăng so với các nước phát triển. Nguồn thu tăng thêm từ xuất khẩu dầu sẽ giúp các nước xuất khẩu "vàng đen" cải thiện cán cân ngân sách và cán cân tài khoản vãng lai, cho phép chính phủ tăng đầu tư công.
Những nước hưởng lợi nhiều nhất sẽ bao gồm Saudi Arabia, Nga, Na-Uy, Nigeria và Ecuador - theo một báo cáo của Nomura.
5. Những nước nào thiệt hại?
Khi giá dầu tăng cao, những nền kinh tế mới nổi có thâm hụt cán cân vãng lai và tài khóa lớn sẽ đối mặt với nguy cơ giới đầu tư nước ngoài thoái vốn và đồng tiền mất giá, kéo theo đó là lạm phát tăng mạnh. Trong trường hợp như vậy, chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia đó phải cân nhắc giữa các lựa chọn: tăng lãi suất cho dù tăng trưởng giảm tốc; hoặc giữ nguyên lãi suất mặc cho vốn tháo chạy.
Những nước mà Nomura cho rằng có thể rơi vào tình thế khó khăn đó bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Ấn Độ.
6. Giá dầu cao ảnh hưởng thế nào đến Mỹ?
Các nhà khai thác dầu lửa của Mỹ đang tìm cách bán thêm dầu cho những khách hàng dừng mua dầu Iran. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ nói chung chưa chắc đã hưởng lợi nếu giá dầu lên 100 USD/thùng.
Mức giá dầu cao như vậy sẽ khiến nhiều người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới phải "thắt chặt hầu bao", trong khi tiêu dùng là lĩnh vực đóng góp chủ lực vào GDP của Mỹ. Giá dầu thế giới tăng cao đã khiến giá bán lẻ xăng ở Mỹ tăng hơn 7% trong tháng 4, lên gần 2,9 USD/gallon.
Nếu giá dầu còn tiếp tục tăng, chính quyền ông Trump có thể bị chỉ trích về việc trừng phạt Iran. Hoạt động đầu tư có thể chững lại, đe dọa sự vững vàng mà kinh tế Mỹ duy trì được cho đến nay.
7. Lạm phát liệu có tăng trên toàn cầu nếu giá dầu lên 100 USD/thùng?
Khi đánh giá lạm phát, các nhà hoạch định chính sách thường xem xét lạm phát lõi - loại bỏ những yếu tố tức thời như một cú sốc về giá năng lượng. Tuy nhiên, nếu giá dầu ở mức cao trong một thời gian dài và liên tục, thì giá cả của các hàng hóa và dịch vụ khác trong lạm phát lõi như giao thông, điện nước… cũng bị đẩy lên, kéo lạm phát lõi tăng.
8. Giá dầu 100 USD/thùng có ý nghĩa như thế nào với các ngân hàng trung ương?
Các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), gần đây đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu kinh tế giảm tốc và vắng bóng lạm phát. Xu hướng này khó có khả năng sớm thay đổi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 4 này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nói rằng nền kinh tế thế giới đang ở trong một "thời khắc mong manh".