Công ty Cây xanh phải chịu trách nhiệm trước tính mạng thị dân

(Ngày Nay) - Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM trúng các gói thầu nghìn tỷ để quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên công viên, mảng xanh và cây xanh một số khu vực trong thành phố nhưng chỉ chưa đến một tháng đã có ba thị dân tử vong oan uổng dưới những nhánh cây.
Nhà báo Trần Tây Côn
Nhà báo Trần Tây Côn

1/ Giống như câu chuyện “sống chung với ngập” hay “ở với kẹt xe”, người dân TP.HCM vào năm 2024 có lẽ không còn xa lạ gì trước cảnh cây xanh tróc gốc, cành nhánh gãy đổ sau khi cơn mưa đi ngang qua.

Đáng buồn thay, những việc “thường ngày ở huyện” đó lại trở nên gần gũi, thân thiết một cách đầy khiên cưỡng ngay giữa đô thị lớn nhất nước này.

Như chiều hôm qua (4/9), mây đen vần vũ, gió giật ầm ào, cơn mưa vội đến rồi chợt đi để lại trên các mặt báo những dòng tiêu đề đầy tính tượng hình, như chừng đủ để vẽ nên bức tranh một màu tan tác, như: “Đường TP.HCM ngổn ngang cây xanh sau trận cuồng phong”, “Cây to bật gốc, đè ô tô, gây tắc nghẽn giao thông…” hay “Nhiều cây xanh đổ đè trúng người trong mưa dông…”, thậm chí là: “Nhánh cây đè người phụ nữ tử vong…”.

Người phụ nữ xấu số ấy điều khiển xe máy di chuyển trên đường An Dương Vương với tốc độ vừa phải. Khi qua khỏi giao lộ Huỳnh Mẫn Đạt trên địa bàn P.4, Q.5, người này bị một nhánh cây gãy rơi xuống từ độ cao hàng chục mét đập vào đầu. Nạn nhân được chuyển vào bệnh viện nhưng vô phương cứu chữa, trút hơi thở ở tuổi 52.

Đây là trường hợp tử vong thứ ba do cây gãy đổ đè trúng được ghi nhận trong vòng chưa đến một tháng tại TP.HCM. Trước đó, nhiều cô chú độ trung niên đang tập thể dục trong công viên Tao Đàn (Q.1) thì gặp phải tai hoạ lúc sáng sớm. Một nhánh cây với đường kính lên tới 1,2m từ trên cao giáng xuống cướp đi mạng sống của hai người, ba người khác nhập viện với nhiều vết thương nặng nơi sọ não, cột sống.

Báo chí, truyền hình dồn dập đưa tin. Mạng xã hội sục sôi với những dòng trạng thái đau xót trước cảnh “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Hàng trăm hình ảnh, video với đủ các góc độ được chia sẻ chóng mặt, ngay bên dưới là hàng nghìn bình luận cảm thương cho những người vắng số lẫn tức giận hướng về trách nhiệm của chủ đầu tư lẫn nhà thầu trực tiếp chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh;

Dẫu cho cả hai đơn vị này là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) và Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM đã có “liên hệ với thân nhân các nạn nhân, đồng thời cùng gia đình chăm sóc nạn nhân trong bệnh viện và sẽ lo hậu sự cho 2 nạn nhân không qua khỏi”, theo báo Thanh Niên.

Chưa rõ, cụ thể những “sẽ lo” ở đây là gì nhưng nhiều khả năng sẽ không loại trừ giống như Quận ủy Q.1 hỗ trợ khẩn cấp 10 triệu đồng/người mất, 10 triệu đồng/người bị thương. Bên cạnh đó, UBND Q.1, Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.1 và các đoàn thể đang rà soát quy định, huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm.

2/ Tôi phải thừa nhận, tiền bạc giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nhưng nếu một vấn đề được giải quyết bằng tiền thì đó không còn là vấn đề nữa mà là chi phí. Nói về chi phí, xin điểm qua một vài thông tin dưới đây.

Nhà thầu sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên công viên, mảng xanh và cây xanh tại nơi xảy ra sự cố vừa nêu là Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM - doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM được thành lập với số vốn điều lệ 54 tỷ đồng; hoạt động trong lĩnh vực quản lý, duy tu, cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng (công viên, vườn hoa, vườn thú, cây xanh đô thị,...). Doanh nghiệp này hiện có 14 đơn vị trực thuộc.

Hồi tháng 4/2024, Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM trúng 3 gói thầu chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố, trong đó có một gói trúng với tư cách thành viên liên danh. Tổng giá trị trúng thầu 1.093 tỷ đồng (tổng giá gói thầu là 1.113,8 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 1.096 ngày (3 năm). Ngoài ra, nhà thầu này còn trúng và thực hiện nhiều dự án tiền tỷ khác trong lĩnh vực hoạt động.

Mặc dù trúng thầu lên tới nghìn tỷ nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại có phần hạn chế làm dư luận không khỏi hoài nghi. Năm 2021, tổng doanh thu vượt 354 tỷ đồng, tổng chi phí hơn 346 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 8,1 tỷ đồng. Năm 2022, tổng doanh thu vượt 392 tỷ đồng, tổng chi phí hơn 384 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 8,4 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận trước thuế năm 2023 khoảng 8,6 tỷ đồng.

Chưa hết, Thanh tra TP.HCM vài tháng trước cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quản lý tài chính tại công ty này.

3/ Thành phố vốn đã chật chội và ngột ngạt, người dân rất cần những mảng xanh. Nhưng những mảng xanh tiềm ẩn cú “trời giáng chết người” như vài sự việc đã qua thì chắn chắn ai cũng không rét mà run.

Một công ty hoạt động phải có lãi là điều cơ bản để tồn tại. Nhưng doanh nghiệp được thành lập từ ngân sách nhà nước, đã được hưởng nhiều ưu ái và cơ hội thì ngoài việc kinh doanh có lời là nhiệm vụ còn phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, an toàn cuộc sống của người dân để xứng đáng với từng đồng từng cắt tiền thuế mà nhân dân đóng góp.

4/ Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM (hay các nhà thầu trực tiếp) phải chịu trách nhiệm trước tính mạng của thị dân! Chứ không phải là liên hệ, động viên và gửi chút chi phí cảm ơn khi có sự cố xảy ra, như vậy là “mất bò mới lo làm chuồng”, mãi mãi người dân không thể mong đợi.

Hiện nay, Bộ Công an đang kiểm tra làm rõ việc thi công các dự án trồng và chăm sóc cây xanh ở các tỉnh, thành do một số công ty thực hiện nhằm làm rõ nhiều khuất tất trong công tác thi công, trồng cây xanh.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.