Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam

Trong tâm trí người dân yêu chuộng hòa bình thế giới, giai đoạn 1968-1973 là một thời kỳ vang bóng của làn sóng đấu tranh cho tự do và hòa bình. Bằng những hy sinh cao cả và thầm lặng, ngọn lửa đấu tranh của những người bạn quốc tế đã làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho Hiệp định Paris năm 1973.

----------

Làn sóng phản đối của sinh viên, cựu binh và nghị sĩ Mỹ

Quay ngược lại lịch sử, các cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Mỹ ban đầu được tổ chức bởi các nhà hoạt động vì hòa bình và trí thức cánh tả, diễn ra trong khuôn viên nhiều trường đại học, nhưng chỉ trở nên nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vào năm 1965, sau khi quân đội nước này bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam.

Các cuộc tuần hành phản chiến đã thu hút được sự ủng hộ ngày càng lớn trong vài năm sau đó, đạt đỉnh điểm vào đầu năm 1968 sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân thành công của quân đội Bắc Việt.

Vào tháng 8 năm 1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ra lệnh ném bom các mục tiêu quân sự ở miền Bắc Việt Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Vào thời điểm máy bay Mỹ bắt đầu ném bom thường xuyên miền Bắc Việt Nam vào tháng 2 năm 1965, dư luận nước Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính nghĩa của hành động quân sự mà Mỹ đang theo đuổi tại Việt Nam.

Phong trào phản chiến bắt đầu chủ yếu ở các trường đại học, khi các thành viên của tổ chức cánh tả Sinh viên vì Xã hội Dân chủ (SDS) bắt đầu tổ chức các cuộc mít tinh để bày tỏ sự phản đối của họ đối với cách thức chính phủ Mỹ tiến hành cuộc chiến.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 1

Phong trào phản chiến tại Mỹ bắt nguồn từ những nhóm sinh viên yêu hòa bình.

Mặc dù đại đa số dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ chính sách của chính phủ trong Chiến tranh Việt Nam, một nhóm thiểu số đã lên tiếng vào cuối năm 1965, đặc biệt là sau khi chính quyền Johnson bắt đầu cuộc chiến tranh trên bộ và trên không ở Việt Nam.

Nhóm thiểu số có tiếng nói này bao gồm nhiều sinh viên cũng như các nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng và thành viên của phong trào “hippie”, ngày càng có nhiều thanh niên chủ yếu từ chối chính quyền và có thái độ phản kháng.

Đến tháng 11 năm 1967, quân số Mỹ tại Việt Nam đã lên tới gần 500.000 người và thương vong đã lên tới 15.058 người chết và 109.527 người bị thương. Chiến tranh Việt Nam đã tiêu tốn của Mỹ khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, một bộ phận dân chúng đã bắt đầu có những quan điểm khác về cuộc chiến.

Nhiều thương vong hơn được báo cáo ở Việt Nam mỗi ngày, ngay cả khi các chỉ huy Mỹ yêu cầu tuyển mộ thêm quân. Theo hệ thống nghĩa vụ quân sự, có tới 40.000 thanh niên được gọi nhập ngũ hàng tháng, diễn biến này đã đổ thêm dầu vào lửa cho phong trào phản chiến.

Ông Jan Barry, người sáng lập Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh, cho biết cuộc tuần hành phản đối chiến tranh diễn ra vào ngày 15/4 năm 1967 với đích đến là quảng trường Liên Hợp Quốc đã thu hút hơn 100.000 người, bao gồm một nhóm lớn các cựu binh Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, họ đội mũ “Cựu chiến binh vì hòa bình”.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 2

Một cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, D.C. năm 1969. Ảnh: Getty Images

Theo ông Barry, đó là khởi đầu của một phong trào của cựu binh Mỹ quyết tâm lên tiếng về những sự thật tại cuộc chiến ở Đông Dương. Vào tháng 11 năm 1967, nhóm "Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh" đã đăng một quảng cáo trên tờ New York Times với tiêu đề: “Cựu chiến binh Việt Nam lên tiếng".

Được ký bởi 65 cựu chiến binh thuộc Lục quân, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến, tuyên bố có viết: “Chúng tôi biết, bởi vì chúng tôi đã ở đó, rằng công chúng Mỹ đã không được nói sự thật về cuộc chiến hoặc về Việt Nam… Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ thực sự cho những người bạn của chúng tôi vẫn còn ở Việt Nam là yêu cầu họ được đưa về nước (thông qua bất kỳ cuộc đàm phán nào là cần thiết) trước khi bất kỳ ai khác chết trong cuộc chiến mà người dân Mỹ không bầu chọn và không mong muốn".

Vào ngày 21/10 năm 1967, một trong những cuộc biểu tình phản chiến nổi bật nhất đã diễn ra khi khoảng 100.000 người biểu tình tập trung tại Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, D.C. Khoảng 30.000 người sau đó tiếp tục tuần hành ở Lầu Năm Góc vào cuối đêm hôm đó.

Sau một cuộc đối đầu tàn bạo với các lực lượng vũ trang bảo vệ tòa nhà, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt. Một trong số họ là ký giả Norman Mailer, người đã ghi lại các sự kiện trong cuốn sách “Những đội quân của bóng đêm”, được xuất bản vào năm sau và nhận được sự hoan nghênh rộng rãi.

Cũng trong năm 1967, phong trào phản chiến đã có một bước tiến lớn khi nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. công khai phản đối cuộc chiến vì lý do đạo đức, lên án việc chính phủ Mỹ tiêu tốn nguồn lực cho chiến tranh và số lượng binh sĩ người da đen thiệt mạng ngày càng tăng.

Tại một cuộc tuần hành của hơn 5.000 người biểu tình ở Chicago vào ngày 25/3 năm 1967, Martin Luther King Jr. đã gọi cuộc chiến tại Việt Nam là “một sự báng bổ chống lại tất cả những gì mà nước Mỹ đại diện".

Sự kiện Tết Mậu Thân (tháng 1 năm 1968) đã gây ra những làn sóng kinh hoàng và bất mãn khắp nước Mỹ và châm ngòi cho một thời kỳ phản đối chiến tranh dữ dội nhất. Đến tháng 2 năm 1968, một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy chỉ 35% dân số Mỹ tán thành cách xử lý chiến tranh của chính quyền Johnson và 50% hoàn toàn không tán thành.

Trên sóng đài truyền hình quốc gia, hàng trăm cựu binh đã ném huy chương chiến tranh lên bậc thềm của Điện Capitol vào tháng 4 năm 1971 trong một cuộc tuần hành ở Washington do Hội Cựu chiến binh Việt Nam Chống Chiến tranh tổ chức, để phản đối cuộc chiến đã kéo dài hơn một thập kỷ.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 3

Các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam vứt huân chương trước cửa Điện Capitol nhằm phản đối chiến tranh.

"Các cựu chiến binh chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào phản chiến sôi nổi. Khi các khuôn viên trường đại học bùng nổ cuộc biểu tình, các cựu binh-sinh viên phẫn nộ đã lên tiếng trên toàn quốc, kinh hoàng khi 4 sinh viên bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ohio sát hại tại Đại học Kent State. Những người lính trở về nhà đã cùng với các cựu binh tổ chức các cuộc biểu tình của riêng họ, cay đắng trước những thương vong kinh hoàng trên chiến trường, những hành động tàn bạo như ác mộng và điều kiện khủng khiếp tại các bệnh viện dành cho cựu binh", ông Barry hồi tưởng.

Chính trị gia John Kerry, người khi đó mới chỉ là trung úy Hải quân, đã thay mặt các cựu chiến binh biểu tình tuyên bố trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng những hành động đó nhằm mục đích “tìm kiếm và phá hủy tàn tích cuối cùng của cuộc chiến tranh man rợ này”.

Ngoài John Kerry, phong trào phản chiến tại Mỹ còn có sự ủng hộ của một chính trị gia nổi tiếng khác, đó là Patrick Leahy, người sau này đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Vào tháng 5 năm 1970, ông Leahy đã tuần hành cùng những người biểu tình phản đối việc Nixon bí mật ném bom Campuchia và thảm sát sinh viên tại Đại học Kent State ở bang Ohio. Với tư cách là thành viên trẻ nhất của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Leahy cùng 15 thành viên của ủy ban đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu quan trọng vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, để xem xét yêu cầu của Tổng thống Gerald Ford về khoản viện trợ quân sự mới trị giá 215 triệu đô la để “ổn định” chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 4
Người biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam bên ngoài Điện Capitol năm 1971. Ảnh: Getty Images

Ông Leahy cho biết bản thân mình đã nhận một cú điện thoại riêng từ Tổng thống Ford, một chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Henry Kissinger tới văn phòng riêng, nhưng ông vẫn giữ vững lập trường. Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Ford. Chỉ 13 ngày sau, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ.

Khi làn sóng phản chiến tăng lên, vào giữa năm 1971, Daniel Ellsberg đã cho xuất bản Hồ sơ Lầu Năm Góc, trong đó tiết lộ những chi tiết bí mật trước đây về cách chính phủ Mỹ tiến hành chiến tranh và hành vi sai trái của các quan chức chính phủ và quân đội. Ellsberg gọi Hồ sơ Lầu Năm Góc là “bằng chứng về một phần tư thế kỷ xâm lược, phá vỡ các hiệp ước, lừa dối, bầu cử bị đánh cắp, dối trá và giết người”.

Những tiết lộ này và những tiết lộ khác khiến ngày càng nhiều người Mỹ nghi ngờ trách nhiệm giải trình của chính phủ và tính liêm chính của quân đội Mỹ.

Cuối cùng, để đáp lại yêu cầu phản chiến gần như áp đảo, Tổng thống Nixon đã tuyên bố chấm dứt có hiệu lực sự can dự của Mỹ vào Đông Nam Á vào tháng 1 năm 1973. Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, qua đó chính thức chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Tháng Năm "rực lửa" tại Paris, 1968

Mùa hè năm 1968 cũng khắc sâu vào ký ức người dân Pháp như một giai đoạn hỗn loạn trên toàn quốc, với các cuộc đình công, biểu tình phản đối chiến tranh diễn ra cùng lúc phái đoàn 4 bên bắt đầu chọn Paris làm nơi đàm phán cho một hiệp định hòa bình tại Việt Nam.

Đây là giai đoạn xảy ra các cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và sinh viên, những người biểu tình ở Paris sau đó đã nhường chỗ cho một cuộc tổng đình công trên toàn quốc với sự tham gia của 11 triệu công nhân. Dư âm của “Mai 68” (tháng 5 năm 1968) tới nay vẫn còn là chủ đề tốn nhiều giấy mực trong dư luận Pháp.

Khởi nguồn của "Mai 68" bắt đầu khi sinh viên tại Đại học Paris, Nanterre và Sorbonne, đang vận động cho những thay đổi trong đời sống sinh viên và có tiếng nói hơn trong việc quản lý các tổ chức học thuật của họ, nhưng theo nghĩa rộng hơn, họ đang phản đối chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa Gaulle, bao gồm chính sách bảo thủ và quyền hành pháp tập trung vào Tổng thống Charles de Gaulle.

Những hình ảnh khủng khiếp hàng ngày về diễn biến của cuộc chiến tại Việt Nam đã khiến các sinh viên và các thành phần khác trong xã hội Pháp vô cùng lo lắng, và phong trào phản chiến đã trở thành nguyên nhân chung giữa các phe phái khác nhau của lực lượng Cánh tả Mới.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 5

Làn sóng biểu tình tại Paris tháng 5 năm 1968.

Chris Reynolds, một học giả người Anh chuyên về lịch sử hiện đại của Pháp, nhận định rằng đối với các nhà hoạt động Pháp thời kỳ đó, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đại diện cho mọi thứ mà họ tin rằng cần phải thay đổi.

“Sức mạnh của người Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, bất chấp tình trạng khó khăn để cầm chân quân đội Mỹ. Đó là hình ảnh David chống lại người khổng lồ Goliath. Vấn đề này rất quan trọng trong việc hiểu chủ nghĩa xuyên quốc gia của năm 1968, vì nó là nguyên nhân mẫu chung đã đẩy các nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới lại gần nhau", ông Reynolds chỉ ra.

Chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đối với những sinh viên Pháp có tư tưởng phản chiến, nhiều người trong số họ coi sự hiện diện của Mỹ tại Đông Dương là sự tiếp nối chủ nghĩa đế quốc thực dân của người Pháp trong quá khứ. Nhiều người biểu tình đồng cảm với người dân Việt Nam và đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khi đó là biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.

Khi các sinh viên biểu tình ở Nanterre và Sorbonne, sự can thiệp của cảnh sát ngày càng trở nên mạnh mẽ, càng khiến mức độ căng thẳng gia tăng. Cảnh sát phong tỏa các trường đại học, đẩy các cuộc đụng độ ngày càng nguy hiểm ra đường phố. Bạo lực lên đến đỉnh điểm vào rạng sáng ngày 10 tháng 5, hay còn được gọi là “Đêm rào chắn” định mệnh, khi cảnh sát chống bạo động tấn công những người biểu tình ở Khu phố Latinh của Paris, dẫn đến gần 500 vụ bắt giữ và hàng trăm người bị thương.

Công chúng Pháp phần lớn có thiện cảm với các sinh viên, và sự hung hăng của cảnh sát đã thúc đẩy phong trào biểu tình mở rộng ra bên ngoài các trường đại học và vào lực lượng lao động. Những người lao động không hài lòng với tình trạng kinh tế và chính trị của họ đã nhìn thấy nguồn cảm hứng và cơ hội duy nhất trong phong trào sinh viên để nói lên sự bất mãn của chính họ.

Khởi đầu là cuộc đình công kéo dài một ngày vào ngày 13 tháng 5, đã phát triển thành một cuộc tổng đình công của mười triệu công nhân kéo dài hàng tuần và trong nhiều ngành khác nhau.

Làn sóng biểu tình quốc tế: Động lực thúc đẩy Hiệp định Paris về Việt Nam ảnh 6

Công nhân và sinh viên biểu tình tại quận 11 của Paris vào ngày 13 tháng 5 năm 1968. Ảnh: Magnum Photos

Nhà sử học Donald Reid cho biết: “Những lý tưởng giải phóng mà các sinh viên nói đến, đặc biệt là trong số những người lao động trẻ, những người có chung yếu tố thế hệ, họ đã chia sẻ điều đó. Họ sẵn sàng nói rằng: ‘Đúng, chúng tôi cũng muốn một thứ gì đó trong cuộc sống của mình hơn là được trả lương cao hơn và tiếp cận tốt hơn với hàng tiêu dùng'".

Trong trí nhớ của bà Helene Luc, Chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt, giai đoạn "Mai 68" đã chứng kiến tinh thần đấu tranh sôi sục cho hòa bình tại Việt Nam của nhân dân Pháp.

"Quãng thời gian diễn ra đàm phán ở Paris, chúng tôi huy động rất nhiều người hỗ trợ đoàn đàm phán Việt Nam và tổ chức nhiều cuộc biểu tình để chứng minh rằng đoàn đại biểu của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, trong đó có sự ủng hộ của rất đông sinh viên và cả các chính khách Pháp", bà Luc nhớ lại. "Trước tháp Eiffel, đoàn biểu tình ủng hộ Việt Nam đã tổ chức một cuộc diễu hành lớn vào tháng 5 năm 1968. Chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động xin chữ ký ủng hộ đoàn đàm phán Việt Nam".

Người dân Pháp và cộng đồng Việt kiều tại Paris tập trung ủng hộ đoàn đàm phán Việt Nam vào ngày 25 tháng 1 năm 1973.

Bất chấp những dự báo ban đầu về sự thất bại, phong trào "Mai 68" tại nước Pháp đã truyền cảm hứng cho một loạt cải cách xã hội. Nhưng giáo sư sử học Julian Bourg (Đại học Boston) cho rằng di sản của phong trào còn vượt ra ngoài những cải cách.

“Đó là một khoảnh khắc truyền cảm hứng toàn cầu tuyệt vời. Bây giờ chúng ta luôn nghĩ về toàn cầu hóa, nhưng nó còn quá mới mẻ vào thời điểm đó khiến mọi người cảm thấy thực sự được kết nối theo một cách trực quan và cảm xúc với những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới. Nếu chúng ta đang đấu tranh để thay đổi xã hội trên thế giới, thì đây là một ví dụ cho thấy mọi thứ có thể tiến xa đến đâu", giáo sư Bourg chỉ ra.

Hàng thập kỷ đã trôi qua kể từ khi phong trào biểu tình phản chiến bùng nổ trên khắp thế giới, nhưng ngọn lửa đấu tranh cho lẽ phải và hòa bình của bạn bè quốc tế vẫn là nguồn động lực to lớn để dân tộc Việt Nam chấm dứt chiến tranh và bước vào kỷ nguyên hòa bình.

Trong thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế nhân kỷ niệm 50 năm ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt".

TIN LIÊN QUAN
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.