Việc ông Lê Minh Quốc được đề cử và tại vị ở vị trí Chủ tịch Eximbank có nhiều điều bất thường, nếu không nói là trái quy định pháp luật - (Ông Lê Minh Quốc - tân chủ tịch HĐQT Eximbank hiện nay).
Tin tức riêng của báo, việc ông Lê Minh Quốc ngồi vào ghế tân Chủ tịch Hội quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gây sốc dư luận bởi yếu tố xoay ngược tình thế bất ngờ ở “phút 89”.
Còn nhớ ở phiên bầu cử HĐQT tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Eximbank diễn ra ngày 15/12/2015, theo thông báo ban đầu của ban kiểm phiếu thì ông Lê Minh Quốc chỉ đạt 522.725.782 phiếu, tương đương 45,76% tổng số phiếu biểu quyết và điều này đồng nghĩa với việc ông không đủ số phiếu cho vị trí thành viên HĐQT độc lập.
Tuy nhiên, ở giây phút “bù giờ” thì xuất hiện 2 vị cổ đông xông vào phòng kiểm phiếu. Một người là ông Cao Xuân Ninh - ứng cử thành viên HĐQT, người còn lại là bà Ngô Thu Thúy.
Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 của Eximbank thay đổi hàng loạt nhân sự HĐQT ngân hàng.
Với lý do không nắm rõ cách thức bầu cử nên đã bỏ trống phiếu bầu. Ông Cao Xuân Ninh đã đánh dấu vào ô trống để bầu toàn bộ số cổ phiếu mà ông nắm giữ tại Eximbank cho ông Lê Minh Quốc. Sau đó, ban kiểm phiếu cập nhật số liệu thì tỷ lệ của ông Lê Minh Quốc lúc này trở thành là 58,11% (?!).
Tiếp đó một ngày, tức 16/12/2015, HĐQT mới đã họp và quyết định bầu ông Lê Minh Quốc - thành viên HĐQT độc lập, người không nắm giữ cổ phần Eximbank vào vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Về lý lịch, ông Lê Minh Quốc sinh năm 1951 tại TP.HCM, mang hai quốc tịch Việt Nam và Canada, có trình độ là Cử nhân Quản trị kinh doanh tại Thụy Sĩ. Ông Quốc từng là Phó Tổng giám đốc, Phó trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Âu Lạc.
Ông Quốc cũng từng kinh qua các chức vụ như: Tổng Giám đốc BNP Paribas Việt Nam; Giám đốc Điều hành BNP Paribas Đài Loan; Giám đốc Phụ trách Tài trợ thương mại vùng châu Á, Úc và Ấn Độ - Ngân hàng BNP Paribas Singapore; Giám đốc phụ trách Tài trợ thương mại vùng châu Á, Úc và Ấn Độ - Ngân hàng Banque Nationale de Paris, Pháp; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BNP Canada (Canada).
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn cãi và cổ đông của Eximbank sẽ “tạm” chấp nhận thực tế vị trí “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank thuộc về tay “người may mắn” ở những giây phút "bù giờ" - ông Lê Minh Quốc nếu như không có một số “điểm đen” theo thời gian dần được hé lộ.
Theo đó, hai cổ đông “nặng ký” và nắm giữ số phiếu lớn đã cùng tham gia bỏ phiếu ủng hộ cho ông Lê Minh Quốc là ông Đặng Phước Dừa, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ cũ (sở hữu 4,6% vốn điều lệ) và bà Ngô Thu Thúy (sở hữu 4,34% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, căn cứ vào Luật Tổ chức tín dụng thì cả hai người này đều “chưa đủ quyền” để giúp ông Lê Minh Quốc "bước chân" vào HĐQT Eximbank.
Bởi lẽ, tính đến ngày 6/2/2015 số cổ phần ông Đặng Phước Dừa sở hữu chỉ có 95.097 cổ phần, chiếm 0,01% vốn điều lệ Eximbank (không thay đổi gì so với thời điểm cuối năm 2014).
Cuối tháng 3/2014 giữa ông Đặng Phước Dừa và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) thực hiện việc chuyển nhượng 56.850.000 cổ phiếu Eximbank, chiếm tỷ lệ 4,6% vốn điều lệ Eximbank (tổng giá trị chuyển nhượng là 966,45 tỷ đồng, thời hạn thanh toán trả chậm trong 60 tháng) nhưng đến cuối tháng 5/2015 thì ông Dừa mới chỉ thanh toán cho HDBank 239,988 tỷ đồng, trong đó thanh toán giá trị hợp đồng là 149,988 tỷ đồng, chiếm chỉ 15,5% tổng giá trị chuyển nhượng và thanh toán lãi chậm trả là 90 tỷ đồng.
Ngày 9/3/2015, ông Đặng Phước Dừa có giấy yêu cầu HDBank đề cử ông Lê Minh Quốc tham gia HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 với tổng số cổ phiếu là 56.850.000 cổ phiếu Eximbank.
Người thứ hai với số cổ phiếu “khủng” góp sức một phần giúp ông Lê Minh Quốc trúng cử HĐQT là bà Ngô Thu Thúy, cổ đông đã làm Eximbank “xoay chuyển” cục diện.
Trước khi nói về bà Thúy, cần phải nhắc đến nhóm cổ đông liên quan đến "bầu" Kiên (đang thụ án 30 năm tù giam vì liên quan đến vi phạm đến hoạt động thao túng tài chính ở ngân hàng ACB - PV). Tính đến đầu năm 2015 thì nhóm cổ đông liên quan đến "bầu" Kiên sở hữu 115.486.734 cổ phần Eximbank (9,35% vốn điều lệ).
Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì số cổ phiếu Eximbank thuộc sở hữu của một số cổ đông có liên quan đến "bầu" Kiên đang được thế chấp tại ACB và đã được chủ sở hữu hoặc người đại diện ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 3/2015.
Bà Ngô Thu Thúy ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 53.628.698 cổ phiếu Eximbank, chiếm 4,34% vốn điều lệ (thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội, CTCP Đầu tư ACB Hà Nội) với tổng giá trị hợp đồng là 1.079 tỷ đồng, thanh toán trong 60 tháng. Tính đến thời điểm đó thì bà Thúy chỉ thanh toán 82 tỷ đồng, chiếm chưa đến 7,6% tổng giá trị chuyển nhượng.
Đại diện cho nhóm cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phiếu Eximbank, bà Ngô Thu Thúy đề cử ông Lê Minh Quốc ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với toàn bộ số cổ phiếu nhận chuyển nhượng là 53.628.688 cổ phiếu.
Ông Lê Minh Quốc nhờ hai “cổ đông mạnh” trên mà có thể vào được HĐQT Eximbank và tiến thêm một bước nữa là trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Tuy nhiên, nếu xét theo luật pháp hiện hành thì vẫn chưa có quy định nào về việc điều chỉnh mua bán trả chậm cổ phiếu của hai cổ đông lớn trên. Ông Đặng Phước Dừa chưa đủ quyền sở hữu cổ phiếu tại thời điểm đề cử nhân sự tham gia thành viên HĐQT và việc bà Ngô Thu Thúy chỉ mới thanh toán chưa đến 7,6% tổng giá trị chuyển nhượng cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc bà này chưa được đứng tên chủ sở hữu đối với tổng số 53.628.698 cổ phiếu Eximbank trên.
Như vậy, căn cứ vào đâu ông Lê Minh Quốc trúng cử và HĐQT Eximbank một cách dễ dàng như vậy? Hiện giới hoạt động kinh doanh tài chính và dư luận đang đặt vấn đề: Căn cứ vào đâu bà Ngô Thu Thúy có thể “làm xiếc” thay đổi kết quả bầu cử của một ngân hàng lớn ngay "phút bù giờ" của Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Eximbank vừa qua, trước sự chứng kiến và ngơ ngác của hàng trăm cổ đông tham dự. Phải chăng đó là do sự quá lỏng lẻo của các Cơ quan Thanh tra, Giám sát trong hoạt động ngân hàng?
Bà Ngô Thu Thúy là ai? Bà Ngô Thu Thúy được biết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Âu Lạc với chức năng kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, ven biển và viễn dương; dịch vụ hàng hải - kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải biển, hoạt động của các đại lý làm thủ tục hải quan và các hoạt động khác có liên quan. Trước đây khi bà Ngô Thu Thúy chưa giữ chức vụ ở Eximbank thì Âu Lạc đã có khoản vay đáng chú ý ở Eximbank. Ngày 30/6/2015, Âu Lạc vay ngắn hạn 37,62 tỷ đồng và 1.727.803 USD (38,9 tỷ đồng) với hình thức bảo đảm là tín chấp, lãi suất chỉ 3%/năm, ngày đáo hạn từ ngày 5/9-28/11/2015. Trong năm 2014, khá nhiều lần, Eximbank cho Âu Lạc vay tín chấp với lãi suất cực thấp. Cụ thể, tại báo cáo tài chính năm 2014, Âu Lạc vay tín chấp 27,1 tỷ đồng và 1.268.129 USD với lãi suất 3,5%/năm. Còn báo cáo giữa niên độ năm 2014, công ty này vay tín chấp 15,2 tỷ đồng và 715.339 USD lãi suất 3,5%/năm. Vì sao Âu Lạc được Eximbank cho vay tín chấp với giá trị lớn nhưng lãi suất cực thấp như vậy? Là dấu hỏi lớn mà nhiều cổ đông Eximbank đang quan tâm đặt vấn đề và chất vấn. |
Đình Đình