Ở tuổi 42, ông Sunak là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại, ông cũng là người gốc Ấn đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này. Tuy nhiên, bối cảnh mà ông Sunak nhậm chức Thủ tướng còn đặc biệt và có ý nghĩa lớn hơn cả: Ông đại diện cho sự trở lại của một chính phủ ổn định sau 44 ngày sóng gió dưới thời bà Liz Truss và 6 năm chính trường Anh liên tiếp rơi vào các cuộc khủng hoảng chính trị.
Những bất ổn chính trị
Đảng Bảo thủ là một trong những chính đảng lớn nhất thế giới, nhưng hiện phải đối mặt với nguy cơ suy giảm quyền lực do mất đoàn kết nội bộ và nhiều khả năng sẽ mất ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Trọng trách đè nặng trên vai tân Thủ tướng Rishi Sunak lúc này là vực dậy nước Anh và đảng Bảo thủ.
Sự sụp đổ của chính quyền cựu Thủ tướng Liz Truss đã gây ra cú sốc lớn đối với một quốc gia đang rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện do những bất ổn kinh tế – chính trị kéo dài thời hậu Brexit.
Vai trò, vị thế của Vương quốc Anh trên trường quốc tế đã suy giảm đáng kể sau nhiều năm thiếu vắng một nhà lãnh đạo nắm quyền trong một thời gian đủ dài để duy trì sự ổn định của đất nước.
Những vấn đề của nước Anh không phải là không có giải pháp, nhưng chính phủ mới sẽ cần nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình hình hiện nay. Chính quyền Thủ tướng Sunak cần thể hiện cho người dân thấy rằng các thành viên trong nội các hoàn toàn có thể đạt được sự đồng thuận, nhất quán và phối hợp chặt chẽ trong các quyết định sắp tới. Một trong những vấn đề đầu tiên mà chính quyền Thủ tướng Sunak cần tập trung là hàn gắn các mối quan hệ với các quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, các chính sách dưới thời tân Thủ tướng Sunak liệu có được Hạ viện thông qua hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Trong các cuộc tổng tuyển cử tại Anh, cử tri sẽ bầu ra đảng lãnh đạo, chứ không trực tiếp bầu Thủ tướng. Đảng giành chiến thắng sẽ có quyền lựa chọn người lãnh đạo và vị trí này có thể được thay đổi giữa nhiệm kỳ. Hiện tại, người được Đảng Bảo thủ lựa chọn chính là ông Rishi Sunak.
Nhưng quyết định bổ nhiệm ông Sunak gặp phải rất nhiều tranh cãi về mặt pháp lý. Hiện ông Sunak là Thủ tướng thứ ba của nước Anh tính riêng trong năm 2022 và cũng là Thủ tướng thứ ba kể từ cuộc tổng tuyển cử gần nhất vào năm 2019. Nhiều cử tri, đặc biệt là nhóm ủng hộ phe Công Đảng đối lập, cho rằng ông Sunak thiếu tín nhiệm của người dân và kêu gọi nước này tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.
Dù vậy nhưng Đảng Bảo thủ hiện vẫn chiếm đa số trong Hạ viện Anh. Vấn đề đặt ra là nội bộ đảng này cần phải đoàn kết thống nhất ủng hộ tân Thủ tướng Sunak để các chính sách mà ông đưa ra được thông qua. Đảng Bảo thủ cần phải vượt qua sóng gió trước mắt và hoạt động trở lại với những giá trị cốt lõi, tầm nhìn chiến lược theo đúng quỹ đạo vốn có nhằm lấy lại sự tín nhiệm của các cử tri, cũng như thành viên Nghị viện.
Sự xung đột trong chính sách tài chính của các Thủ tướng tiền nhiệm đặt ông Sunak vào tình thế buộc phải tìm kiếm một định hướng lâu dài nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Đây là một trong những lĩnh vực được cử tri Anh đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây trong thời kỳ hậu Brexit. Cuộc khủng hoảng toàn diện trong 6 năm qua tại Vương quốc Anh cũng được cho là bắt nguồn từ tiến trình Brexit.
Sự kiện này đã làm đảo lộn mối quan hệ giữa Anh và các đối tác thương mại thân thiết nhất, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ. Hoạt động thương mại giữa Anh – EU trở nên phức tạp hơn, từ vấn đề thủ tục, pháp lý cho đến yếu tố thời gian, cũng như quá trình vận chuyển. Hệ quả sau đó là hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của người dân nước này.
Tình trạng này đã kéo nền kinh tế Anh rơi vào trạng thái mất cân bằng cung cầu hàng hoá, kéo theo đó là sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong những năm vừa qua. Đồng thời, Brexit cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc vốn luôn tồn tại trong lòng nước Anh, mà bản chất của tình trạng này xuất phát từ vấn đề nhập cư. Đây là một chủ đề mà cả hai chính đảng lớn tại Anh vẫn luôn phải vật lộn để giải quyết.
Ngoài ra, Brexit đã bộc lộ những khác biệt to lớn giữa Wales, Scotland và Bắc Ireland và Anh – bốn quốc gia trong Liên hiệp Vương quốc Anh. Trong khi người dân Scotland và Bắc Ireland mong muốn tiếp tục ở lại khối Liên minh châu Âu (EU), phần lớn người dân xứ Wales đã bỏ phiếu “ly khai” dù nhận được nhiều khoản tài trợ phát triển từ phía EU. Tuy nhiên, sau đó, người dân xứ Wales dần lo ngại sâu sắc rằng liệu chính phủ Anh duy trì hỗ trợ cho ngành nông nghiệp theo đúng cam kết hay không.
Sự sụp đổ của các chính quyền tiền nhiệm cho thấy Vương quốc Anh đang phải đối mặt với một thách thức lớn khi ngay cả một đảng chính trị lớn cũng khó vượt qua sự phân chia xã hội. Lãnh đạo một quốc gia tồn tại những khác biệt sâu sắc về quan điểm, mong muốn và bản sắc giữa các khu vực sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn với tân Thủ tướng Rishi Sunak, bởi trước đó, chính quyền Theresa May, Boris Johnson và Liz Truss đều thất bại trong việc thực hiện nó.
Vai trò suy giảm của Đảng Bảo thủ đã tạo thêm cơ sở cho những lời kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử Anh, qua đó người dân có thể trực tiếp bầu ra người lãnh đạo chính phủ. Có thể thấy trong các cuộc thăm dò gần đây, vị thế lung lay của Đảng Bảo thủ đang bị đe doạ khi Công Đảng ngày càng chiếm ưu thế và được cử tri ủng hộ mạnh mẽ hơn.
Trở lại đúng quỹ đạo
Trọng trách giải quyết những bất ổn trong chính trường Anh giờ được đặt lên vai tân Thủ tướng Sunak. Một loạt các vấn đề tài chính như lạm phát, thị trường tiền tệ, thuế và chi tiêu công đều đang tồn tại những bất cập cần được giải quyết, nhưng tất cả các lựa chọn của ông Sunak là rất hạn chế. Tình trạng bất ổn tài chính kéo dài rất có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội.
Trên thực tế, do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiền lương của người lao động Anh cũng được đẩy lên, gây thêm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của quốc gia này. Một số cuộc đình công cũng đã bắt đầu xuất hiện khi nhu cầu của người dân và người lao động không được đáp ứng, họ cảm thấy bất an trước tình hình kinh tế đang đứng bên bờ vực suy thoái của Vương quốc Anh.
Vấn đề năng lượng cũng gây ra một số quan ngại với người dân Anh. Tân Thủ tướng Sunak sẽ cần tìm kiếm giải pháp nhằm kiểm soát giá năng lượng tăng cao. Theo đuổi một chính sách năng lượng ổn định, phù hợp với những cam kết quốc tế về các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sẽ là cách hiệu quả để ông Sunak có thể ghi điểm và nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và Quốc hội Anh.
Sự ổn định chính trị trong nước sẽ là tiền đề để Vương quốc Anh xác lập lại vai trò, vị thế của nước này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong các chính sách đối ngoại tới đây, ông Sunak vẫn nên tập trung cải thiện mối quan hệ với một số nước đối tác quan trọng. Trong đó, chính phủ mới cần tập trung hàn gắn quan hệ với các đối tác châu Âu, bởi sự gần gũi về mặt văn hoá, địa lý cũng như hoạt động thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, đây cũng là hướng đi cần thiết nhằm đạt được một thoả thuận giữa Anh và EU về việc tránh thiết lập đường biên giới cứng, cản trở hoạt động giao thương giữa Bắc Ireland và khối này.
Lập trường của Vương quốc Anh trong cuộc xung đột Ukraine-Nga cũng sẽ là cơ sở vững chắc để nước này nâng cao uy tín quốc tế. Thủ tướng Rishi Sunak có thể dựa trên những giá trị cốt lõi của nước Anh, như sự ủng hộ với Ukraine, để củng cố vị thế của London trước các đồng minh, cũng như khẳng định cam kết của nước này trong việc bảo vệ nền tự do, dân chủ cũng như luật pháp quốc tế. Nước Anh sẽ chỉ thực sự quay trở lại đúng quỹ đạo và thể hiện được sự ổn định lâu dài khi Thủ tướng của nước này có thể tại vị thêm nhiệm kỳ thứ hai.